Nơi người kể chuyện được trọng vọng nhất

Nơi người kể chuyện được trọng vọng nhất

Yêu người kể chuyện

Philippines là quốc đảo Đông Nam Á, có diện tích khoảng 300.000 km2 và dân số gần 109 triệu người. Họ nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương và gần xích đạo nên thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất, đợt bão nhiệt đới nguy hiểm. Bù lại, tài nguyên thiên nhiên ở đất nước này rất giàu có. Nhờ đó, các bộ lạc theo lối sống săn bắt - hái lượm nguyên thủy thoải mái duy trì cuộc sống ấm no.

Agta là bộ lạc du mục chủ yếu di chuyển trong khu vực núi non của đảo Luzon, Philippines. Họ có dáng vóc khá nhỏ, rất nhanh nhẹn nên thường được ví như “yêu tinh của rừng”. Tổng dân số Agta dao động từ khoảng 20.000 - 30.000 người. Họ là một trong những dân tộc sinh sống tại Philippines sớm nhất.

Nơi người kể chuyện được trọng vọng nhất ảnh 1
Đàn ông Agta hiểu rõ sự cần thiết của hợp tác, bình đẳng.

Xã hội Agta phân công lao động thành các nhóm săn bắt, đánh cá, cắt cỏ… khác nhau. Ngoài săn bắt - hái lượm, họ cũng canh tác trồng trọt. Khi mùa khô đến, người Agta bắt đầu phát nương rẫy, gieo hạt. Làm nông là công việc chung, tất cả các thành viên đều có nghĩa vụ góp sức. 

Sau khi thu hoạch, phụ nữ Agta tiến hành trao đổi, buôn bán một phần sản phẩm với các bộ lạc xung quanh.

Ban ngày, nam nữ Agta ai làm việc nấy. Tối đến, họ tụ tập đốt lửa, trò chuyện và đặc biệt là nghe kể chuyện. Phụ nữ Agta đóng vai trò người kể chuyện. Họ lưu truyền các câu chuyện truyền miệng từ thời xưa.

Thiếu nữ giới Agta càng giỏi kể chuyện thì càng thu hút người khác phái. Nam giới Agta mê mẩn, xem họ như đối tượng kết hôn lý tưởng nhất. Phụ nữ Agta tài kể chuyện dù đã có chồng con vẫn được đàn ông yêu mến, tặng quà. Người Agta ngưỡng mộ họ hơn so với nam giới giỏi săn bắt nhất.

Đề cao bình đẳng, hợp tác

Nơi người kể chuyện được trọng vọng nhất ảnh 2

Kể chuyện là hoạt động giải trí, giáo dục sớm nhất của nhân loại. Hình thức đầu tiên của văn chương là văn học dân gian. Chúng là những câu chuyện được người xưa thêu dệt nên, nhằm mục đích mua vui, lưu truyền tri thức, kinh nghiệm… Với người Agta, bài học quan trọng nhất là lối sống bình đẳng và hợp tác.

Câu chuyện về sự phân chia thời gian chiếu sáng giữa Mặt trời và Mặt trăng của người Agta kể rằng, ngày xưa hai hành tinh sáng nhất này xuất hiện cùng một lúc. Chúng đấu đá nhau dữ dội, tranh vị trí thắp sáng bầu trời vào ban ngày. Cuối cùng, Mặt trăng thắng cuộc. Sau một thời gian chiếu sáng vào ban ngày, nó nhận ra mình không bằng Mặt trời nên tự giác nhường vị trí, chuyển sang ban đêm. Nhờ vào sự tình nguyện hợp tác của cả hai, mặt đất mới được chiếu sáng cả đêm lẫn ngày.

Như nhiều nền văn hóa ở phương Đông, người Agta cũng xem Mặt trời là đại diện của đàn ông còn Mặt trăng là phụ nữ. Nhưng Mặt trăng của Agta không bị chèn ép mà chủ động nhường vị trí cho Mặt trời. Thông qua đó, người Agta thể hiện rõ quan điểm bình đẳng giới tính.

Ngoài Mặt trăng và Mặt trời, Agta còn rất nhiều chuyện truyền miệng mang chủ đề hợp tác, bình đẳng tương tự. Nhân vật là con lợn lòi của họ tự gạt lợi thế chạy nhanh trên mặt đất, bước xuống biển chạy đua với lợn biển cho được công bằng. Con kiến có cánh biết khiêm nhường, không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo trước các chị em không có cánh…

Gieo ý thức hòa bình

Nơi người kể chuyện được trọng vọng nhất ảnh 3
Đa số người kể chuyện của Agta đều là phụ nữ đã có nhiều con.

Phần lớn các dân tộc thiểu số Philippines vẫn theo lối sống săn bắt - hái lượm nguyên thủy. Họ lưu truyền nhiều câu chuyện dân gian và có tới 70% các nội dung mang mục đích giáo dục sự bình đẳng, hợp tác.

Trong xã hội săn bắt - hái lượm, hợp tác và bình đẳng là yếu tố quyết định sự sống sót. Mọi thành viên của bộ lạc đều hiểu “đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết”. Khi nhân loại vẫn trong thời kỳ nguyên thủy, họ cũng nhận thức rõ điều này. Có điều từ lúc biết tư hữu, con người bắt đầu phân biệt đủ thứ. Nhiều cá nhân, cộng đồng tự cho là ưu tú, đặc biệt hơn. Họ dần kéo giãn khoảng cách xã hội, hình thành phân chia đẳng cấp, quyền lực, kinh tế, học vấn…

Trái lại, người Agta tiếp tục duy trì văn hóa bình đẳng truyền thống. Một trong các thính giả được quan tâm nhất của bộ lạc là lớp trẻ. Trẻ em Agta thường quanh quẩn bên bà, mẹ, chị, giúp đỡ công việc và lắng nghe kể chuyện. 

Phụ nữ Agta khéo léo lồng ghép lời răn dạy vào các nội dung truyền miệng. Họ gieo vào đầu con trẻ thông điệp mọi người đều bình đẳng và phải biết chung tay, góp sức. Một số nhà nhân học cho rằng, vai trò giáo dục quan trọng này chính là lý do tại sao phụ nữ - người kể chuyện Agta lại được yêu thích, coi trọng hơn các thành viên khác.

Ngoài bài học đạo đức lối sống, văn học dân gian Agta còn chứa các kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ, cây cối, động vật hoang dã… Nó giống như bách khoa toàn thư về cuộc sống dựa vào thiên nhiên. 

Người Agta rất giàu hiểu biết về các cánh rừng nhiệt đới. Họ cứ vừa ghi nhớ kiến thức cha ông để lại vừa tích lũy thêm nhận thức mới. Đến nay, bộ lạc này vẫn sống hài hòa với núi rừng, và nổi danh có cấu trúc xã hội bình đẳng hơn bất cứ tộc người nào.

Theo Theatlantic.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ