Nợ đọng BHXH, BHYT: Doanh nghiệp chây ỳ, luật pháp chưa nghiêm

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT lên đến hàng chục tỷ đồng kéo dài trong nhiều năm nhưng cơ quan công an chưa khởi tố được doanh nghiệp nào.

Nợ đọng BHXH, BHYT: Doanh nghiệp chây ỳ, luật pháp chưa nghiêm

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có 21.000 doanh nghiệp trong tình trạng “nợ khó đòi”, nhiều doanh nghiệp lớn đang nợ BHXH kéo dài nhiều năm, trong đó có những doanh nghiệp nợ từ vài tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng. Tuy nhiên, hơn một năm nay, cơ quan Công an vẫn chưa khởi tố được doanh nghiệp nào, khiến nhiều chủ doanh nghiệp tỏ ra nhờn luật.

Những năm gần đây, hầu như tháng nào BHXH tỉnh Thái Nguyên cũng làm việc, yêu cầu Công ty Cổ phần Luyện thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng) có phương án truy đóng BHXH. Nhưng số tiền nợ của doanh nghiệp này vẫn không giảm. Điều đáng nói, Công ty này đã ngừng hoạt động và đang làm thủ tục phá sản.

no dong bhxh, bhyt: doanh nghiep chay y, luat phap chua nghiem hinh 1
Quyền lợi BHXH của nhiều người lao động đang bị DN xâm phạm nghiêm trọng (ảnh minh họa)

Công ty FLC Faros (Hà Nội) được tuyên truyền rầm rộ với những dự án hấp dẫn ở nhiều tỉnh, thành. Thế nhưng, ít ai biết, FLC Faros đang nợ BHXH gần 7 tỉ đồng. Đây chỉ là 2 trong hàng chục doanh nghiệp lớn chây ỳ, không đóng BHXH, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.

Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông như: Công ty Lilama 3 nợ 32 tỉ đồng, Công ty Cầu 12 (gần 20 tỉ đồng), Công ty Sông Đà 12 (16 tỉ đồng), Công ty Sông Đà- Thăng Long (16 tỉ đồng), Công ty CP Bưu chính viễn thông Sài Gòn (27 tỉ đồng), Công ty CP Mai Linh Miền Nam (27 tỉ đồng)...Nợ đọng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Đến nay, BHXH Việt Nam đã gửi danh sách 150 doanh nghiệp nợ BHXH cho Công đoàn khởi kiện nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp được tòa án thụ lý giải quyết.

 “Chúng tôi vẫn đang thực hiện chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng để điều tra theo quy định nhưng chưa có một văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể nào về danh mục, hồ sơ, tài liệu liên quan chuyển sang cơ quan điều tra như thế nào. Chúng tôi cũng rất mong muốn làm sao các cơ quan chức năng của Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục bổ sung, nghiên cứu và hoàn thiện, sớm ban hành văn bản của Hội đồng thẩm phán để hướng dẫn thực hiện thống nhất trên địa bàn cả nước”

Theo Luật BHXH, Tổ chức công đoàn, đại diện hợp pháp của người lao động được giao chức năng khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT. Tuy nhiên, sự không đồng bộ của hệ thống pháp luật khiến cho việc khởi kiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trước tình hình các doanh nghiệp nợ đọng BHXH ngày càng tăng cao, năm 2014, Tổng Liên đoàn đã chủ trì ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam về giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm, Đoàn giám sát liên ngành cấp Trung ương do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại 15 đến 20 doanh nghiệp thuộc 4 đến 6 tỉnh, thành phố.

Đối với vướng mắc trong việc Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, nguyên nhân do chưa có sự đồng nhất giữa các quy định của Luật BHXH, Bộ Luật Lao động, Luật Tố tụng Dân sự... Ngoài ra, rất ít cán bộ Công đoàn cơ sở đứng ra để khởi kiện chủ sử dụng lao động, bởi họ sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình… Với chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giao cho Công đoàn cấp trên cơ sở để khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

no dong bhxh, bhyt: doanh nghiep chay y, luat phap chua nghiem hinh 2
Chăm lo đời sống người lao động là trách nhiệm của các DN và các cơ quan quản lý.

“Về nguyên tắc thì chúng ta phải lấy quy định của Bộ luật tố tụng dân sự là Bộ luật quy định về trình tự xử lý các vụ án để chúng ta áp dụng. Nhưng chúng ta cứ lấy cớ là vì các đạo luật mâu thuẫn với nhau là lý do đầu tiên mà tòa án không thụ lý. Có Tòa án cho rằng đấy không phải là thẩm quyền của Tòa án, có Tòa án cho rằng chưa có sự ủy quyền của người lao động. Pháp luật mâu thuẫn, chưa rõ ràng như vậy mà Tòa án thụ lý thì không thể giải quyết được. Thời gian tới chúng tôi vẫn phải theo đuổi vì hiện nay pháp luật chưa sửa  và để sửa được cũng phải một vài năm tới” – ông Hiểu nói.

Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, do quy định mới về tội phạm hình sự trong lĩnh vực bảo hiểm, liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là bảo đảm quyền lợi cho người lao động, an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù các điều luật này viết ngắn gọn nhưng có phạm vi và đối tượng chịu trách nhiệm hình sự rất rộng. Các hành vi vi phạm như thế nào, đối tượng cụ thể và các tình tiết liên quan như tinh vi, xảo quyệt, gian dối, gian lận, tham ô, lạm dụng chức vụ nên cần có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, hiện đang có sự mâu thuẫn giữa Bộ luật Hình sự với Nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Chưa có sự phân hóa về tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại giữa hành vi vi phạm hành chính với hành vi bị coi là tội phạm, dẫn đến khó khăn trong thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm. Việc Hội đồng Thẩm phán (Tòa án nhân dân Tối cao) xây dựng dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Điều 213, 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, giúp thống nhất cách hiểu, cách xử lý tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH để bảo vệ quyền lợi cho người lao động được tốt nhất.

Ông Nguyễn Sơn cho biết: “Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tòa án Nhân dân Tối cao phải ban hành Nghị quyết để hướng dẫn cụ thể. Cơ quan BHXH phải nói nhiều đến các đối tượng tham gia vào các hành vi vi phạm bởi từ trước đến nay, BHXH Việt Nam vẫn xử phạt vi phạm hành chính nên có kinh nghiệm xác định các đối tượng tham gia để Tòa án Nhân dân Tối cao nghiên cứu đưa vào. Làm sao đảm bảo đủ các loại chủ thể tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật hình sự để từ đó mới có hướng dẫn cụ thể đảm bảo tính nghiêm minh”

Ngành BHXH, Tổ chức Công đoàn cũng như người lao động đều mong muốn, với những hồ sơ doanh nghiệp trốn đóng mà cơ quan BHXH đã chuyển sang, Công an các địa phương cần sớm vào cuộc điều tra, khởi tố nhằm tạo tính răn đe. Đồng thời, BHXH các địa phương cũng cần bám sát cơ sở để có phương án đôn đốc thu hợp lý.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ