Không phải người Bát Tràng nhưng kế thừa tinh hoa của dòng gốm này với những tìm tòi sáng tạo trong màu men mới, nghệ nhân đã khiến cho hình hài linh thú thêm phần huyền bí.
Là người duy nhất được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú Bát Tràng nhưng không sinh ra ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng - Trần Nam Tước đang gây bất ngờ với triển lãm “Linh thú thời nay” bởi 72 tác phẩm độc đáo cả về ý tưởng – ý niệm lẫn phong cách.
Bản ngã nghệ sĩ trong người nghệ nhân
Diễn ra từ ngày 10 và kết thúc vào ngày 20/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay” của nghệ nhân Trần Nam Tước thể hiện sự kết hợp các yếu tố tạo hình của hội họa, ngôn ngữ của điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng, sự kế thừa tinh hoa của gốm Bát Tràng truyền thống với những tìm tòi sáng tạo mới trong màu men, hình khối để chuyển tải thông điệp về truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Nghệ nhân Trần Nam Tước cho biết, nghệ thuật thời xưa đã xuất hiện linh thú mang vẻ đẹp của văn hoá dân tộc và giá trị lịch sử. Tuy nhiên, dáng vẻ của các biểu tượng linh thú: Long (rồng), Lân (lân), Quy (rùa), Phụng (phượng) vẫn khá lạ lẫm với nhiều người. Bởi vậy, với người làm nghệ thuật luôn muốn đưa hình ảnh ấy đến gần hơn trong đời sống người dân, cũng như trong quá trình bảo tồn và tiếp biến văn hoá.
“Linh thú thời nay” tập hợp tinh hoa 30 năm làm nghề của Trần Nam Tước. 72 tác phẩm linh thú trong triển lãm này đã và đang được đặt tại các điểm du lịch, tâm linh, di sản văn hóa trên cả nước cũng như nước ngoài đã cùng quy tụ về triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để công chúng thưởng lãm và có sự đối sánh hình hài linh thú khi chúng đặt cạnh nhau.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm của Trần Nam Tước làm cho các đồng nghiệp hết sức bất ngờ. Bởi vì theo được người xưa là một việc cực khó, và tiếp tục giá trị của di sản này càng khó hơn. Nhưng nghệ nhân Trần Nam Tước đã làm được điều đó.
Chính năng lượng sáng tạo của nghệ thuật đương đại đã khơi dậy một sức sống mới cho các làng nghề, đặc biệt là các nghệ nhân luôn sục sôi khát khao khai phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của nghệ thuật và phát triển song song với đó là bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.
“Trần Nam Tước đã khơi dậy ý tưởng sử dụng những chất liệu độc đáo trong từng tác phẩm. Thừa hưởng những giá trị của cha ông, các sản phẩm điêu khắc gốm mang đậm hồn cốt Việt vẫn nguyên vẹn. Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân, các tác phẩm nghệ thuật, những di tích, công trình mà anh góp sức trùng tu, phục chế, tôn tạo đã mang đến những đóng góp mới cho xu thế phát triển của nghệ thuật đương đại’, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết.
Nghệ nhân Trần Nam Tước nói rằng, anh muốn làm triển lãm này để kết thúc một hành trình với gốm, kết thúc giai đoạn tái hiện lại những vốn cổ, những tinh hoa của cha ông để bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn của những sáng tạo đột phá mang tính cá nhân, bứt khỏi tư duy làng nghề để tìm được bản ngã nghệ sĩ trong chính con người mình.
Khát khao làm sống lại di sản
Nhìn những tác phẩm của Trần Nam Tước, số đông người xem đều cảm thấy thán phục bởi sự tinh xảo và sống động của linh thú, càng ngạc nhiên hơn trước những lời mà nghệ nhân tâm sự, rằng bản thân anh không được học bài bản tại bất kỳ trường mỹ thuật nào, cũng không sinh ra tại làng nghề gốm Bát Tràng nên cũng không phải cha truyền con nối nghiệp.
Tuy nhiên, để trở thành nghệ nhân của ngày hôm nay thì Trần Nam Tước học nghề ở “trường đời”. Sinh ra ở vùng lúa Thái Bình, sống giữa muôn trùng những đình, chùa, miếu, phủ… Chính vùng đất của những kiến trúc tâm linh ấy là những bài học đầu tiên về mỹ thuật. Di sản nghệ thuật mà cha ông để lại đã ngấm dần vào trái tim của người thanh niên yêu gốm.
Thời mới về Bát Tràng, năm 1996, Trần Nam Tước chỉ là một thợ giúp việc trong các lò gốm. Tại đây, anh không ngừng nghiên cứu, thể nghiệm và nhận thấy những giá trị của men gốm Bát Tràng.
Tác phẩm trong triển lãm 'Linh thú thời nay' thể hiện sự độc đáo giữa kế thừa tinh hoa và phát triển cái mới. |
Với tư duy làm gốm riêng của mình, anh đã thấy những dòng men tưởng như rất đơn giản mà lại vô cùng xuất sắc. Anh sử dụng chất liệu sản xuất đầu vào không cầu kỳ, chú trọng men với quan điểm làm gốm “đơn giản đầu vào, thận trọng đầu ra, tránh xa sao chép”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Nghĩa Phương nhận định rằng, triển lãm của nghệ nhân Trần Nam Tước rất khác biệt, vì trong dòng chảy gốm hiện nay những người làm gốm về linh thú nói riêng và về gốm kiến trúc nói chung rất ít và hiếm. Trần Nam Tước đau đáu với những giá trị văn hóa truyền thống và khao khát bộc lộ những giá trị đó thông qua loại hình nghệ thuật gốm trên những tác phẩm linh vật.
Nhìn một góc riêng của triển lãm này, Trần Nam Tước muốn giới thiệu hành trình làm nghề gốm của mình, bắt đầu bằng những tác phẩm mô phỏng di sản mà cha ông để lại.
Từ một người phụ việc tay ngang bước chân vào làng nghề để sống đời sống của một nghệ nhân gốm truyền thống, rồi đến giai đoạn vượt lên những lối mòn, bứt phá khỏi những tư duy làng nghề xưa cũ để tạo nên những tác phẩm mới đầy sự sáng tạo, nâng giá trị tác phẩm lên một tầm cao mới, hành trình để trở thành một nghệ sĩ gốm vẫn đang tiếp tục phía trước.
72 tác phẩm độc đáo trong “Linh thú thời nay” đã truyền tải rõ nét tâm huyết của nghệ nhân, khám phá dòng chảy gốm Việt qua nhiều thời kỳ hào hùng, nay được hiện hữu như chiếc cầu nối dài di sản – để văn hoá và nghệ thuật gốm dù đổi mới nhưng vẫn mang hồn cốt của truyền thống nghìn năm.
“Tôi không làm vì cái đẹp. Tôi không làm vì đúng sai. Cái đẹp thì thuộc về cảm xúc. Đúng sai thì thuộc về thời gian. Hơn 30 năm, đó là cả một chặng đường dài. Và hơn nữa, nó khẳng định những giá trị văn hóa nghệ thuật đang sống và luôn sống mạnh mẽ trong dân tộc này. Tôi có được ngày hôm nay là từ linh thú và triển lãm này là để tri ân linh thú”, Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước.