Nỗ lực đến tận ngày về đích trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Phong trào 90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” tại các trường học Nghệ An đã khép lại buổi học cuối cùng.

Thầy Phạm Xuân Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cùng giáo viên dặn dò, khích lệ học sinh trong buổi ôn thi cuối cùng. Ảnh: Hồ Lài
Thầy Phạm Xuân Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cùng giáo viên dặn dò, khích lệ học sinh trong buổi ôn thi cuối cùng. Ảnh: Hồ Lài

Nhiều cảm xúc, những lời dặn dò, chốt lại kiến thức dành cho lứa học sinh trước khi chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp - cuộc vượt vũ môn cuối cùng của Chương trình GDPT 2006.

Những buổi học cuối cùng

Buổi học ôn tập môn Hóa học cuối cùng trong chương trình ôn thi, cô Nguyễn Thị Minh Châu – Trường THPT Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn, Nghệ An dành thời gian chốt lại kiến thức cần ghi nhớ cho học sinh. Đồng thời nhắc nhở những câu các em hay gặp lỗi sai, gồm câu hỏi tổng hợp lý thuyết hoặc 4 câu bài tập ở mức vận dụng, vận dụng cao.

Cô Nguyễn Thị Minh Châu - giáo viên Trường THPT Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn, Nghệ An chốt lại kiến thức môn Hóa học trong buổi ôn thi cuối cùng. Ảnh: Hồ Lài

Cô Nguyễn Thị Minh Châu - giáo viên Trường THPT Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn, Nghệ An chốt lại kiến thức môn Hóa học trong buổi ôn thi cuối cùng. Ảnh: Hồ Lài

Về kỹ năng làm bài, cô Minh Châu cũng lưu ý học sinh tập trung hoàn thành tốt các câu mức độ nhận biết, thông hiểu, tránh mất điểm đáng tiếc. “Số học sinh chọn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên của trường không nhiều, chỉ khoảng 100 em, trong đó phần lớn ở mức trung bình đến khá. Thực tế để dạy học hiệu quả hơn, phải chia nhỏ từng nhóm học sinh theo năng lực tương ứng. Tuy nhiên do không có điều kiện thời gian, các em còn phải ôn thi môn khác, nên với học sinh nhóm khá giỏi, cô sẽ gửi riêng bài tập, đề thi cho các em tự luyện ở nhà. Có vấn đề gì cần làm rõ, cô trò sẽ cùng trao đổi vào cuối buổi học, hoặc thường xuyên trong nhóm zalo, facebook”, cô Minh Châu cho hay.

Năm nay trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) có 392 học sinh lớp 12, trong đó có 4 em được miễn thi, xét đặc cách tốt nghiệp do thuộc diện học hòa nhập. Còn lại tất cả đều chọn ôn thi ở trường. Thầy Phạm Xuân Phú – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh của trường hầu hết là con em nông thôn, hoàn cảnh kinh tế gia đình vất vả, không có điều kiện học thêm ngoài. Việc học và ôn thi chủ yếu ở trường do thầy cô giảng dạy, bồi dưỡng.

Trường THPT Thái Hòa (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) mở cửa lớp, phụ đạo miễn phí cho học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT vào buổi tối. Ảnh: NTCC

Trường THPT Thái Hòa (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) mở cửa lớp, phụ đạo miễn phí cho học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT vào buổi tối. Ảnh: NTCC

Đây cũng là lứa học sinh cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nên mục tiêu của trường là 100% học sinh đậu tốt nghiệp, có nhiều em trúng tuyển vào trường đại học mong muốn. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài chương trình dạy học, ôn tập triển khai từ đầu năm học, thì nhà trường lập kế hoạch ôn thi tăng cường từ 15/4.

Hưởng ứng phong trào thi đua 90 ngày ôn thi tốt nghiệp THPT của ngành giáo dục, nhà trường chia thành 2 đợt. Đợt 1 từ 15/4 đến 25/5 gồm 140 tiết với nội dung bám sát chương trình giảm tải theo công văn hướng dẫn và đề minh họa của Bộ. Đợt 2 từ đầu tháng 6 đến nay với trọng tâm là củng cố kiến thức, luyện đề với thời lượng 50 tiết, bám sát đề minh họa của Bộ và đề thi thử của Sở GD&ĐT Nghệ An. Ngoài dạy học theo lịch, cuối các buổi học, các giáo viên đều tình nguyện ở lại để dạy và phụ đạo thêm cho những học sinh học lực còn trung bình, yếu hoặc bồi dưỡng thêm cho học sinh khá giỏi.

Chia lửa cùng học trò

Kỳ thi tốt nghiệp ngay trước mắt, nhưng buổi tối không khí tự học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An vẫn không hề hạ nhiệt. Từ các phòng học trên lớp, thư viện, hay bàn ghế đá góc sân trường, ký túc xá đều có từng nhóm bạn cùng ôn tập lại kiến thức, trao đổi bài làm với nhau.

Với đặc thù 100% học sinh ở nội trú, ở xa gia đình, không có phụ huynh hỗ trợ nên nhà trường luôn quan tâm, chăm lo cho các em, đặc biệt là khi ngày thi đến gần. Ngoài ôn thi, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An còn chú trọng đến sinh hoạt, khẩu phần ăn mỗi ngày.

Thầy Trần Đình Huy - Bí thư Đoàn Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cùng các bạn đoàn viên tặng bánh, nước uống cho học sinh đang ôn thi tại trường. Ảnh: NTCC

Thầy Trần Đình Huy - Bí thư Đoàn Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cùng các bạn đoàn viên tặng bánh, nước uống cho học sinh đang ôn thi tại trường. Ảnh: NTCC

Tối 25/6, các thầy cô giáo, Đoàn thanh niên nhà trường đã trực tiếp đi động viên học sinh ôn thi, tặng bánh mỳ, nước uống để “tiếp sức” cho các bạn đang cùng nhau tự học. Trước đó, hiệu trưởng nhà trường đã đặt hàng dưa hấu sạch cho học sinh lớp 12 đang ôn thi để các em giải nhiệt.

Theo cô Nguyễn Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường, có nhiều con đường để lập thân, lập nghiệp sau THPT, nhưng với những em đến từ vùng cao, dân tộc thiểu số, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thì việc nỗ lực học giỏi, vào đại học để sau này có nghề nghiệp là mục tiêu của tất cả học sinh nội trú. Vì thế, áp lực của các em ở kỳ thi này là rất lớn. Nhà trường mong muốn sự quan tâm, chăm sóc của các thầy cô sẽ tiếp thêm sức mạnh, động lực để các em có thể về đích thành công ở chặng đường 12 năm phổ thông.

Trong những ngày diễn ra kỳ thi, nhà trường cũng đã liên hệ với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm huy động nguồn lực để hỗ trợ thêm cho học sinh như: nước uống, sữa, tăng khẩu phần ăn… cho đến khi hoàn thành kỳ thi.

Thầy Ngô Chiến Thắng cùng học sinh Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) trong buổi ôn thi cuối cùng. Ảnh: NVCC

Thầy Ngô Chiến Thắng cùng học sinh Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) trong buổi ôn thi cuối cùng. Ảnh: NVCC

Hành trình 3 năm và 90 ngày đêm "chia lửa" cùng học sinh Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) cũng đã chính thức khép lại với buổi học cuối cùng trước khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra. Thời điểm "lúa sắp gặt, trái sắp chín", thầy Ngô Chiến Thắng, giáo viên Trường THPT Quế Phong đã nhắn nhủ tới học sinh những điểm quan trọng để làm tốt bài thi môn Ngữ văn.

Trước khi thi các em cần hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức của các bài đã học, đặc biệt là hoàn cảnh sáng tác bởi xác định được hoàn cảnh thì mới viết đúng nội dung.

Các em cần đọc thật kỹ, gạch chân những ý chính của đề. Khi làm bài luôn chú ý bám sát các ý chính, tránh trường hợp trả lời dài, lan man.

Với câu hỏi đọc hiểu, nên trả lời bằng cách gạch đầu dòng các ý để nội dung được rõ ràng. Với dạng câu hỏi viết đoạn văn, sau khi xác định được trọng tâm của vấn đề thì nhấn mạnh vào nội dung, đề hỏi gì trả lời đó.

Còn với bài văn Nghị luận thì các em cần có bố cục phải rõ ràng, xác định được các luận điểm. Đồng thời xác định được thời gian của các câu hỏi, chia thời gian cho hợp lí để bài làm được trọn vẹn, tránh viết những đoạn văn quá dài. Khi làm bài xong thì dành thời gian đọc lại một lượt để chỉnh sửa những lỗi sai.

Tương tự, các trường THPT miền núi cao Nghệ An thời gian qua đều tổ chức ôn thi, phụ đạo miễn phí cho học sinh. Các lớp học từ Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Thái Hòa… đều sáng đèn mỗi buổi tối để đón học sinh tới trường ôn tập thuận lợi hơn.

Trường THPT Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) tặng thưởng cho học sinh đạt kết quả cao trong đợt thi thử lần 4 - lần cuối cùng trước kỳ thi chính thức. Ảnh: NTCC

Trường THPT Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) tặng thưởng cho học sinh đạt kết quả cao trong đợt thi thử lần 4 - lần cuối cùng trước kỳ thi chính thức. Ảnh: NTCC

Trong suốt thời gian qua, đặc biệt là 90 ngày nước rút, số buổi ôn thi miễn phí cho học sinh đã vượt xa kế hoạch. Nhưng giáo viên nhà trường không đếm số tiết mình đã đồng hành với trò, mà chỉ “đếm ngược” còn bao lâu nữa là kỳ thi diễn ra, còn bao nhiêu kiến thức cần củng cố, còn bao nhiêu đề thi cần rèn luyện.

Khép lại những ngày ôn thi, Công đoàn, Ban giám hiệu các nhà trường đã có buổi tổng kết cuối cùng dành cho học sinh khối 12, trao thưởng cho những em đạt kết quả tốt trong lần thi thử cuối cùng.

Nhiều món quà từ các tổ chức, đơn vị như nước uống, sữa, suất cơm cho sỹ tử vùng cao trong những ngày thi cũng đã được chuyển trao. Các đội phản ứng nhanh, đội tình nguyện hoa phượng đỏ, đội xe ôm miễn phí… sẵn sàng tại mỗi điểm thi. Những tấm lòng, tình cảm đó sẽ đồng hành, không để thí sinh nào bị bỏ lại phía sau trong chặng về đích của 12 năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Diễn sâu kịch bản vụng

GD&TĐ - Ukraine càng thêm khó khăn trong cuộc chiến với Nga thì quyết định cho phép của Mỹ và Anh sẽ càng đến nhanh.

Sách giáo khoa Ngữ văn từ năm 1995 - 2024. Ảnh: Văn Lự

Lại bàn thêm về môn Ngữ văn

GD&TĐ - Đề kiểm tra Ngữ văn không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa báo hiệu quan niệm học để thi, học thuộc nhớ nhiều đã kết thúc.