Nỗ lực giữ sĩ số sau Tết trên vùng đất chín Rồng

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học. Để giữ sĩ số, các trường học đã chủ động công tác tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh…

HS Trường THCS Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) trở lại trường học tập sáng 22/2.
HS Trường THCS Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) trở lại trường học tập sáng 22/2.

Ổn định sĩ số ngày đầu đi học

Ngày 22/2, học sinh một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, nhà trường còn quan tâm đến việc huy động học sinh ra lớp, bởi những địa phương thường xảy ra tình trạng một số phụ huynh làm ăn xa, sau kỳ nghỉ dẫn con em đi theo. Thực tế cũng có nhiều trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng theo cha mẹ đến TPHCM, Bình Dương làm công nhân…

Ngày đầu học sinh trở lại lớp, Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) vừa kiểm tra công tác phòng chống dịch, vừa nắm thông tin tình hình học sinh đến trường. Nằm trên địa bàn biên giới, đời sống người dân khó khăn nên tình trạng học sinh bỏ học sau Tết năm nào cũng xảy ra. Tuy nhiên, năm nay tình hình khả quan hơn, theo khảo sát của Phòng GD&ĐT, hơn 90% học sinh đến trường trong ngày học đầu tiên. Ông Đoàn Văn Trí, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự cho hay: Nhà trường cùng địa phương tiếp tục kết hợp vận động học sinh ra lớp. Qua nắm thông tin, các em chưa đến lớp do đi xa chưa về kịp, một số em bị bệnh. Nhà trường, giáo viên sẽ cố gắng vận động các em đến trường.

Một trong những giải pháp được ngành Giáo dục huyện Hồng Ngự triển khai hiệu quả là kết hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ học sinh, nhắc nhở và tuyên truyền từ trước Tết. Theo đó, học sinh luôn được thầy cô nhắc nhở khung thời gian nghỉ để các em đến lớp đúng quy định. Giáo viên cũng thiết lập liên lạc giữa địa phương, phụ huynh có uy tín nhằm nắm bắt tình hình học sinh để kịp thời can thiệp khi các em bị rủ rê bỏ học. Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Trâm, GV Trường THCS Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, việc giữ liên lạc với trưởng ấp, phụ huynh và học sinh tiêu biểu giúp chúng tôi nắm bắt được những trường hợp có khả năng bỏ học để kịp thời động viên. Biện pháp này rất hữu hiệu trong việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học sau Tết.

Tại vùng đồng bào dân tộc Khmer thuộc xã Hàm Giang, huyện Trà Cú (Trà Vinh), thầy cô giáo rất vui mừng khi học sinh trở lại lớp đông đủ trong ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết. Thầy Đinh Quốc Cường, GV Trường Tiểu học Hàm Giang B cho biết: Sáng 22/2, học sinh của trường đi học đầy đủ, công tác phòng chống dịch được học sinh, phụ huynh thực hiện nghiêm túc. Ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết, học sinh đi học đầy đủ khiến nhà trường, giáo viên rất vui, yên tâm dạy học.

Hành động từ trước Tết

Để giữ sĩ số học sinh sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải triển khai nhiều giải pháp từ trước Tết. Trong đó, các em học sinh gia đình nghèo, đi làm ăn xa được quan tâm, tạo điều kiện và làm công tác tuyên truyền để trẻ không bỏ học. Theo chia sẻ của các giáo viên, khi các em được đồng cảm, quan tâm, giúp đỡ sẽ yên tâm học tập và gắn bó với trường lớp. Từ đó, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng cũng giảm đáng kể.

Tại huyện biên giới Hồng Ngự, học sinh là con em Việt kiều sinh sống ở Campuchia được quan tâm để giảm tỷ lệ bỏ học. Tết Nguyên đán này, 140 học sinh có cha mẹ, gia đình sinh sống ở Campuchia không thể đoàn tụ do dịch Covid-19. Đa số các em phải ở nhờ nhà người thân tại huyện Hồng Ngự để đi học. Gia cảnh khó khăn, mọi việc các em đều phải nương nhờ vào người thân, nhà trường, thầy cô giáo. Hiểu được khó khăn của trò, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự, nhà trường, thầy cô giáo kết hợp mạnh thường quân kịp thời động viên.

Theo ông Đoàn Văn Trí, trước Tết, nhiều suất học bổng được trao cho các em học sinh Việt kiều Campuchia đang theo học tại khu vực biên giới. Để các em yên tâm đón Tết, Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự, địa phương, Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ 500.000 đồng/em. Ngoài ra, xã và huyện hỗ trợ thêm 600.000 đồng/em.

Phòng phối hợp các đoàn thể gặp gia đình nơi các em ở nhờ tại địa phương tuyên truyền, vận động không cho các em về Campuchia ăn Tết để phòng chống dịch. “Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm gặp và động viên các em hằng ngày. Hiệu trưởng gọi điện cho cha mẹ các em ở Campuchia để trao đổi, phối hợp động viên, hứa sẽ lo cho các em có cái Tết chu đáo, đầm ấm tại Việt Nam. Công tác này trường thực hiện với từng phụ huynh học sinh và các em”, ông Trí thông tin.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Trường Tiểu học Hàm Giang B, huyện Trà Cú (Trà Vinh) - ngôi trường có gần 100% học sinh dân tộc Khmer trao tặng 36 áo xuân và 360 kg gạo cho 36 em học sinh hoàn cảnh khó khăn. “Của ít, lòng nhiều”, mỗi phần quà nhà trường gửi tới học sinh là niềm vui, trao niềm tin để các em vượt qua khó khăn, tiếp bước con đường học tập...

Được nhận phần quà là áo mới và gạo, em Thạch Kim Oanh, học sinh lớp 4 (Trường Tiểu học Hàm Giang B) tâm sự: Con rất vui vì nhận được quà Tết. Áo mới sẽ để dành đi học, còn gạo để ăn những ngày Tết. Cha mẹ con làm thuê, thu nhập không ổn định, mấy tháng nay không có chỗ làm vì dịch bệnh. Nhận phần quà này con và cả nhà con vui lắm.

Là giáo viên nhiều năm đồng hành cùng phong trào giúp đỡ học sinh nghèo, thầy Đinh Quốc Cường, GV Trường Tiểu học Hàm Giang B rất vui vì hoạt động ý nghĩa mà bản thân, đồng nghiệp cũng như nhà trường thực hiện mỗi khi Tết đến, xuân về. Theo thầy Cường, việc làm trên để các em có một mùa xuân ấm, thêm gắn bó với mái trường và bạn bè. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể…  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.