Nổi bật từng trang sử

GD&TĐ - 'Sử ta chuyện xưa kể lại', một bộ sách được viết công phu và thú vị, sẽ giới thiệu cho bạn đọc những câu chuyện lịch sử nổi bật qua từng thời đại.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Với một dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước việc thế hệ trẻ học và tìm hiểu những chiến công, nốt thăng trầm của thế hệ đi trước là điều rất quan trọng.

“Sử ta chuyện xưa kể lại”, một bộ sách được viết công phu và thú vị, sẽ giới thiệu cho bạn đọc những câu chuyện lịch sử nổi bật qua từng thời đại.

“Sử ta chuyện xưa kể lại” được viết bởi ba tác giả Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Như Mai và Nguyễn Quốc Tín. Bộ sách gồm bốn tập gắn liền với giai đoạn lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, từ thời vua Hùng dựng nước đến khi Cách mạng tháng Tám thành công.

Với cách kể chuyện cuốn hút cùng nguồn tư liệu phong phú, nhóm tác giả đã khiến những câu chuyện lịch sử tưởng chừng khô khan, cũ kỹ trở nên sinh động, tươi mới. Đồng thời, bộ sách không chỉ gợi cho độc giả những liên tưởng thú vị mà còn có thể suy ngẫm, rút cho riêng mình những bài học luôn nóng hổi tính thời sự.

Trong 4 tập sách, có lẽ tập ba gây ấn tượng mạnh nhất bởi lẽ tập này kể về giai đoạn đầy biến động trong lịch sử Việt Nam: “Nam - Bắc triều”, “Trịnh Nguyễn phân tranh”, “Tây Sơn tam kiệt”… Gần 300 trang của tập sách sẽ đồng hành cùng bạn đọc “bay qua” khoảng thời gian khó khăn mà huy hoàng của sử Việt.

Mở đầu tập ba là câu chuyện “Hậu Lê Thánh Tông và lời tiên tri của Trạng Lường”. Từ dẫn giải, “Nhà Lê đến đời Lê Thánh Tông đã đạt đến đỉnh cao thịnh trị”, các tác giả luận bình về sự thịnh - suy. Thế nên, sau khi chạm đến đỉnh cao của thịnh trị (triều đại Lê Thánh Tông), nhà Hậu Lê dần dần rơi vào suy vong và dẫn đến những biến động lịch sử lớn sau này cũng là lẽ tất yếu.

Khi đó, câu nói “Trẫm có lắm con trai, cơ nghiệp sau này vững bền không phải lo gì nữa” của vua Lê Thánh Tông với các quan khi ông có tận 14 con trai được đặt cùng lời tiên tri của Trạng Lường - Lương Thế Vinh: “Lắm con trai chỉ là đầu mối của loạn lạc”.

Nhìn lại xã hội lúc bấy giờ chỉ thanh bình được thêm hơn bảy năm nữa dưới thời của hai vị vua Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông. Tuy nhiên, người kế nhiệm vua Lê Túc Tông là hoàng tử Lê Tuấn đã không đáp ứng được những gì vị vua tiền nhiệm trông mong mà đã trở thành Lê Uy Mục, Quỷ Vương khét tiếng tàn bạo trong lịch sử Việt Nam.

Cuốn 'Sử ta chuyện xưa kể lại' là bộ sách đáng đọc. Ảnh: Anh Sơn.

Cuốn 'Sử ta chuyện xưa kể lại' là bộ sách đáng đọc. Ảnh: Anh Sơn.

Bắt đầu từ trang sử buồn “khi nhà Lê mất về tay nhà Mạc còn 22 năm nữa, nhưng đó là 22 năm kéo dài trong loạn lạc”, cuốn sách góp thêm góc nhìn về sự suy tàn đến chóng mặt của một vương triều tưởng chừng đã đạt đến đỉnh cao của thịnh vượng.

Nối tiếp đó là các biến động dồn dập: Khởi nghĩa Trần Cảo cùng câu sấm truyền “Phương Đông có thiên tử khí” đã đẩy cho triều đình nhà Lê liêu xiêu trước khi một người cũng xuất thân từ “Phương Đông” là Mạc Đặng Dung chấm dứt nhà Lê Sơ, lập nên nhà Mạc.

Những tưởng đất nước sẽ được tái sinh nhưng chính sự xuất hiện của nhà Mạc đã đưa đất nước vào một thời kì mới: Nam - Bắc triều. Sự xuất hiện của những nhân tài quân sự của cả hai bên như nhà Mạc có Mạc Kính Điển, bên Lê Trung hưng có Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng đã khiến cho cuộc chiến phân tranh diễn ra đến tận 60 năm, nhân dân điêu đứng, không thể làm ăn yên ổn.

Sau cùng, do vua tôi nhà Mạc phần vì hết người tài, nhà vua “thiển cận và ưa nịnh”, phần vì nhà Lê Trung hưng mạnh lên đã thất bại, phải bỏ lại Thăng Long, chạy lên Cao Bằng.

Sau thời kì Nam - Bắc triều, đất nước lại bị chia cắt bởi thời kì Trịnh - Nguyễn phân tranh. Từ năm 1627 đến 1672, sông Gianh đã thành giới tuyến tạm thời chia cắt đất nước và cảnh máu chảy đầu rơi lại một lần nữa diễn ra.

Chỉ đến khi, cả hai nhà Trịnh và Nguyễn bắt đầu suy yếu dần thì cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mới có thể chấm dứt được cảnh nồi da nấu thịt.

Ở một hoàn cảnh lịch sử đau buồn là vậy, vẫn có rất nhiều điểm sáng được giới thiệu trong tập 3 của “Sử ta chuyện xưa kể lại”. Các chiến công hiển hách và những người đã cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho dân tộc đã góp phần tô thắm thêm truyền thống lịch sử hào hùng của người Việt Nam cũng được khắc họa rõ nét.

Minh họa trong cuốn 'Sử ta chuyện xưa kể lại'. Ảnh: Anh Sơn.

Minh họa trong cuốn 'Sử ta chuyện xưa kể lại'. Ảnh: Anh Sơn.

Đó là chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút, một đêm quét sạch quân Xiêm. Tết Kỉ Dậu 1789, Quang Trung đại phá quân Thanh và những người anh hùng Tây Sơn, thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa hay là việc chữ Quốc ngữ ra đời.

Những nhân tài như Hải Thượng Lãn Ông, nhà bác học Lê Quý Đôn và dòng họ Ngô gia văn phái cũng đã được tập sách nhắc đến - về câu chuyện của cuộc đời, con người họ và những thành tựu lớn lao dành cho đất nước.

Ngoài ra, cả những nhân vật như Tống thị - người đẹp khuynh đảo triều đình chúa Nguyễn và bà Chúa Chè người đã gây ra loạn kiêu binh cũng được các tác giả tái hiện một cách chân thực, công bằng. Theo góc nhìn của họ, các nhân vật ấy có thể là phản diện trong mắt nhiều người, nhưng họ vẫn là một phần của lịch sử, cần được đánh giá khách quan.

“Sử ta chuyện xưa kể lại” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành là bộ sách đáng đọc, nhất là với độc giả trẻ mong muốn được tìm hiểu về lịch sử hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Mỗi trang sách vừa bám sát sử liệu vừa thể hiện góc nhìn của thế hệ hôm nay với các nhân vật, chặng đường lịch sử của đất nước…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.