Nỗi khổ ngày hè

Nỗi khổ ngày hè

(GD&TĐ) - Cho con đi nghỉ mát thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện; mà nếu có thì giỏi lắm một mùa hè cũng chỉ đi được 1 – 2 chuyến. Trong khi đó, ít nhất trong khoảng 1,5 tháng, học sinh không đến trường. Gửi con ở đâu khi trẻ không đi học, trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm? Đó là câu hỏi làm “đau đầu” nhiều bậc cha mẹ ở thành phố trong dịp hè.

Muôn kiểu gửi trẻ dịp hè

Cứ mỗi mùa hè về là không ít gia đình có con nhỏ lại “đau đầu” chuyện trông con dịp nghỉ hè như thế nào, nhất là với học sinh mầm non, tiểu học ở thành phố. Trong năm, con trẻ đi học từ sáng đến chiều mới đón về, thời gian bán trú cả ngày “giao” hết cho nhà trường. Mùa hè lại khác, đi học thêm, học năng khiếu bất kể môn gì cũng phải có giờ giấc, lại “đòi hỏi” thêm người đưa đón, vì thường những lớp chỉ học không bán trú cả ngày thường chỉ diễn ra trong 2- 3 tiếng mỗi buổi. 

Vậy là các gia đình có điều kiện tài chính chưa đến hè đã tìm các trung tâm giáo dục “đa năng” (trong đó tiêu chí hàng đầu là trông và dạy trẻ cả ngày) để đăng ký cho con theo học. Nhưng thực tế, chỉ một bộ phận gia đình thành thị có thể cho con theo học những lớp bán trú hè của trung tâm này hay cơ sở giáo dục kia. 

Chương trình “Học kỳ quân đội” đang là một lựa chọn của những phụ huynh muốn con có kỹ năng sống kỷ luật hơn
Chương trình “Học kỳ quân đội” đang là một lựa chọn của những phụ huynh muốn con có kỹ năng sống kỷ luật hơn

Cả 2 vợ chồng đều là công chức Nhà nước, 2 đứa con trai đều đang tuổi mầm non, tiểu học, nên năm nào cũng vậy, cứ gần đến hè là nhà chị Mai (đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại gọi điện về quê “gióng” trước bà nội thu xếp công việc ra trông cháu; đồng thời hẹn trước với bác xe ôm quen đầu ngõ giờ nào thì đưa thằng lớn đi học, giờ nào thì đón thằng nhỏ về. Chị Mai cho biết, dẫu là xe ôm quen nhưng cũng phải “giữ mối quen” bằng cách trả thù lao trọn gói để yên tâm đi làm không phải mỗi ngày 1,2 lần giữa buổi chạy về đón con ở các lớp học năng khiếu, học hè.

Tiện hơn nữa là nhiều cặp vợ chồng trẻ có bố mẹ ở chung hoặc ở gần có thể nghĩ ra cách để “rảnh tay chân” với con vào dịp hè. Anh Thái công tác tại một cơ quan ở quận Cần Giấy (Hà Nội), nhà thì ở đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai). Hai vợ chồng tiếng là cùng cơ quan nhưng không bao giờ đi làm cùng nhau được. Trong năm học, mỗi sáng ra, chồng tất tả đưa đứa lớn đi học ở một trường THCS thuộc quận Đống Đa, vợ đưa con nhỏ đang học mẫu giáo 5 tuổi ra trường mầm non gần nhà. Mùa hè thì đứa lớn còn đi học thêm mấy chỗ, còn đứa nhỏ thì nghỉ hè cả 3 tháng. Tính toán mãi, anh Thái quyết định khi các con nghỉ hè là lập tức mang con lên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) để gửi ông bà ngoại. Vừa tiện có người trông đứa nhỏ, vừa có người đưa đón đứa lớn đi học thêm hè. 

Nỗi khổ ngày hè ảnh 2
Hè về, trẻ hứng thú với những không gian vui chơi phù hợp, nhưng không phải dễ tìm thấy những nơi như thế  Ảnh: Thu Ba

Còn với vợ chồng anh Phú ở phố Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), thay vì nhờ ông bà ở quê ra trông cháu, hè năm nay anh chị sẽ gửi con về quê ở hẳn với ông bà ít nhất 1 tháng hè rồi tính tiếp. Anh Phú rất hài lòng với quyết định gửi con dịp hè như thế, vì theo anh cho về quê nghỉ hè với ông bà thì con của anh sẽ được dịp gần gũi với thiên nhiên; không gian nông thôn thoáng đãng, trong lành hơn ở thành phố bụi bặm, chật chội. Hơn nữa, ở quê có người họ hàng là giáo viên có tiếng là dạy giỏi, như vậy anh sẽ nhờ luôn người họ hàng kèm cặp, nhắc nhở con học ôn bài trong thời gian nghỉ hè...

Những chốn “gửi con” không ngờ

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện “gửi con” trong những ngày hè như các trường hợp kể trên. Anh Hùng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên phải đi công tác xa, ông bà nội ngoại bận rộn nên cũng không thể “nhờ vả” để gửi con nhỏ thường xuyên được. Rút kinh nghiệm nhiều mùa hè trước, mùa hè này anh Hùng sẽ bỏ ra một số tiền kha khá để gửi con tới lớp bán trú hè ở một trung tâm giáo dục của tư nhân. Mức chi phí cho 1 tháng hè gửi con vào lớp bán trú như vậy bằng cả một tháng thu nhập của anh Hùng, nhưng theo anh thì thà bỏ ra một số tiền như vậy mà con mình vừa được chơi được học trong phòng điều hòa mát, vừa được tiếp xúc với bạn bè, còn hơn phải “nhốt” còn ở nhà một mình từ sáng đến chiều với mấy món đồ ăn làm sẵn cho bữa trưa một mình. Anh Hùng còn cho biết gia đình anh đã liên hệ lại với lớp học bán trú để ngay từ đầu tháng 6 cho con đi học luôn, dù từ nhà đến nơi học cũng chẳng hề gần, lại không cùng đường đi đến cơ quan...

Tuy nhiên gửi con ngày hè như thế không độc đáo bằng cách “gửi” con của vợ chồng anh Minh (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Hè năm ngoái, trong lúc trò chuyện vui, anh kể chuyện mới đi thăm con trai về. Mọi người xung quanh nghe giật mình tưởng đứa trẻ bị làm sao, hay đang ở đâu mà phải “đi thăm”. Nghe anh Minh kể chuyện thì hóa ra con anh cứ được nghỉ hè là anh không bố trí đi học thêm hay học bán trú ở đâu cả, anh được một đồng nghiệp ở công ty giới thiệu ở một ngôi chùa (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có khóa “Tu mùa Hè” do Ban chủ trì Chùa tổ chức (ở đây nhận trông, dạy trẻ theo lối nhà Phật). Sau khi tìm hiểu, 2 vợ chồng anh quyết định gửi con vào... chùa. 

Anh Minh kể hôm tới chùa thăm con, rất ngạc nhiên thấy con mình đang cầm chổi quét sân chùa. Thăm quan chùa một vòng thấy chỗ ngủ của con ngăn nắp, quần áo gọn gàng sạch sẽ; sách vở rất ngay ngắn, bài vở học có đủ cả lời phê của các sư thầy. Kết thúc thời gian ở chùa 1 tháng, anh Minh cho biết về nhà con anh khác hẳn, trở nên “thuần tính”, ngoan và tự giác học hơn. Mùa hè năm nay, anh Minh lại đang theo dõi thông tin để đăng ký cho con theo khoá “Học kỳ Quân đội”.

Trước tình cảnh con nghỉ hè còn bố mẹ vẫn phải đi làm, thì không chỉ anh Minh mới có ý định chuẩn bị mùa hè cho con một cách độc đáo như thế.

Cũng vì thiếu sân chơi

Phụ huynh “loay hoay” với kỳ nghỉ hè của con em mình, chung quy cũng vì thiếu sân chơi cho trẻ, đây là một thực trạng chung của cả nước chứ không riêng gì ở các thành phố lớn. Ngay cả ở các vùng nông thôn vốn không gian rộng rãi, trẻ cũng không có gì chơi ngoài giờ học. Thế nên các em thường tụ tập chơi ngay dưới bóng cây to trong xóm, ven các tuyến đường chạy qua thôn, hay ở ruộng khô, trên bờ đê... Còn trẻ em miền núi trong những ngày hè lại theo chân cha mẹ lên nương, rẫy để chơi. Do không có trò chơi cụ thể, các em thường chỉ leo cây, hoặc tắm sông, suối... Đây là những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em trong hè. Nhiều trẻ em còn bị hạn chế quyền vui chơi giải trí do phải tham gia “phụ giúp” bố mẹ bằng việc lao động quá sức. 

Với các thành phố lớn, thiếu sân chơi cho trẻ là câu chuyện “bình thường” từ nhiều năm nay. Do vậy, không ít trẻ sau giờ học thêm hè (thường chỉ một buổi trong ngày) lại chọn các cửa hàng game làm chỗ “giết thời gian” hay về nhà nằm dài xem tivi nhiều giờ liền, hoặc lướt web, vào mạng internet giải trí... vì không còn lựa chọn nào khác hơn. Nhiều phụ huynh cũng chỉ có thể đưa trẻ đến khu vui chơi vào buổi tối, vì ban ngày cha mẹ phải làm việc. Thế nên, những đứa trẻ được “gửi” đến các trung tâm vừa học vừa chơi, hay tham gia các khoá học bán trú, nội trú không quá tốn kém, xem ra lại còn may mắn hơn so với nhiều chúng bạn. 

Để có một mùa hè bổ ích, hài hoà, giải toả được các khó khăn, trẻ nhỏ và cả phụ huynh cùng toát mồ hôi...

Bắc Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.