Các nguồn tin nội bộ tiết lộ, tập đoàn Huawei của Trung Quốc cũng đang cân nhắc khả năng phát triển một hệ điều hành riêng của mình, để trong tương lai, các thiết bị của hãng không còn phải dùng Android.
Các toan tính "ly khai" của cả Samsung và Huawei được cho là bắt nguồn từ thông tin rằng, Google đang lên kế hoạch tăng cường kiểm soát không chỉ với những thiết bị Nexus của hãng mà còn cả các thiết bị gốc của các hãng sản xuất khác.
Về khía cạnh nào đó, nỗi sợ hãi trên có thể thông cảm được. Google đã xây dựng hệ sinh thái của Android dựa trên các nền tảng mở và tự quyết, cho phép các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) tái tạo Android theo gu và mục tiêu riêng của họ.
Đây là ưu điểm, nhưng cũng đồng thời là nhược điểm, dẫn đến sự đa dạng nhưng cũng đồng thời cả tình trạng phân mảnh trong thế giới thiết bị Android. Phản ứng trước các chỉ trích về tính bảo mật và các cập nhật chậm chạp, Google được cho là đang xem xét siết chặt kiểm soát đối với Android hoặc ít nhất là các cập nhật tính năng.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, liệu việc rũ bỏ Android có phải là đường hướng phát triển tốt nhất cho các doanh nghiệp và cả khách hàng của họ. Tạo ra một hệ điều hành khác biệt, không dính líu đến Android sẽ tự động cắt giảm nguồn cung của hàng trăm ứng dụng đã có sẵn trên thị trường, đặc biệt là những ứng dụng đang được yêu thích nhất.
Đó là chưa tính đến việc người dùng có thể phải mất thời gian làm quen với hệ điều hành mới cũng như một giao diện mới trong quá trình này. Mặc dù hệ điều hành Tizen do Samsung phát triển đã có sự khởi đầu thuận lợi, nhưng nó vẫn chưa đủ sức để thoát khỏi cái bóng của Android.
Theo các chuyên gia, lí tưởng nhất vẫn là Google và các đối tác có thể dẹp bỏ các khác biệt và giải quyết được các vấn đề. Chúng ta có thể đang trên đà tiến tới điều đó, khi các nhà sản xuất ROM theo đơn đặt hàng như Cyanogen Inc. đang cố gắng thoát khỏi sự kiểm soát của Google nhưng vẫn không hoàn toàn vứt bỏ Android. Trớ trêu thay, nỗ lực này của Cyanogen lại đồng nghĩa công ty rơi vào sự phụ thuộc Microsoft.
Hiện vẫn chưa rõ Huawei sẽ quyết tiến theo hướng nào, do công ty này vẫn chưa có hành động cụ thể bộc lộ rõ lựa chọn của mình. Song, có ý kiến cho rằng tập đoàn công nghệ Trung Quốc có vẻ đang thiên về kế hoạch B.
Bằng chứng là, trong thời điểm này, Huawei dường như vẫn nhất quyết trung thành với Android, nhưng tuyển dụng cựu phụ trách mảng thiết kế giao diện người dùng điện thoại di động của Apple làm phó chủ tịch phụ trách thiết kế của hãng, tập trung vào các trải nghiệm giao diện EMUI tùy biến từ Android của hãng.