Nơi học sinh vẫn sống trong nỗi ám ảnh đại dịch

GD&TĐ - Tại Trường Tiểu học Ninety-Fifth Street (Mỹ), đại dịch đã khiến những đứa trẻ phải vật lộn để học tập.

Học sinh tại Trường Tiểu học Ninety-Fifth Street.
Học sinh tại Trường Tiểu học Ninety-Fifth Street.

Trong khi đó, phụ huynh, giáo viên và học sinh tại đây vẫn luôn sống trong nỗi ám ảnh đại dịch quay lại.

Nới rộng khoảng cách

Laura Crespo - giáo viên lớp 5 trong giờ giảng dạy.

Laura Crespo - giáo viên lớp 5 trong giờ giảng dạy.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế và An ninh Johns Hopkins (Mỹ), ngày 11/3 đánh dấu 3 năm kể từ khi WHO tuyên bố đại dịch Covid-19. Hiện tại, hầu hết quốc gia đều đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này. Tuy nhiên, trung tâm này đánh giá, Covid-19 vẫn là nguyên nhân gây tử vong cho hàng nghìn người mỗi tuần trên toàn thế giới.

Lúc 7 giờ 30 phút vào một buổi sáng tháng 1, Lakishia Fell-Davis lái ô tô đến Westmont - một cộng đồng ở phía Nam của Los Angeles. Fell-Davis đến Trường Tiểu học Ninety-Fifth Street, nơi cô vừa là giáo viên, vừa là phụ huynh của hai học sinh.

Con gái cô - Makayla (9 tuổi) đang nhấm nháp một chiếc bánh mì. Trong khi đó, Kevin Jr. - cậu con trai 7 tuổi thì nhìn ra ngoài cửa sổ. Khẩu trang y tế được cất bên cạnh chỗ ngồi của hai trẻ.

Liếc nhìn các con qua gương chiếu hậu, Fell-Davis bắt đầu cầu nguyện cho sự an toàn của trẻ, và cô nhận thức được rằng vào thời điểm này - năm 2023, hầu hết mọi người coi đại dịch là dĩ vãng. Tuy nhiên, đối với Fell-Davis, Covid-19 vẫn là một mối đe dọa thực sự.

Lý do là vì Fell-Davis mắc bệnh tiểu đường tuýp I. Điều đó khiến cô có nguy cơ phải nhập viện cao và gặp biến chứng lâu dài. Do đó, trải nghiệm trong đại dịch đã định hình cách cô nghĩ về cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là ở trường.

Fell-Davis đã làm việc liên tục trong hơn một thập kỷ với tư cách là giáo viên và trợ giảng. Mắc Covid-19 có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tình cảm và tài chính cho gia đình nữ giáo viên này.

Fell-Davis chia sẻ từng cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi các trường học ở Los Angeles giảng dạy trực tuyến trong một năm rưỡi đầu tiên của đại dịch. Nỗi sợ hãi của cô đã thành hiện thực vào mùa Đông năm 2021.

Thời điểm đó, chồng cô - Kevin mắc Covid-19. Việc mắc bệnh khiến Kevin phải nghỉ việc bảo vệ hơn một tuần, gia đình rơi vào thời kỳ căng thẳng tài chính.

Sau đó, tất cả thành viên trong gia đình Fell-Davis đều mắc Covid-19. Đại dịch đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của Kevin Jr. Cậu bé sẽ bị kích động, thậm chí là khóc nếu nhìn thấy ai đó không đeo khẩu trang.

Fell-Davis đã khóc khi biết rằng, mùa Thu năm 2021, học sinh và giáo viên cần tới trường. Cô căng thẳng về việc liệu mình có thể bị ốm hay không. Nữ giáo viên đồng thời lo lắng về vắc-xin - thứ mà học khu đã bắt buộc tiêm đối với hầu hết nhân viên. Fell-Davis thường xuyên nhắc các con về quy tắc phòng bệnh: Rửa tay; Đeo khẩu trang; Không chia sẻ đồ ăn nhẹ.

Tại ngôi trường này, 94% học sinh sống trong cảnh nghèo khó. Nhiều phụ huynh làm những công việc thiết yếu và mắc bệnh mãn tính. Trường học và các cộng đồng nghèo khác ở Los Angeles đã gánh chịu thiệt hại nặng nề trong đại dịch. Ở California - nơi khoảng cách thu nhập giữa các gia đình lớn nhất cả nước, đại dịch đã làm rõ những hậu quả của sự bất bình đẳng.

Tuổi thọ của người Latinh ở California đã giảm khoảng sáu năm. Con số này đối với người California da đen là bốn năm. Ở Los Angeles - nơi người gốc Latinh chiếm gần một nửa dân số, tỷ lệ tử vong chung đã tăng nhiều hơn bất kỳ nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc nào khác.

Một trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Đông và Nam Los Angeles. Đây là nơi sinh sống của các gia đình người Mỹ Latinh và da đen có thu nhập thấp.

Họ làm những công việc thiết yếu, có thể sống trong những ngôi nhà nhiều thế hệ chật chội và tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường cao hơn. Ở Westmont, cứ 100.000 cư dân thì có 384 người tử vong vì Covid-19. Trong khi đó, con số này là 113 người ở khu phố Westside giàu có của Brentwood.

Ở những nơi khác tại Los Angeles và phần còn lại của đất nước, hầu hết mọi người đều chấp nhận “sự trở lại bình thường” sau đại dịch Covid-19. Tại Mỹ, hơn 200 người vẫn tử vong vì Covid-19 mỗi ngày.

Trong khi đó, hàng nghìn người vẫn phải nhập viện vì căn bệnh này. Barbara Ferrer - Giám đốc Sở Y tế công cộng của quận, đã thừa nhận rằng, việc hạn chế nhiều biện pháp an toàn không có nghĩa là Covid-19 đã biến mất.

“Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, Covid-19 vẫn là một loại bệnh nguy hiểm tiềm tàng. Có một “lầm tưởng đáng lo ngại mà chúng tôi biết đang lan truyền rằng, Covid-19 giống như cảm lạnh hoặc cúm và mọi người không thực sự cần lo lắng.

Điều đó có thể đúng với nhiều người. Song, đối với một số người, điều đó hoàn toàn không đúng”, bà Ferrer chia sẻ.

Sống trong cảm giác mơ hồ

Nhiều phụ huynh vẫn lo sợ Covid-19 sẽ trở lại.

Nhiều phụ huynh vẫn lo sợ Covid-19 sẽ trở lại.

Phụ huynh ở Los Angeles đã chia thành hai phe về vấn đề mở cửa lại trường học. Trong đó, các gia đình ở những khu dân cư có thu nhập thấp - nơi tỷ lệ tử vong cao và tỷ lệ tiêm chủng thấp đã do dự.

Khi học sinh trực tiếp trở lại đầy đủ vào mùa Thu năm 2021, học khu đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa an toàn khá nghiêm ngặt. Bất kỳ ai vào khuôn viên trường đều phải điền vào biểu mẫu xác nhận không có triệu chứng của Covid-19. Đồng thời, tất cả học sinh và nhân viên đều phải đeo khẩu trang và xét nghiệm PCR hằng tuần.

Vào mùa Thu năm 2022, nhà trường loại bỏ hầu hết các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời, yêu cầu chỉ những người có các triệu chứng của Covid-19 hoặc đã phơi nhiễm với người bệnh mới cần xét nghiệm. Trước sự kinh ngạc của một số giáo viên và phụ huynh, khẩu trang, khoảng cách đã biến mất.

Một số phụ huynh vẫn cho con đeo khẩu trang đến trường và cấm trẻ tham gia các hoạt động như dã ngoại. Tuy nhiên, những người khác cho biết không thực sự quan tâm.

Trong giai đoạn mới của Covid-19, điều gì tạo nên sự an toàn vẫn còn gây tranh cãi, khiến giáo viên có cảm giác mơ hồ không yên tâm. Song, Laura Crespo - giáo viên lớp 5 tại Trường Tiểu học Ninety-Fifth Street, người mắc bệnh hen suyễn - cảm thấy rằng, Covid-19 vẫn còn nghiêm trọng.

Nữ giáo viên chia sẻ, nhiều phụ huynh vẫn còn căng thẳng về Covid-19 và yêu cầu cô đảm bảo rằng, con họ đeo khẩu trang. Cô thường xuyên nhắn tin và gọi điện để kiểm tra cuộc sống gia đình học sinh, hoặc cập nhật tới phụ huynh về các sự kiện trong khuôn viên trường.

Thực tế cho thấy, đại dịch đã khiến những đứa trẻ phải vật lộn để học tập. Zaira Valadez - một giáo viên lớp Hai - cho biết, nhiều học sinh của cô mắc kẹt ở trình độ toán mẫu giáo. “Có quá nhiều nỗ lực để những đứa trẻ này đạt điểm cao.

Chúng tôi quên đi tất cả những tổn thương mà chúng đã trải qua, tất cả những gì chúng tôi đã trải qua”, nữ giáo viên cho biết. Trong khi đó, Crespo chia sẻ, học sinh của cô đã đạt được tiến bộ. Song, lũ trẻ phát ngán với các bài kiểm tra và vẫn đang gặp khó khăn về mặt cảm xúc.

Nữ giáo viên cho biết đang cố gắng đáp ứng các yêu cầu của học khu. Tuy nhiên, điều đại dịch dạy cho cô về việc giảng dạy đó là học sinh cần thời gian. “Tôi chỉ có thể làm những gì tôi có thể làm. Sẽ không có ai đến và cung cấp cho học sinh của chúng tôi mọi thứ trẻ cần. Tôi bắt đầu trở nên mẫn cảm. Tôi chỉ có thể lo lắng bấy nhiêu thôi”, giáo viên Crespo bày tỏ.

Bất bình đẳng sau Covid-19 là một vấn đề mang tính cấu trúc giống như tình trạng nghèo đói trong trường học. Đây là một vấn đề mà không cá nhân nào có thể hy vọng giải quyết một mình.

Nỗi lo lắng thường trực đang hành hạ tinh thần, khiến nhiều giáo viên cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống bên ngoài trường học. Tuy nhiên, nữ giáo viên Crespo không thể ngăn mình khỏi lo lắng. Bởi, có quá nhiều thứ khiến cô phải chú ý.

Vào giữa tháng 3, một vài tuần sau khi California rút lại tuyên bố khẩn cấp về đại dịch, Crespo và hàng nghìn giáo viên khác đã nghỉ làm trong ba ngày để thể hiện tình đoàn kết với các nhân viên căng tin, người trông coi và tài xế xe buýt đình công. Hầu hết họ là những nhân viên bán thời gian, được trả lương thấp nhất trong học khu. Trung bình, họ chỉ kiếm được 25.000 USD hằng năm.

Trong lớp, một học sinh tâm sự với nữ giáo viên Crespo rằng, em đã mất 5 người thân vì Covid-19. Chính vì vậy, Crespo quyết định sẽ để tâm nhiều hơn đến những nỗi đau mà các em đã phải trải qua.

Đồng thời, tự chữa lành những nỗi đau bản thân cô đã gặp phải vì Covid-19. Nữ giáo viên quyết định sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo tất cả học sinh đều được nhận những điều các em cần và được đối xử công bằng.

Theo NY Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ