(GD&TĐ) - Ngôi nhà nhỏ của ông Vũ Văn Lập như một bảo tàng nằm ẩn mình giữa thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Trong ngôi nhà ấy hiện đang lưu giữ các bộ sưu tập đồ đá, đồng, tiền cổ, đồ gốm và cả những phiến đá hoá thạch có niên đại hàng vạn năm. Hơn 10 năm qua, ông đi dọc thượng nguồn hai con sông Thương và Lục Nam để sưu tầm cổ vật. Nhiều người nói ông là khùng nhưng ông chỉ cười và lặng lẽ tiếp tục hành trình sưu tập cổ vậy, công việc mà ông yêu thích.
Duyên kỳ ngộ
Chuyến công tác Bắc Giang vừa qua của chúng tôi thay đổi kế hoạch toàn bộ khi gặp ông Vũ Văn Lập. Câu chuyện về bộ sưu tập đồ cổ của ông khiến mọi người mê mẩn và quyết định cùng ông về nhà để được tận mắt ngắm nhìn những thứ mà trong đời người không phải ai cũng có cái may mắn ấy. Chúng tôi gọi đó là duyên kỳ ngộ.
Con đường từ thành phố Bắc Giang về đến xã Đông Sơn, huyện Yên Thế dường như được rút ngắn lại bởi những câu chuyện về việc sưu tập đồ cổ của ông Lập. Qua những ngã rẽ ngoằn ngoèo mới vào được đến nhà ông khiến ai cũng ngạc nhiên, không ngờ rằng ở một nơi thôn quê xa xôi thế này lại có một bảo tàng đồ cổ sống động đến vậy.
Bước chân qua cánh cổng sắt, vào chiếc sân rộng, chúng tôi thấy la liệt các tảng đá hình thù khác lạ, những cây gỗ, bánh xe bò đã tồn tại cả trăm năm… Theo ông Lập, mỗi một phiến đá là hiện thân của một thời kỳ văn hóa, lịch sử. Chúng đều in đậm những dấu vết mà giới khảo cổ đã nhìn ra được niên đại của từng viên đá. Không chỉ có đá, trong kho cổ vật của ông Lập có đủ các chủng loại nào là đồ đá, đồ đồng, đồ sắt… Một điều đặc biệt là các hiện vật từ sơ kỳ đồ đá đến thời kỳ đồ đồng được các nhà khảo cổ tìm thấy ở Bắc Giang có những thứ gì thì trong nhà ông có thứ ấy. Từ công cụ lao động bằng đá thô sơ như: rìu, mảnh tước, bàn mài… Ông Lập từng kiểm kê lại kho tàng của mình với 149 đồ đá từ thô sơ đến tinh xảo, trong đó có 117 chiếc rìu bầu dục không mài hết vết ghè mang đậm dấu ấn rìu mài lưỡi thời kỳ Bắc Sơn, hậu Bắc Sơn. Nếu tính thêm bộ nghiền và cuốc đá thì ông có 138 dụng cụ thời kỳ hậu đồ đá mới…
Pha xong ấm chè mạn, ông đưa mắt nhìn xa xăm như đang hồi tưởng về quá khứ. Mười chín tuổi, ông lên đường nhập ngũ và trở thành người lính Phòng không Không quân, đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất. 27 tuổi phục viên trở về địa phương và tham gia nhiều hoạt động xã hội tại mảnh đất Yên Thế, quê hương ông. Sau này, khi nghỉ công tác, ông Lập làm đủ thứ nghề để kiếm sống, bởi cuộc sống lúc đó rất khó khăn. Trong một lần đi vớt củi ở sông Thương, ông tình cờ nhìn thấy hai viên đá lạ liền mang về với suy nghĩ để “lấy may”. Sau đó, một người bạn làm công tác khảo cổ phát hiện ra đó là bộ hoá thạch của hai chiếc răng thú khổng lồ. Từ đấy ông say mê với những món đồ cổ quý hiếm. Sau vô số chuyến đi, ông đã chú tâm sưu tầm được nhiều đồ vật lạ trong dân gian. Có những thứ, người ta mang bán đồng nát thì ông xin hoặc mua về chất đầy vườn. Có lần nghe tin một người dân vạn chài trên sông Thương vớt được đồ quý, ông tức tốc tìm đến. Có những lúc ông phải bán cả lúa non lấy tiền mua cổ vật. Cứ vậy, nghe thấy ở đâu có cổ vật là bằng mọi cách ông phải “khiêng” về nhà. Có thể giàu có về cổ vật nhưng cuộc sống của ông Lập lại khá bình dị, khó khăn. Một ngôi nhà đơn sơ, đồ đạc không có gì đáng giá. Cổ vật của ông được kê trên những chiếc tủ cũ kỹ, không đủ chỗ, ông cho một số vào bao tải, trong túi cất dưới gầm giường. Nghe chúng tôi nói ông là người giàu có. Ông cười bảo rằng: “Nếu nói giàu có về hiện vật thì tôi chịu, chứ trong túi tôi ít khi nào có tiền mặt. Nếu được vài triệu thì lại đi mua sắm đồ ngay. Ngôi nhà này tôi xây bao năm giờ đã xuống cấp nhưng cứ nghĩ đến cổ vật lại thấy tiếc. Nhà thì năm nay không sửa được thì sang năm, còn hiện vật thì không mua được là mất, không còn cơ hội để có nữa”. Nhìn thấy, biết đấy mà không mua được, ông khổ tâm lắm.
Ông Lập giới thiệu một cổ vật quí hiếm |
Chuyện về những món đồ cổ
Khi thích món đồ nào mà không mua được là ông mất ăn, mất ngủ. Có những thứ ông phải chờ đợi nhiều ngày, đi đi, lại lại cả tháng mới mua nổi như hòn đá hoá thạch có in hình bộ xương sống thú. Điều lạ là thú vui cổ vật của ông dường như ít bị chi phối bởi tiền bạc. Trong câu chuyện, hiếm khi ông nhắc đến giá trị bằng tiền của mỗi hiện vật, bởi ẩn chứa sau mỗi đồ vật là giá trị lịch sử, văn hoá tinh thần của cha ông. Nâng niu giới thiệu từng món đồ, điều ông trăn trở nhất là làm sao bảo quản được những cổ vật này một cách tốt nhất.
Những bộ xương của động vật hóa thách, theo như ông nói có niên đại hàng triệu năm hiện cũng chỉ được ông cất giữ trong chiếc tủ kính sơ sài, không có máy móc bảo quản. Tất cả những xương hóa thạch này đều được ông sưu tập từ dòng sông Thương quê hương ông. Khó khăn lớn nhất với ông là cách phân biệt được giá trị thực của những bộ xương hóa thạch và kỹ thuật bảo quản chúng. Nếu thực sự đây là những hiện vật có niên đại hàng triệu năm mà để quăng quật như thế này, quả là tiếc. Nhìn chúng, ông ước ao được các nhà khoa học vào cuộc, hướng dẫn cách bảo quản.
Với niềm đam mê cổ vật, người đàn ông này sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn mua đồ cổ nhưng lại không hề có ý định kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, ông lại sẵn sàng tặng bạn ngay những món đồ ấy, nếu là người tâm giao. Ông bảo, nhà nghèo, không có tiền bạc, tặng nhau cổ vật để nhớ nhau. Ông đã hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng Quân đoàn 2 và nhiều đơn vị khác hàng chục cổ vật quý giá.
Hiện nay, ông là Hội viên Hội di sản văn hóa Việt Nam. Trong cuốn sách Di sản văn hoá Bắc Giang - Khảo cổ học, nhiều hiện vật của ông được góp mặt và được đánh giá cao về giá trị lịch sử. Theo như ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang: “Tính đến thời điểm hiện tại, ông Lập đã sưu tầm được 200 rìu đá, 11 bon, 2 đục, 10 cuốc đá, hơn 10 tràng hạt đá; hơn 10 chiếc dao đá… với tổng số hơn 300 hiện vật đồ đá các loại với nhiều liên đại khác nhau; Đồ đồng có khoảng gần 100 hiện vật với các loại mác, búa, lưỡi câu, mũi tên, khuyên tai… Ngoài ra, ông Lập còn có các bộ đồ vô giá như lá dương sỉ hóa thạch, răng, xương động vật cổ hoá thạch, bộ bình vôi cổ… Những bộ sưu tập của ông Lập rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và khoa học. Đến thời điểm hiện tại, ông đã hiến tặng cho bảo tàng rất nhiều hiện vật để trưng bày, chúng tôi đang gấp rút hoàn tất thủ tục để xây dựng bảo tàng tư nhân cho ông Lập”.
Trước kia ông bị mọi người gọi là ông Lập dở, vì cái cách ông chơi, ông làm chẳng giống ai. Bỏ tiền, bỏ thời gian để mang phế liệu về chất đống ở nhà. Nhưng đến nay, dần dần mọi người cũng đã hiểu việc làm của ông hơn. Có người cảm phục, rồi ai đó biết ở đâu có hiện vật quý lại báo cho ông… Cuộc sống của ông giờ cũng không dư dả nhưng được cái cả vợ và con đều ủng hộ. Con cái đã trưởng thành, đi làm thỉnh thoảng chúng lại gửi tiền về cho ông mua thêm đồ cổ. Còn vợ ông cũng đã quen dần với việc chồng mình đi đâu đó dăm bữa nửa tháng và quay trở về với một vài món đồ trong túi. Và bà cũng quen dần với cảnh khách đến nhà đột ngột không cần biết đến giờ giấc. Bà bảo chỉ cần nhìn thấy ông ấy vui, mạnh khỏe là vợ con mừng rồi.
Theo thống kê của ông Lập, hiện trong nhà ông đang có hàng nghìn cổ vật với nhiều chủng loại: nồi, niêu, bát đĩa, ấm, chén, bình vôi, giáo, mác, cung tên…, cuốc, thuổng, đinh ba…, tiền cổ của các thời đại. Khắp nhà đều thấy cổ vật, ông làm tủ, treo trên tường, cất trong bao, để dưới gầm giường hay ngoài cửa, lâu lâu ngắm chúng ông cảm thấy tự hào như thể đang lưu giữ hồn cốt của cả thời xa xưa. Ước mơ của ông là xây dựng một bảo tàng tư nhân nhỏ tại nhà để những người quan tâm cùng chiêm ngưỡng và cũng là điểm giao lưu, học hỏi của những người có cùng niềm đam mê cổ vật. Ông đang nhờ người em lập trang web có tên lapdoco.com. “Lên mạng mình có thêm hiểu biết về cổ vật, thêm yêu công việc và có thêm những người bạn cùng sở thích, vui lắm” - ông nói.
Hà An – Lan Anh