Nỗi lo phá nát di sản tháp Bánh Ít

GD&TĐ - Dùng phương tiện cơ giới, bê tông gạch đá, thi công không đúng với các biện pháp đã được thẩm định… đang dấy lên lo ngại về di sản tháp Bánh Ít.

Tháp Bánh Ít là cụm các tháp Chăm với 4 công trình kiến trúc cổ. Ảnh: Sở Du lịch Bình Định.
Tháp Bánh Ít là cụm các tháp Chăm với 4 công trình kiến trúc cổ. Ảnh: Sở Du lịch Bình Định.

Tháp Bánh Ít (tháp Bạc) là một cụm các tháp Chăm với 4 công trình kiến trúc cổ, gồm: Tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia và tháp Chính được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 11. Cụm tháp được Bộ Văn hóa – Thể thao xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1982.

Tu bổ di tích bằng máy cơ giới

Là một trong những di tích cổ kính tuyệt đẹp còn sót lại của văn hóa Chăm Pa, tháp Bánh Ít ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước - Bình Định) phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ việc thi công không đúng với các biện pháp đã được thẩm định.

Tháng 9/2021, UBND tỉnh Bình Định có văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít. Công trình do Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 25,6 tỉ đồng.

Dự án được đầu tư để hoàn thiện đường nội bộ bằng bê tông, lát đá, xây dựng khu nhà chức năng (nhà dịch vụ, đón tiếp, trưng bày, thường trực, bảo vệ, vệ sinh) thành một khối có quy mô xây dựng khoảng 712m2 và làm hạ tầng cảnh quan, sân vườn, bãi đậu xe… Công trình sau khi hoàn thành sẽ thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu về giá trị lịch sử, kiến trúc di tích.

Tuy nhiên vừa qua, cơ quan chức năng Bình Định đã đề nghị chủ đầu tư là Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh này cùng các đơn vị liên quan ngừng ngay việc thi công dự án bằng máy cơ giới. Cụ thể, trong quá trình thi công, nhà thầu đã sử dụng máy để đào một khối bê tông ở phía Đông và san gạt sân phía trước, cũng như khuôn viên tháp Chính.

Trong khi đó theo hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công phần công trình này phải bằng phương tháp thủ công và máy đầm đất cầm tay.

Thanh tra Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong quá trình thi công xây dựng tiếp theo phải thực hiện đúng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định phê duyệt. Đồng thời, có biện pháp thi công không ảnh hưởng đến hiện trạng di tích.

Ông Đinh Bá Hòa - nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết, việc huy động máy móc, phương tiện cơ giới thi công, san gạt ở khu vực tháp Bánh Ít hoàn toàn sai. Luật Di sản quy định rõ trong di tích những vùng nào cần bảo vệ nghiêm ngặt, bất khả xâm phạm, những vùng nào có thể điều chỉnh.

Trước đây, đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di tích đã quy định tháp Bánh Ít là cụm tháp chỉ có 1 vòng bảo vệ nghiêm ngặt, không có phạm vi điều chỉnh.

Ông Hòa đặt câu hỏi: Tại sao với công trình di tích tháp Chăm gần 1.000 năm tuổi, công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia mà trong thi công lại không hề có sự tham gia, giám sát của chuyên gia di sản, khảo cổ học?

Tôn tạo theo cảm hứng?

Dùng xe cơ giới trong khi trùng tu tại dự án di tích tháp Bánh Ít.

Dùng xe cơ giới trong khi trùng tu tại dự án di tích tháp Bánh Ít.

Cục Di sản văn hóa đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định kiểm tra, chỉ đạo cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích. Căn cứ nội dung dự án đã được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công bảo đảm không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường sinh thái của di tích.

Ngoài việc sử dụng máy cơ giới, dư luận cũng như giới bảo tồn còn lo ngại khi một số hạng mục của dự án tháp Bánh Ít đang được xây dựng, tu bổ bằng gạch đá và bê tông.

Theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, tháp Bánh Ít có một số hạng mục được xây dựng bằng bê tông, lát đá và xây gạch. Trong đó, đường nội bộ (phía Tây Nam) sẽ được hoàn thiện bằng bê tông, lát đá có chít mạch hồ kéo dài qua cổng chính; bãi đậu xe; sân trước khu nhà chức năng; khuôn viên phía trước và dưới tháp Chính, dưới chân tháp Nam và dưới chân tháp Cổng được lát đá ong.

Tuy nhiên, việc xây dựng, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít khiến dư luận ở Bình Định không đồng tình. Việc xây dựng bồn hoa bằng gạch xung quanh các chân tháp gây phản cảm, mất đi giá trị và vẻ đẹp vốn có của tháp cổ. Đồng thời, xây dựng tường rào, lối đi, sân bãi bằng bê tông cũng làm mất đi vẻ hoang sơ vốn có.

“Việc xây dựng bồn hoa bằng gạch xung quanh chân tháp sẽ gây sụt lún tháp khi thường xuyên tưới nước, cây hoa cũng che khuất các chi tiết đẹp của tháp. Trong Luật Di sản văn hóa, đây là khu vực thuộc vòng một của di tích nên bất khả xâm phạm”, ông Đinh Bá Hòa - nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho hay.

Hiện, có nhiều ý kiến cho rằng, việc tôn tạo nhưng đe doạ đến di tích đặt ra trách nhiệm của Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định. Đây vừa là cơ quan chức năng, vừa là chủ đầu tư dự án nhưng thiếu trách nhiệm giám sát, để cho các đơn vị thi công xây dựng hạng mục không đúng như thiết kế đã phê quyệt.

Đặc biệt, xây dựng bồn hoa xung quanh các chân tháp là hạng mục công trình xâm hại nghiêm trọng đến di tích. Đơn vị thi công là liên doanh Công ty TNHH xây dựng Hiếu Ngọc, Công ty TNHH xây dựng Thành Lộc và Công ty TNHH Hùng Phát cũng chưa đủ chuyên môn để có thể thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích này.

Phá nát di tích trong khi tôn tạo đã không còn là chuyện mới trong công tác bảo tồn. Tháng 9/2021, bia đá 342 năm tuổi ở chùa Thổ Hà (Việt Yên - Bắc Giang) bị gẫy đôi trong khi di chuyển để nâng cốt nền khuôn viên. Sau đó, Cục Di sản văn hóa ra văn bản đề nghị Bắc Giang khắc phục những sai lầm.

Tuy nhiên, gương vỡ không thể lành và những mất mát văn hóa vì trùng tu thiếu hiểu biết thì không thể lấy lại. Đáng tiếc, vòng luẩn quẩn ấy vẫn luôn lặp lại – tháp Bánh Ít đang là một ví dụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ