Nếu như khu vực đồng bằng Bắc bộ, miền núi phía Bắc, tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn cao thì ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Đông Nam bộ, tình trạng trên ngược lại. Người dân ngại đẻ khiến mức sinh trung bình/phụ nữ chỉ ở mức 1,5-1,6 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Mức sinh thấp thực sự là vấn đề đáng ngại bởi dẫn đến tình trạng không cung cấp đủ nguồn lao động cho tương lai, kéo dài thời gian của quy mô dân số già… Trước thực trạng trên, Bộ Y tế chính thức đề xuất 3 phương án để ổn định quy mô dân số.
Đó là duy trì mức sinh như hiện nay, tức khuyến khích mỗi cặp vợ chồng có 2 con. Chính sách dân số sẽ linh hoạt theo hướng ở vùng có tỷ lệ sinh cao vẫn vận động sinh đủ 2 con, vùng thấp sẽ vận động nâng mức sinh. Phương án 2 sẽ tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con. Phương án 3 để người dân tự quyết định số con của mình. Nhà nước sẽ không cấp phương tiện tránh thai miễn phí như hiện nay mà để người dân chủ động tìm đến khi có nhu cầu.
Phương án nào cũng có ưu-nhược điểm. Do vậy, hiện Bộ Y tế nghiêng về phương án 1, duy trì mức sinh thay thế, tiếp tục vận động giảm số con ở vùng có mức sinh cao và nâng số con ở vùng có mức sinh thấp. Thiết nghĩ dù chọn phương án nào, người dân cũng đều mong muốn đời sống ổn định để phát triển kinh tế. Ngành y tế đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dân số ở vùng thành thị, nông thôn và miền núi. Phương tiện tránh thai như nhiều mặt hàng phổ biến khác (được kiểm soát chất lượng, đa dạng chủng loại) để việc tiếp cận được dễ dàng, có nhiều lựa chọn cho người sử dụng.