Hiện nay, các nhà khoa học đang thực hiện dự án “Sử dụng thực vật làm thiết bị cảm biến – PLEASED”. Tuy khó trò chuyện tâm tình được với cây cỏ, nhưng công nghệ hiện này có thể giúp thực vật có mối liên hệ ngược với môi trường xung quanh, biến thực vật thành các bộ cảm biến sinh học.
Cũng như động vật, thực vật luôn phát ra các tín hiệu điện để phản ứng lại các kích thích bên ngoài. Các nhà khoa học tham gia dự án trên cho rằng, nếu xác định được thực vật phát ra tín hiệu gì đối với các tác nhân kích thích nhất định, ta có thể sử dụng thực vật như là bộ cảm biến sinh học để đo lường các thông số hóa học và vật lý khác nhau.
Chẳng hạn, có thể xác định nồng độ ô nhiễm môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, lượng ánh sáng, bức xạ mặt trời và nồng độ hóa chất trong thực vật.
Theo các nhà khoa học, việc sử dụng thực vật để xác định các thông số đó sẽ cho kết quả chính xác hơn, rẻ hơn so với các thiết bị hiện có. Hơn nữa lại có thể đo được nhiều thông số một lúc. Nếu thu tín hiệu từ nhiều loài cây, ta có thể tạo ra một mạng lưới dữ liệu phong phú về môi trường.