Nở rộ lớp học 'chữa lành': Cẩn trọng, tránh lạm dụng

GD&TĐ - Hiện nay, 2 từ 'chữa lành' nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Chị Tuyết Mai dùng phương pháp chuông xoay trị liệu cho học viên. Ảnh: NVCC
Chị Tuyết Mai dùng phương pháp chuông xoay trị liệu cho học viên. Ảnh: NVCC

Các lớp học “chữa lành” sử dụng nhiều phương pháp như thiền, yoga, nối đất, chuông xoay, reiki Nhật Bản… được giới thiệu có thể cân bằng và giải phóng cảm xúc cho học viên. Nhiều người có vấn đề tâm lý cũng tìm đến đây với mong muốn “chữa lành” những tổn thương.

Chữa lành tâm hồn tổn thương

Hiện nay, 2 từ “chữa lành” nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Những áp lực cuộc sống, công việc của xã hội hiện đại, các vấn đề tinh thần do cô đơn - thiếu kết nối với gia đình, bạn bè.

Chữa lành tâm hồn bị tổn thương bằng âm thanh là phương pháp trị liệu được ứng dụng tại nhiều spa, cơ sở chăm sóc sức khỏe hiện nay… Những người đứng lớp trực tiếp trị liệu không phải là bác sĩ mà được gọi là các Healer (người chữa lành). Họ được đào tạo để sử dụng các phương pháp trị liệu giúp học viên giải toả căng thẳng, cân bằng cảm xúc.

Chị Hiền Trần, Healer tại Om Himalayas (Quận 3, TPHCM), có hơn 10 năm kinh nghiệm trong các chương trình trị liệu bằng chuông xoay cho biết, cách trị liệu dựa trên nguyên lý hoạt động của chuông.

“Tôi có nguyên tắc là không thuyết phục học viên, người đến lớp phải tin vào nó mới có thể đạt được kết quả. Healing không phải là phương pháp y khoa, nên niềm tin là điều quan trọng, và niềm tin này phải được giải thích dưới góc độ não bộ”, chị Hiền chia sẻ.

Chị Hoàng Tuyết Mai, người sáng lập ra Shan Health (quận Gò Vấp, TPHCM) mở ra khoá học “chữa lành” âm thanh từ chuông xoay Himalaya. Lớp phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng, giúp mọi người điều tiết cảm xúc, tạo ra niềm vui để tinh thần được thoải mái.

Theo chị Mai, liệu pháp chữa lành bằng chuông xoay có lợi ích trị liệu cho cơ thể và tâm trí, ổn định huyết áp, giảm căng thẳng, giải quyết các vấn đề về thể chất.

Anh Hoàng Minh, Founder Học viện Chữa lành EHO (trực thuộc Viện Y Dược và Chữa lành, Hà Nội) là y sĩ y học cổ truyền cho biết, tại học viện đang có nhiều lớp học “chữa lành” khác nhau phù hợp với từng nhu cầu của học viên. Theo anh Minh, những phương pháp này phổ biến ở nước ngoài nhưng hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa được nhắc đến nhiều như: Nối đất là phương pháp mà học viên thực hiện việc tiếp đất khi đi chân trần trên mặt đất để cân bằng các ion âm trong cơ thể. Thường sẽ thực hiện ở công viên nhiều cây. Ở Nhật Bản có phương pháp

Shinrin Yoku - tắm rừng có tác dụng tương tự. Reiki là một phương pháp khí công của Nhật Bản, truyền năng lượng chữa lành qua bàn tay. Một buổi tập thường kéo dài từ 60 đến 90 phút.

Anh Minh cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực tinh thần của công nhân viên cũng đã đăng ký cho nhân viên tham gia các khoá học “chữa lành”. Chi phí từ 200.000 đồng - 300.000 đồng/người cho một ngày tổ chức thiền chuông.

Theo anh Hoàng Minh, các phương pháp trong lớp học chỉ là thay đổi lối sống và nhận thức về bản thân. Hành trình “chữa lành” xuất phát từ việc nhận thức và bên trong mỗi người mà không bị ràng buộc với việc phải tham gia khoá học hay phải mất tiền mới được chữa lành.

Thực hành tiếp đất chân trần, chạm và ôm cây tại vườn Bách Thảo Hà Nội. Ảnh: HM

Thực hành tiếp đất chân trần, chạm và ôm cây tại vườn Bách Thảo Hà Nội. Ảnh: HM

Hiệu quả phụ thuộc vào bản thân

Cách đây 2 năm, chị Kim Hải (quận Thủ Đức) từng bị trầm cảm sau khi sinh bé thứ 2, uống thuốc và điều trị tại nhiều bác sĩ nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Chị bắt đầu tìm hiểu các lớp học chữa lành trên mạng. Chị đến với những khoá học thiền, nghe pháp thoại kết hợp tập yoga, bản thân cố gắng thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực.

“Sau khoảng 2 khoá học kéo dài hơn 3 tháng, mình tự cảm thấy ổn hơn. Bản thân nhận ra khi đó mình nhìn mọi thứ đẹp và trong trẻo hơn. Năm 2023, mình cảm thấy khỏi hẳn khi tham gia khoá tu ở một thiền viện trên núi. Không dùng điện thoại, hoà mình vào thiên nhiên”, chị Hải kể lại.

Trong quá trình tìm hiểu phương pháp “chữa lành”, chị Hải nhận ra rằng bản thân cần nâng cao năng lực, kỹ năng để có hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, xây dựng thói quen và lối sống tích cực cũng làm giảm những vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Theo một Healer từng có 10 năm kinh nghiệm trị liệu cho biết, những người tham gia các khoá học đều muốn giải toả tâm lý và những vấn đề bản thân đang gặp phải.

Tuy nhiên, các Healer luôn chia sẻ cho học viên điều quan trọng nhất trong trị liệu là đừng trầm trọng hóa vấn đề của chính mình hay chọn cách chữa lành theo xu hướng. Hãy chọn điều bản thân tin và cảm nhận phù hợp.

Bản chất vấn đề là cần phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Mọi người có thể hạnh phúc sau những vấp ngã hay những tổn thương nếu biết tự cân bằng và tìm sự hỗ trợ đúng đắn.

Chọn cơ sở uy tín, chất lượng

“Chữa lành” là một xu hướng và thực tiễn ở các nước trên thế giới đã chứng minh những giá trị tích cực. Tuy nhiên, dùng nhiều quá dẫn đến lạm dụng khiến mọi người hiểu không đúng.

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên tâm lý học khuyến cáo, khi có nhu cầu tham gia các khóa chữa lành, mọi người cần phải xác minh chất lượng khóa học, uy tín người dạy, không nên vội vàng đăng kí học. Trước tiên cần tìm hiểu thông tin về đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm khẳng định tính khoa học của các khóa học do họ thực hiện.

Đề xuất đơn vị hay cơ sở chữa lành đưa ra bằng chứng xác thực từ cơ quan hữu trách về pháp nhân dịch vụ, về trình độ của các nhà chuyên môn, cũng như đã được thẩm định nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức trước khi sử dụng dịch vụ hoặc tham gia các khóa học.

Vì hầu hết các khóa học có tính khoa học cao đều được bảo chứng bằng uy tín, bằng cấp của ban tổ chức. Người đứng lớp và “tư cách pháp nhân” của khóa học như được cấp phép, có cơ quan đại diện, có nhà tài trợ, có hội đồng chuyên môn và văn bản xác nhận từ cơ quan chức năng hay tổ chức chuyên môn.

Người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần, tốt nhất hãy tìm đến Khoa Tâm lý của các bệnh viện uy tín, phòng tư vấn tâm lý của các cơ sở được cấp phép, gặp gỡ các nhà chuyên môn có nền tảng học thuật và hành nghề tư vấn, trị liệu để được hỗ trợ đúng nguồn.

Các học viên thường là những người gặp các tổn thương về tâm lý từ nhiều lý do… Thông thường họ gặp ảnh hưởng lớn tới cảm xúc cá nhân, dằn vặt, lo lắng, sợ hãi về tương lai hoặc quá khứ. Bên cạnh đó, có nhiều người tò mò cũng đến tham gia. Việc “tự chữa lành” hay “được chữa lành” sẽ là liều thuốc hữu hiệu giúp giải quyết vấn đề tâm lý của mỗi người. Tuy nhiên, nếu đã là liều thuốc thì cần sử dụng đúng cách và không quá lạm dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.