Nỗ lực gỡ khó trong xây dựng trường lớp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc triển khai các dự án xây dựng trường học chậm tiến độ khi mà tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm cao khiến nhiều quận, huyện tại TPHCM gặp khó.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp).
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp).

Với mục tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân (độ tuổi từ 3 - 18), địa phương này cần hơn 7.714 phòng học, nhưng theo kế hoạch chỉ xây được hơn 3.000 phòng.

Còn nhiều vướng mắc

Tại hội nghị về thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân giai đoạn 2021 - 2025, bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, đến năm 2025 địa phương phải xây thêm 1.300 phòng học. Tuy nhiên, việc hoàn thành chỉ tiêu phòng học không hề đơn giản. Khó khăn lớn nhất là việc đền bù, giải phóng mặt bằng để xây trường do mức giá quá thấp.

“Hiện nay, tại địa bàn Phường 9 chưa có trường tiểu học và THCS. Địa phương đã có 2 dự án xây trường tại đây, song do vướng bồi thường nên người dân chưa đồng thuận. Vì vậy mong thành phố xem xét nâng giá bồi thường ở mức phù hợp hoặc điều chỉnh dự án đưa một phần vào tái định cư, như vậy mới giải phóng được mặt bằng để xây dựng trường”, bà Thư chia sẻ.

“Việc thực hiện mục tiêu 300 phòng học với địa phương không thể do thiếu quỹ đất cũng như vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài quỹ đất sạch do thành phố quản lý, quận đã rà soát và kiến nghị thành phố thu hồi 14 khu đất công ty, xí nghiệp do Nhà nước quản lý nhưng không sử dụng từ nhiều năm nay. Nếu thu hồi được các khu đất này đưa vào quỹ đất giáo dục sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho quận”, bà Chính cho hay.

Tương tự, Quận 12 có áp lực lớn về trường, lớp do tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm cao. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND Quận 12 Võ Thị Chính, đến cuối năm 2022 địa phương này đạt 235 phòng học/10.000 dân. So sánh tốc độ tăng dân số với tiến độ thực hiện dự án xây dựng trường học hiện nay thì chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân vào năm 2025 khó thực hiện. Nếu hoàn thành được 23 dự án trường học với 591 phòng học mới theo kế hoạch, đến năm 2025 quận mới đạt được tỷ lệ 240 phòng học.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND Quận 4 Võ Thanh Dũng, đến năm 2025, địa phương khó đạt mục tiêu do nhiều dự án xây trường phải điều chỉnh quy hoạch. Địa phương có dự án triển khai từ năm 2017 nhưng đến nay không thực hiện được bởi ách tắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, theo chuẩn xây dựng mới, một trường học có 15 lớp nếu đập ra xây mới chỉ còn 10 lớp.

“Trong khi Quận 4 diện tích nhỏ mà có đến 13 phường, khoảng cách giữa các trường gần nhau, nếu điều chỉnh quy hoạch thì có thể lấn sang phường khác. Ngoài ra việc phân bổ vốn chậm. Thậm chí có trường sắp sập, quận đã báo cáo bằng văn bản và gửi cả hình ảnh nhưng đợi mãi, trường học phải tạm di dời sang nơi khác mà không xong thủ tục, chưa được cấp vốn”, ông Dũng cho hay.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp) xây mới thêm 11 phòng học đã góp phần giảm áp lực sĩ số.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp) xây mới thêm 11 phòng học đã góp phần giảm áp lực sĩ số.

Rốt ráo gỡ khó

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, tính đến tháng 12/2022 toàn thành phố đạt 294 phòng học/10.000 dân. Trong khi 12/22 địa phương đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân thì một số quận, huyện đạt tỷ lệ thấp, như: Quận 12, Gò Vấp và các huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn... Tính chung toàn thành phố, để đạt được chỉ tiêu đề ra, đến năm 2025, cần có thêm hơn 7.714 phòng học nhưng theo kế hoạch chỉ xây được hơn 3.000 phòng học.

Là một trong những quận đã đạt tỉ lệ 300 phòng học/10.000 dân, tuy nhiên bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND Quận 7 nhìn nhận địa phương này đứng trước nguy cơ khó duy trì chỉ tiêu. Với tốc độ tăng dân số cơ học hiện nay, đến năm 2025 quận cần thêm 337 phòng, nhưng chỉ được duyệt 103 phòng. Để có thể xây dựng số còn lại, quận cố gắng bằng nhiều giải pháp, trong đó xin đề án thí điểm, đẩy mạnh xã hội hóa. Nếu được tháo gỡ khó khăn trong xã hội hóa thì đến năm 2026 sẽ có thêm 167 phòng học.

Bà Huỳnh Lê Vân Trà, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết từ năm 2020 đến thời điểm này sở chưa nhận được hồ sơ duyệt xây mới trường học nào mà chủ yếu là hồ sơ điều chỉnh kéo dài dự án. Cụ thể như Bình Tân phải điều chỉnh 5 dự án do vướng mặt bằng, có dự án từ năm 2010 đến nay chưa thực hiện xong và vốn tăng gấp đôi. Còn ở quận Gò Vấp có trường đã xuống cấp nhưng chỉ có nhu cầu sửa chữa, vì nếu xây mới theo quy chuẩn mới thì số phòng học giảm xuống, quận không biết bố trí học sinh đi đâu.

“Trước đây, UBND TPHCM quy định diện tích trên đầu học sinh tùy thuộc vào khu vực nội thành, vùng ven, ngoại thành. Tuy nhiên, hiện nay quy định áp chỉ tiêu cả nước như nhau gây khó khăn cho các địa phương với từng đặc thù khác nhau. Do đó, kiến nghị UBND TP sớm báo cáo Trung ương có điều chỉnh lại cho phù hợp với từng khu vực. Nếu giữ nguyên chỉ tiêu diện tích theo quy định mới mỗi học sinh như hiện nay (từ 8 - 10 m2/học sinh) thì gần như không có dự án nào đạt”, bà Trà nhấn mạnh.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, chỉ tiêu thực hiện 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học là mục tiêu quan trọng. Vì vậy, ông Đức đề nghị các quận, huyện rà soát quy mô, số lượng, chất lượng các cơ sở giáo dục, đối chiếu chỉ tiêu và phối hợp ngành Giáo dục, sở ngành liên quan xây dựng lộ trình cụ thể.

“Nếu các địa phương không quan tâm đúng mức cho phát triển mạng lưới trường lớp thì chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” sẽ chỉ dừng ở khẩu hiệu. Các sở, ngành, địa phương phải cùng nghiêm túc nhìn nhận thực tế để cùng tháo gỡ khó khăn. Mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân phải được cụ thể hóa theo từng địa phương, bậc học chứ không dựa trên mục tiêu chung toàn thành phố. Những vấn đề nào vượt quá thẩm quyền, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương”, ông Đức cho biết.

“Trước đây thành phố có nhiều dự án khu đô thị mới, theo quy hoạch đều phải có đất dành cho giáo dục, y tế. Do đó, các địa phương kết hợp với ngành Giáo dục rà soát tất cả các dự án xem quy hoạch về giáo dục có được tôn trọng không và dành đất để xây dựng trường học không. Việc này cần rà soát, báo cáo từng dự án cụ thể. Địa phương, ngành Giáo dục phải có tiếng nói mạnh mẽ vì lợi ích người dân…”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ