Diện tích này lớn hơn cả nước Pháp và Tây Ban Nha cộng lại và gấp 3 lần diện tích nước Đức. Tuy nhiên, Canada có một mục tiêu bảo tồn khu vực tự nhiên có tên “30 by 30” nhằm bảo tồn ít nhất 30% vùng đất và vùng biển của quốc gia vào năm 2030.
Mục tiêu “30 by 30”
Để làm đúng được mục tiêu “30 by 30”, các khu bảo tồn mới phải giữ gìn được sự đa dạng sinh học và bảo vệ an toàn các khu vực lưu trữ carbon, cung cấp nước ngọt hoặc bảo vệ các khu vực giải trí dựa vào thiên nhiên.
Tuy nhiên, nhiều khu vực quan trọng mang lại lợi ích lớn này lại trùng với việc sử dụng đất cạnh tranh như nông nghiệp, lâm nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là một thách thức đối với Canada. Các phương pháp bảo tồn truyền thống có thể không đủ để đạt được mục tiêu “30 by 30” và cần có các phương pháp bảo tồn mới và sáng tạo.
Mục tiêu “30 by 30” xuất phát từ “Liên minh Tham vọng cao vì Con người và Thiên nhiên” – một sáng kiến của Liên Hợp Quốc nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
55 quốc gia thành viên, bao gồm Canada, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Mexico đã cam kết đạt được mục tiêu “30 by 30”. Các quốc gia khác như Mỹ, vốn không phải là thành viên chính thức của liên minh nhưng gần đây cũng đưa ra cam kết tương tự.
Lý do đằng sau mục tiêu 30% đã rõ ràng: Phải bảo đảm các khu vực tự nhiên mang lại lợi ích thiết yếu cho nhân loại như lương thực, nước sạch, không khí sạch và khí hậu ổn định… được bảo vệ. Đây được coi là “dịch vụ hệ sinh thái” và là tập hợp các lợi ích mà môi trường tự nhiên mang lại cho con người.
Con người đã thay đổi đáng kể, khoảng 75% đất đai trên Trái đất và đã gây ra những tác động tiêu cực mạnh mẽ đến ít nhất 40% đại dương, dẫn đến khoảng 1/4 số loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Các nhà khoa học cho biết, tỷ lệ đa dạng sinh học toàn cầu thấp và việc mất diện tích tự nhiên hiện nay đe dọa hệ thống hỗ trợ sự sống tự nhiên của thế giới. Mở rộng diện tích đất đai được bảo vệ trên toàn cầu là hành động quan trọng, sẽ giúp đảo ngược những xu hướng này, theo đó bảo vệ đa dạng sinh học và mang lại lợi ích cho con người.
Bảo tồn sáng tạo
Các khu bảo tồn của Canada bao phủ 12% diện tích đất nước và diện tích này có thể đã lên tới 17% vào cuối năm 2020 khi các công viên mới và khu bảo tồn mới được hoàn thiện trên toàn quốc. Mở rộng từ 12% lên 30% có nghĩa là thêm một khu vực gần tương đương với các tỉnh Alberta, Saskatchewan và Manitoba cộng lại.
Một nghiên cứu cho thấy khoảng 2/3 khu vực cung cấp nước ngọt và cơ hội giải trí cho người Canada trùng với đất nông nghiệp và nơi sở hữu tài nguyên (dầu khí, khoáng sản và gỗ).
Điều này nhấn mạnh cần có phương pháp tiếp cận bảo tồn sáng tạo, đặc biệt là các phương pháp tập trung vào cảnh quan. Trong khi các khu vực tự nhiên thường được ưu tiên để bảo tồn thì các trang trại, rừng và bãi chăn thả cũng là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu 30% đã đề ra.
Việc bảo tồn cảnh quan đòi hỏi những cách tiếp cận mới và linh hoạt. Trong đó có thể bao gồm việc các chủ đất phục hồi và quản lý đất, thêm các dải hoa dại giúp tăng cường sự thụ phấn cho cánh đồng hoặc cải thiện việc quản lý đất và nước để bảo vệ chất lượng nước.
Trong rừng, cần bảo vệ cây cổ thụ và các kho lưu trữ carbon của chúng bằng cách ưu tiên sức khỏe hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học nhiều hơn lợi nhuận kinh tế. Bên cạnh đó là duy trì cấu trúc rừng phức tạp bằng cách bảo tồn các cây lớn hoặc tạo các khoảng trống trên các tán rừng và trồng nhiều loại cây rừng để bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.
Trong số các kỹ thuật nêu trên có nhiều kỹ thuật không mới nhưng việc gộp chúng lại trong một khung công cụ bảo tồn như các kỹ thuật thông thường khác sẽ là điều mới lạ.
Các phương pháp bảo tồn trước đây chủ yếu dựa vào từng khu vực dưới dạng các khu bảo tồn. Việc các chính phủ tích cực cộng tác với các cộng đồng, người bản địa và các nhóm bảo tồn để thực hiện công tác bảo tồn cũng sẽ là một điều mới.
Việc kết hợp các phương pháp trên để đạt được mục tiêu “30 by 30” rất quan trọng. Điều thuận lợi là Canada đã có một số yếu tố để thực hiện việc kết hợp trên.
Các khu dự trữ sinh quyển kết hợp các vùng đất đang khai thác ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt, đồng thời cung cấp một ví dụ chính về cách chỉ định, quản lý và điều hành các loại hình bảo tồn và sử dụng đa dạng của con người.
Các khu vực được bảo vệ và bảo tồn của người bản địa là một ví dụ khác có thể cho phép các quốc gia quản lý, sử dụng và bảo vệ các vùng đất truyền thống theo hệ thống luật pháp và văn hóa của họ.
Những điều này đang được áp dụng ngày càng nhiều ở Canada. Cuối cùng, các công viên đô thị như Công viên Quốc gia Rouge ở Toronto đã mang lại lợi ích chính cho cư dân thành phố và giúp kết nối những người sống trong các khu dân cư với thiên nhiên.
Thách thức và lợi ích
Những trở ngại lớn đối với việc sử dụng các phương pháp bảo tồn mới này bao gồm yêu cầu đánh giá nghiêm ngặt xem hoạt động bảo tồn có hiệu quả hay không. Nhiều phương pháp được đề cập trên đây không dễ phù hợp với loại hình đánh giá này.
Tiếp theo là mục tiêu “30 by 30” là bảo tồn đa dạng sinh học, trong khi một số phương pháp ở trên lại tập trung vào các dịch vụ hệ sinh thái trước rồi mới tới đa dạng sinh học. Chúng ta sẽ quyết định như thế nào giữa cách tiếp cận khác nhau này?
Những cách tiếp cận mới rất phức tạp, đòi hỏi nguồn vốn lớn và sự hợp tác giữa các chính phủ và cộng đồng. Bên cạnh đó là khó khăn trong việc thực thi và giám sát sau khi phương pháp được thiết lập, có thể dẫn đến những phát sinh và sự chậm trễ không mong muốn.
Mặc dù có những thách thức trên nhưng các phương pháp bảo tồn mới có tiềm năng thực sự để bảo tồn một số loài bị đe đọa nhiều nhất và các dịch vụ hệ sinh thái ở những nơi có nguy cơ tổn hại cao nhất. Điều này bảo đảm đạt được mục tiêu “30 by 30”về bảo tồn thiên nhiên và những lợi ích thiết yếu mà nó mang lại cho con người.