Quá trình khảo sát nhiều cử tri đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Nhiều khó khăn khi triển khai chương trình mới
Chia sẻ về tình hình triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, một trong những khó khăn lớn mà TP đang gặp phải là áp lực tăng dân số cơ học.
Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, tỉ lệ số phòng học/10 nghìn dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) trong giai đoạn 2015 đến 2025 đã tăng từ 247 phòng (năm 2015) lên 293 phòng (năm 2021). Năm 2022 ước tính đạt cả năm là 294 phòng học. Theo kế hoạch, năm 2025 sẽ đạt 300 phòng học/10 nghìn dân.
Ngoài ra, tỉ lệ học sinh không có hộ khẩu TPHCM tăng dần qua các năm học. Trong năm học 2021-2022, số học sinh không có hộ khẩu thành phố là 343.894 học sinh, chiếm tỉ lệ 21,26% tổng số học sinh trên địa bàn. Việc đổi mới chương trình GDPT đã nhận được sự quan tâm của tất cả cấp, ngành, tạo chuyển biến tương đối rõ nét về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và chất lượng giáo dục.
Trong đó, giáo viên tích cực hơn trong đổi mới mục tiêu GDPT, đảm bảo dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, từ đó tạo niềm tin cho nhân dân đối với ngành giáo dục.
Đặc biệt, việc tuyển dụng giáo viên cho năm học 2021-2022 thực hiện chậm dẫn đến một số trường thiếu giáo viên dạy nhiều môn, giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên tiếng Anh và Tin học, Nghệ thuật.
Tuy nhiên, chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học yêu cầu thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nhưng với áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao khiến số trường và số phòng học trên địa bàn thành phố chưa đủ đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có sĩ số lớp học đông nên giáo viên rất vất vả trong giảng dạy và bao quát học sinh.
Thêm vào đó, cơ sở vật chất hiện nay chưa đồng bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, còn nhiều trường có diện tích nhỏ hẹp, thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng do tất cả phòng ốc đều tập trung cho việc học chính khóa của học sinh.
Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới. Trong khi dân số trên địa bàn huyện cao với 600.000 người, mỗi năm tăng khoảng 20.000 dân, số học sinh tăng trung bình mỗi năm khoảng 2.000 em, song tốc độ xây dựng trường lớp lại không đảm bảo.
Ông Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới. |
Trong giai đoạn 2015-2020, huyện có 35 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, hiện mới chỉ có 3 dự án được duy trì vốn và đang thi công. 32 dự án còn lại chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025 do thành phố chưa phân bổ được nguồn vốn.
Tương tự, bà Đào Thị Minh Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cũng thừa nhận, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới trên địa bàn quận vẫn còn nhiều hạn chế. Dân số tăng cơ học nhanh, sĩ số học sinh/lớp còn cao, cơ sở trường lớp còn hạn chế nên chưa thể thực hiện đảm bảo học sinh học 2 buổi/ngày. Chương trình cần sự đồng thuận cao của phụ huynh song còn một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm.
Nỗ lực khắc phục
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa nhận được rất nhiều ý kiến cử tri yêu cầu ĐBQH giám sát. Chương trình phổ thông mới vừa bước sang năm thứ 3 thực hiện liên quan mật thiết đến đời sống và tương lai của xã hội chúng ta.
Mặt khác TPHCM triển khai thực hiện chương trình phổ thông mới trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hoành, học sinh không được học trực tiếp mà phải học trực tuyến. Chúng tôi và người dân đều lo lắng về kết quả học tập của học sinh lớp 1,2 vừa bước vào trường vừa bước vào chương trình mới với cách hoàn toàn lạ lẫm.
“Ngoài ra chúng tôi cũng quan tâm đến chất lượng học tập của học sinh lớp 6, lớp 7 khi thực hiện chương trình tích hợp liên môn lần đầu tiên sẽ như thế nào. Đặc biệt là gần đây dự luận phản ánh rất nhiều những vấn đề liên quan đến đội ngũ nòng cốt thực hiện chương trình phổ thông mới là giáo viên. Thu nhập của họ không đủ sống, thiếu giáo viên, nhiều môn giáo viên không ứng tuyển…
Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi muốn nắm sát sao các vấn đề để kịp thời có những kiến nghị cụ thể gửi đến các cơ quan chức năng, tìm ra giải pháp để thực hiện thành công chương trình phổ thông mới”, bà Tuyết chia sẻ.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, qua đợt khảo sát cho thấy ngành giáo dục TPHCM, UBND và Phòng GD&DT các quận, huyện đã tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới với nhiều cố gắng. Các đơn vị đã rất chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan đến chương trình phổ thông mới và sách giáo khoa. Hầu hết các nội dung hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT TPHCM đều được các quận, huyện và các trường thực hiện rất nghiêm túc.
“Các quận, huyện đã triển khai bám sát theo nội dung, mục tiêu, định hướng của nghị quyết 88 và nghị quyết 51. Các nội dung triển khai theo hướng kịp thời, chủ động và có những giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn tại địa bàn của mỗi địa phương như tập huấn giáo viên, tập huấn cán bộ đúng theo quy định…
Việc lựa chọn sách giáo khoa cũng theo hướng công khai, minh bạch, đúng quy định, đảm bảo tiến độ chung. Quận, huyện cũng thường xuyên chỉ đạo rà soát trang bị thêm thiết bị giảng dạy và trường bổ sung thêm.
Hiện nay, ngoại trừ những thiết bị do đơn vị cung ứng chưa cung ứng kịp, nhìn chung đảm bảo thiết bị tối thiểu để dạy học chương trình phổ thông mới theo quy định của Bộ GD&ĐT”, bà Tuyết cho hay.