'Nở rộ' xét tuyển sớm: Lợi cho đôi bên?

GD&TĐ - Xét tuyển sớm “nở rộ” trong nhiều năm nay khi các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong tuyển sinh.

Dù tuyển sinh bằng phương thức nào cũng cần bảo đảm chất lượng và công bằng cho thí sinh. Ảnh: ITN
Dù tuyển sinh bằng phương thức nào cũng cần bảo đảm chất lượng và công bằng cho thí sinh. Ảnh: ITN

Có nhiều vấn đề đặt ra xung quanh phương thức này, trong đó yếu tố công bằng, hiệu quả và quyền lợi của thí sinh.

Vì trường hay thí sinh?

Xét tuyển sớm vì trường hay thí sinh? Là câu hỏi mà lâu nay TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trăn trở và muốn cắt nghĩa một cách tường minh. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó có thể rạch ròi, bởi suy cho cùng cả cơ sở đào tạo và thí sinh đều có lợi.

TS Lê Viết Khuyến phân tích, nhìn từ phương diện cơ sở đào tạo thì xét tuyển sớm giúp các trường sớm có sinh viên lấp đầy chỉ tiêu. Cùng vì lý do này mà nhiều trường đã sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển và sử dụng nhiều “chiêu thức” nhằm tuyển đủ chỉ tiêu dẫn đến chất lượng đầu vào chưa bảo đảm. Ngoài ra, cũng không loại trừ có trường tuyển sinh bất chấp.

“Nếu xét theo phương diện trên thì xét tuyển sớm vì các trường nhiều hơn vì thí sinh”, TS Lê Viết Khuyến nhìn nhận và không phủ nhận việc cơ sở giáo dục đại học sử dụng các phương thức xét tuyển sớm cũng tạo điện kiện cho thí sinh gia tăng cơ hội trúng tuyển, đồng thời giúp các em yên tâm hơn trong tuyển sinh. “Dù tuyển sinh bằng phương thức nào cũng cần bảo đảm chất lượng đầu vào, trên hết là sự công bằng giữa các thí sinh”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

ĐH Bách khoa Hà Nội có xét tuyển sớm nhưng chỉ công bố thí sinh đạt ngưỡng xem xét trúng tuyển, Phó Giám đốc Nguyễn Phong Điền cho hay. Điều này nhằm tạo cơ hội cho những thí sinh xét tuyển bằng phương thức khác. Hiện, các cơ sở giáo dục đại học đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, một phần tạo điều kiện cho thí sinh có thêm nhiều lựa chọn, song không phủ nhận các trường phải lo tuyển đủ chỉ tiêu. Do đó, việc áp dụng các phương thức xét tuyển sớm cũng không nhằm mục đích này.

Với xu hướng tự chủ, nhiều trường đại học tìm mọi cách để tuyển đủ chỉ tiêu, đảm bảo nguồn thu. Xét tuyển sớm có ưu điểm là tạo sự yên tâm cho người học nhưng PGS.TS Nguyễn Hữu Công - Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, phương thức này khó dự báo cho các trường đại học. Do đó, từ năm 2025, Bộ GD&ĐT nên xem xét lại việc xét tuyển sớm, có chăng chỉ dành cho các trường tuyển sinh ngành năng khiếu.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: TG

Cân nhắc sử dụng xét tuyển sớm

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2024, nhiều chuyên gia phân tích, xét tuyển sớm là một trong những hình thức tuyển sinh có nhiều bất cập, gây mất công bằng và tỉ lệ ảo lớn. Xét tuyển sớm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch lớn về điểm số giữa thí sinh trúng tuyển theo phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, có nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả và chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức.

Bộ GD&ĐT khuyến cáo các cơ sở đào tạo cần rà soát, đánh giá hiệu quả phương thức xét tuyển sớm. Bộ sẽ tiếp tục nâng cấp Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung và tăng cường công tác thanh, kiểm tra.

Các cơ sở đào tạo cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng các đợt xét tuyển và phương thức xét tuyển sớm là khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy. Những trường quan tâm đến chất lượng thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại nhiều hiệu quả, mà khó đảm bảo sự công bằng. Ngoài ra, việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể bỏ lỡ thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trên Hệ thống.

Xét tuyển sớm giúp các trường chủ động hơn, giảm tải tâm lý cho thí sinh và cho các trường nhưng mặt trái của phương thức này cũng không ít, trong đó có sự thiếu công bằng khi sử dụng các phương thức xét tuyển sớm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận. Chẳng hạn, một ngành nào đó có chỉ tiêu tuyển sinh là 100 sinh viên.

Trong đề án tuyển sinh, trường này dành 60 chỉ tiêu xét tuyển sớm. Tuy nhiên, do phương thức này không lường trước được tỉ lệ ảo nên tỉ lệ trúng tuyển có thể gấp nhiều lần so với dự kiến. Vô hình trung dẫn đến không còn chỉ tiêu dành cho các phương thức xét tuyển khác, dẫn đến điểm chuẩn có thể “nhảy vọt”.

Thứ trưởng cho rằng, nhiều năm qua, xét tuyển sớm là vấn đề nhức nhối và chưa có minh chứng thuyết phục về sự bảo đảm công bằng giữa các phương thức tuyển sinh cũng như các tổ hợp xét tuyển. Thiếu công bằng bởi các trường đều bị khống chế về chỉ tiêu. Do sử dụng xét tuyển sớm, các trường khó xác định được số thí sinh ảo nên buộc phải tuyển sinh vượt chỉ tiêu rất nhiều.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nếu xét tuyển sớm dành cho tuyển thẳng, thí sinh tài năng, năng khiếu, hoặc áp dụng với những trường có thể nhận thoải mái thí sinh mà không lo chỉ tiêu thì rất tốt. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được chỉ tiêu sẽ dẫn đến mất công bằng. Năm nay, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện đối sánh kết quả giữa các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển để đưa ra được phương thức, tổ hợp xét tuyển phù hợp nhất.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều trường đại học sử dụng xét tuyển sớm (xét tuyển trước khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT và không sử dụng kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT). Tuy nhiên, con số thống kê của những năm trước cho thấy, chưa đến 40% thí sinh trúng tuyển sớm quyết định nhập học, tỷ lệ còn lại là trúng tuyển ảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ