Nỗi đau xuyên thấu trời xanh của một kẻ sĩ

GD&TĐ - Nghe tin anh em Tây Sơn mâu thuẫn, Nguyễn Nhạc có khúc mắc riêng tư với Nguyễn Huệ, rồi hai người mang quân đánh nhau, Hữu Chỉnh nảy sinh ý chống lại Tây Sơn, muốn lập thế lực Lưỡng đầu chế như chúa Trịnh chế ngự vua Lê ngày trước.

Nguyễn Hữu Chỉnh được cho là danh tướng phò Lê diệt Trịnh sau đó theo nhà Tây Sơn.
Nguyễn Hữu Chỉnh được cho là danh tướng phò Lê diệt Trịnh sau đó theo nhà Tây Sơn.

>> Nỗi đau xuyên thấu trời xanh của một kẻ sĩ

Trí hướng lạc đường

Đứng trước những mưu tính thời cuộc, bên cạnh đó các tướng dưới quyền của Chỉnh đều a dua theo Chỉnh, duy Lê Cảnh Thuận xin hỏi thẳng rằng: “Chủ công liệu đủ sức chắc thắng Vũ Văn Nhậm và Nguyễn Huệ không?”

Chỉnh khẽ lắc đầu, rồi hỏi có cách này toàn vẹn không? Thuận thưa: “Nhạc vương dù sao thật tình quý chủ công hơn Huệ, muốn xây dựng cơ ngơi riêng phải đợi thời, trước mắt Huệ sẽ tấn chiếm Bắc Hà, Nhạc chí hướng chỉ quanh đất cũ Tây Sơn, nếu mở về Nam thì ai sẽ đủ sức giữ đất?

Hay ta tạm về nương tựa chỗ Nhạc để bảo toàn lực lượng chờ hoàn cảnh biến chuyển? Hơn nữa các chiến tướng Lê Duật, Nguyễn Như Thái, Hoàng Viết Tuyển đều đóng xa kinh sư, vạn nhất xảy ra việc gì thì ai xông pha theo lệnh chủ công?”.

Chỉnh lúc đó tự tin vào thành tựu của mình, lại tiếc cơ đồ đã xây dựng thành hình ở Kinh thành, nên ngẫm nghĩ rồi nói với thủ hạ là sẽ suy nghĩ thấu đáo và vẫy con trưởng Hữu Du vào nhà trong.

Chỉnh bàn với con kế một mặt thông đồng với Nguyễn Văn Duệ (người của Nhạc), lại xin vua Lê cử sứ đoàn do Trần Công Xán đòi Tây Sơn trả đất Nghệ An để thử Huệ. Huệ giận lắm, giả vờ tiếp đón sứ giả rồi cho đi đường thủy về, dọc đường cho người lặn xuống đục thuyền khiến Trần Công Xán chết đuối.

Sau sự kiện này, Chỉnh bắt đầu e sợ nhưng ngoài mặt vẫn phải tỏ ra cứng cỏi. Lại thêm Hoàng Viết Tuyển bộ tướng giỏi nhất của Chỉnh lại đòi Chỉnh tâu vua phong tước quận công cho 18 người của Tuyển nhưng để khống tên điền sau.

Chỉnh vừa buồn vừa tức, Cảnh Thuận khuyên Chỉnh cứ thuận cho Tuyển để yên bụng quân, nhưng Chỉnh cố chấp không chịu. Cảnh Thuận biết đại cục đã hỏng bèn xin Chỉnh 2 hôm sau vô xem xét tình hình và khuyên bảo Tuyển, Chỉnh đành bảo đi nhanh về nhanh.

Ngay đêm đó, Cảnh Thuận vội đem thân binh mấy chục người đi suốt đêm đến chỗ Tuyển. Quan sát nội tình, Thuận biết Tuyển và Chỉnh đã không cùng chí hướng, nên từ biệt qua Cẩm Duệ, Hà Tĩnh thắp hương trước tổ tiên và xuống đường biển đi thẳng vào Quảng Trị, đổi tên họ dựng trường học dạy trẻ để dò tin tức các tướng lĩnh họ Lê Mậu, Lê Cảnh, Lê Bá, Lê Văn... vào Nam từ 1526 rồi theo chúa Nguyễn.

Trong khi đó, do vợ con Chỉnh vẫn ở lại làm con tin bên Tây Sơn, nên thâm tâm Chỉnh muốn nghị hòa, cứ do dự, chưa quyết định lại chưa dám ra mặt chống Nguyễn Huệ, nên mặt phòng thủ biên giới phía Nam không hoàn hảo.

Cuối năm 1787, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm tiến đánh Bắc Hà, Hữu Du không quen trận mạc bị thua trên sông Thanh Quyết (đoạn chảy ra bến đò Gián Khẩu Ninh Bình).

Chỉnh tự đem 3 vạn quân đối địch bị thua, Du tử trận, còn Chỉnh chạy sang ngả Kinh Bắc, trúng tên ngã ngựa bị bộ tướng của Nhậm là Nguyễn Văn Hòa bắt giải về kinh.

Nỗi lòng quân vương và cái chết bi thương

Ông bị Nhậm sai sư gia là một kẻ mồm to vạch tội (Nhậm là võ biền nên ngại gặp Chỉnh sợ thất thố), nhưng ông không thèm van xin, vẫn giọng khinh khi đáp: “Chỉ vì cái thế cục tạo hóa sắp xếp như vậy, chim bằng sa vào lưới bị trâu đất giẫm đạp mà thôi”.

Rồi nói thêm với tên sư gia của Nhậm rằng: Kẻ chủ đất tàn nhẫn, nghi kị, tự tôn, cày xong ruộng liệu có xẻ thịt trâu ra ăn không?”. Ông bị Nhậm cho phanh thây, bêu đầu rất tàn độc. Trong số những người xem xử Chỉnh, có cô đào Phấn, cô mặc áo quần đen, nước mắt tràn trề.

Ngày Chỉnh ra đi, tại Triệu Phong, Quảng Trị người thầy đồ Lê Cảnh Thuận lặng lẽ thắp hương khóc khi ngoài trời mưa dầm dề. Tháng 3/1788, Huệ nghe tin Nhậm đã giết Chỉnh có chút động lòng, bèn làm thơ tỏ ý tiếc tài trí của Chỉnh.

Lời tiên đoán của Chỉnh rất chuẩn xác, Chỉnh chết ít lâu, Nhậm tỏ rõ kiêu ngạo, cậy công, mâu thuẫn với Ngô Văn Sở - thân tín của Nguyễn Huệ.

Huệ từ hồi đánh nhau với anh trai, càng không thích Nhậm vì Nhậm có tài dàn quân nhanh không kém Huệ, lại là rể của Nhạc, Nhậm hay báo cáo nội tình phe Huệ với Nhạc, lại ủng hộ Nhạc thi hành chính sách kiềm chế không cho Huệ mạnh hơn Nhạc.

Huệ có ý đồ diệt hẳn nhà Lê mà không muốn vua Lê trung hưng vì có Chỉnh phò tá, nếu 2 cái gai là Chỉnh (phe vua Lê) và Nhậm (phe Nhạc và tỏ ý ngầm kiềm chế Huệ) còn sống thì Huệ không yên tâm bèn tìm cớ để tàn sát.

Cái kết bi thương của cánh chim bằng giữa bầu trời tao loạn giông bão không có nghĩa là sự lựa chọn hướng bay, tầm cao của phi điểu sai lầm, mà có chăng là tầm cỡ đôi cánh, tuệ nhãn, năng lực bay... của loài chim ấy chưa đủ cho một sự lựa chọn đầy tính quả cảm, phi thường, tự do.

Đời sau nhiều chí sĩ vẫn thương xót cho số phận của Chỉnh - một kẻ sĩ đặc biệt có nỗi đau đời xuyên thấu trời xanh.

Tháng 11/1788, Huệ lên ngôi vua lấy hiệu là Quang Trung, xuống chiếu tha tội cho Chỉnh vì có công mở nước, cấp cho vợ con Chỉnh 30 lính hầu, 30 mẫu ruộng làm sản nghiệp đời đời

(Hết)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.