Hai mẹ con chị Đặng Thị Hoa.
Tận cùng nỗi đau
Bà Trần Thị Đào (SN 1952) buồn tủi khi nhắc đến đứa con gái của mình: “Sau trận ngã xuống ao “thập tử nhất sinh” không chết, trí nhớ của nó ngày càng kém đi. Gia đình cố gắng chạy vạy từng đồng đi chạy chữa nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Thấy con như vậy, gia đình cũng cố gắng cho con đi học lấy cái chữ nhưng học mãi mà một chữ bẻ đôi nó cũng không biết, học trước quên sau, không viết nổi tên mình”.
Cuộc sống gia đình quanh năm chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Mỗi khi ra đồng, bà đều dắt con đi theo để dạy bảo việc đồng áng. Thế nhưng, do không được sáng dạ nên cô “chỉ đâu làm đấy”, bảo cuốc mảnh ruộng thì cuốc nhanh thoăn thoắt một buổi sáng xong một thửa, nhưng đến lúc đi cấy thì hàng không ra hàng, lối cũng không ra, cây siêu vẹo như trực bị bão.
Cuộc sống của hai mẹ con cứ trôi đi. Tới đầu tháng 4.2009, một lần trên đường đi chơi về, Hoa tình cờ nhìn thấy một túi đồ rơi ở ngoài đường nên đã nhặt về nhà. Một lúc sau, một người đàn ông tên D (SN 1966, người cùng địa phương) đến nhà xin lại túi đồ. Cũng từ hôm đó, D và Hoa quen biết nhau. Vốn là người cùng thôn lại sống cách nhau một con sông, thi thoảng D đi ngang qua buông lời trêu ghẹo Hoa. Tính tình khờ dại cộng với việc D tỉ tê những lời ngọt ngào như rót mật vào tai, Hoa cảm thấy khoan khoái trong lòng.
Sau nhiều lần đá đưa, trong một lần ngây dại đi ở ngoài đường, tình cờ Hoa gặp D. Vốn đã xiêu lòng bởi những câu nói trước đó nên D dễ dàng dụ dỗ Hoa vào chỗ kín rồi “cưỡng bức” cô. Sau vài lần, Hoa cảm nhận được sự khác biệt trong cơ thể. Vừa buồn bã, vừa vui mừng khi biết mình đã mang giọt máu của người đàn ông kia nhưng nỗi thèm khát thiên chức làm mẹ và cũng nghĩ mình thiệt thòi đủ đường khiến Hoa muốn sinh con để mong sau này có người trông nom lúc tuổi già.
Người mẹ dường như cũng thấu hiểu tình cảnh của con nên đã cố gắng chăm sóc con chu đáo. Dẫu sao ở trong làng, Hoa cũng thuộc dạng “quá lứa lỡ thì”, việc đã rồi, bỏ đi thì tội. Rồi Hoa sinh một cậu con trai bụ bẫm trong niềm vui ngập tràn của gia đình. Sau nhiều đêm suy tư, người mẹ quyết định đặt tên con theo họ của bố, sau này lớn lên sẽ nói mọi chuyện cho cháu biết.
Thế nhưng, nghiệt ngã thay, cháu bé lớn lên lại không được bình thường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Đến 6 tuổi, cháu vẫn chỉ như đứa trẻ 2 - 3 tuổi, không nói được câu nào, chỉ biết thúc đầu mình vào người mẹ mỗi khi đói, khi khát. Cuộc sống gia đình càng trở nên thiếu thốn khi bà Đào mắc căn bệnh ung thư quái ác, phải thường xuyên đi truyền hóa chất. Những ngày còn lại, bà chống chọi với cơn đau thể xác hành hạ. Nghĩ thương con, thương cháu nhưng bà chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.
Lương tri bị đánh cắp
Nước mắt đong đầy căn nhà cấp 4 lụp xụp ở ngoài cánh đồng, nơi gia đình bà Đào mới chuyển ra. Ngồi ở giữa sân, Hoa ôm chặt đứa con vào lòng dỗ dành: “Mẹ lấy cơm cho ăn nhé”. Dường như cũng cảm nhận được điều mẹ nói nên cháu bé lắc đầu nguầy nguậy, rồi ưỡn cơ thể cong queo, gầy guộc ra đằng trước. Nước dãi ở miệng không ngừng tuôn ra. Hai cánh tay bé xíu quờ ra phía trước như muốn nắm lấy vậy gì đó.
Hoa lẳng lặng, khuôn mặt ngờ nghệch có vẻ lo lắng điều gì khi thấy người lạ đến nhà. Bà Đào quay người nhìn con gái buồn bã nói: “Cả hai mẹ con nó đều bị khuyết tật và được nhận hỗ trợ của Nhà nước, mỗi tháng vài trăm nghìn. Nhưng từng ấy có bõ bèn gì, chỉ đủ để mua thuốc men”. Trong thâm tâm bà vẫn đau đáu trong lòng rằng, đứa cháu bà quá khổ mà người bố của nó lại không đoái hoài gì đến.
Có thời gian, người dân địa phương rỉ tai nhau về việc con gái bà Đào bị D ở cùng làng ăn ngủ đến có thai. Bà vẫn nhẫn nhịn “không bắt đền ai” và muốn buông xuôi mọi chuyện. Thế nhưng, phía gia đình D lại ngang nhiên “áp đáo tại gia”. Nghe nói phía nhà D còn “mổ hai con lợn ăn mừng” khi hay tin gia đình bà không làm được gì(!?)
Con giun xéo lắm cũng oằn, bà Đào đau đớn khi phải làm đơn trình báo vụ việc lên Công an xã Tam Đa nhờ giải quyết và mong muốn tìm thấy người cha của cháu mình là ai. Điều bà mong muốn là người đàn ông đó phải có trách nhiệm chăm sóc hai mẹ con bởi họ đều bị khuyết tật, không thể tự nuôi nhau, còn bà bệnh tật hiểm nghèo không biết sống chết lúc nào. Thế nhưng, đợi mãi vẫn không thấy công an xã trả lời nên bà đã làm đơn lên công an huyện nhờ giải quyết. Bởi bà nghĩ, việc chẳng hề khó, chỉ cần xét nghiệm ADN là biết ngay kết quả.
Trao đổi với ông Đặng Công Vương - Trưởng công an xã Tam Đa, được ông cho biết: “Công an xã đã nhận được đơn của bà Đào về việc bà tố ông D người cùng thôn “cưỡng dâm” con bà tổng cộng 3 lần ở những nơi khác nhau. Tuy nhiên, khi được cơ quan chức năng triệu tập làm rõ thì ông D lại cho rằng sự việc này không liên quan gì đến mình nên địa phương chưa biết phải xử lý thế nào”.
Còn Trung tá Phan Văn Hùng - Đội trưởng đội Điều tra Công an huyện Phù Cừ (Hưng Yên) - cho biết: “Hiện tại, phía công an huyện đã lấy mẫu tóc của ông D và đứa con trai của chị Hoa để đi xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, có một số khó khăn khách quan nên việc xét nghiệm ADN nên đến nay vẫn chưa có kết quả. Phía công an huyện cũng đã mời ông D lên làm việc, tuy nhiên ông D không thừa nhận hành vi của mình”.
Mọi việc chỉ còn chờ vào bản kết luận ADN mới có thể khẳng định được cha đứa trẻ là ai và có hay không hành vi cưỡng dâm dẫn đến chị Hoa có thai? Dư luận địa phương thì cho rằng, dù thế nào đi nữa mẹ con Hoa vẫn sẽ mang nỗi đau kép khi người mẹ không bình thường sinh đứa con tật nguyền. Trong khi đó, người mẹ già rơi vào tình cảnh bệnh tật nan y, không biết sống chết thế nào. Người dân địa phương chỉ mong rằng sự việc sẽ được làm rõ, lương tri sẽ được thức tỉnh để mẹ con chị Hoa bớt đi khổ đau phần nào.
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.