Ninh Bình không ép giáo viên dự thi giáo viên giỏi

GD&TĐ - Từ 5-14/10 sẽ diễn ra Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THCS thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) năm học 2022- 2023.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó ban tổ chức quy định, giáo viên dự thi Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS phải đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên trong năm học 2021-2022, trong đó các tiêu chí của Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Thông tư số 20 của Bộ GD&ĐT ban hành.

Có ít nhất 1 năm được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường trong 3 năm học 2020-2021, 2021-2022, 2022-2023. Được nhà trường chọn cử tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.

Về số lượng giáo viên dự thi: Trường có trên 24 lớp cử ít nhất 7 giáo viên, trong đó bắt buộc có 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Trường có từ 19 đến 24 lớp cử ít nhất 6 giáo viên, trong đó bắt buộc có 2 trong các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Trường có từ 12 đến 18 lớp cử ít nhất 4 giáo viên, trong đó bắt buộc có 1 trong các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Trường có dưới 12 lớp cử ít nhất 3 giáo viên, trong đó bắt buộc có 1 trong các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.

Giáo viên dự thi trên 2 nội dung. Trước hết dự thi thực hành 1 tiết theo kế hoạch giảng dạy bộ môn tại thời điểm diễn ra Hội thi. Tiết dạy tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó. Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia Hội thi. Được thông báo và có thời gian chuẩn bị trước cho tiết dạy 2 ngày với nội dung chương trình lớp 6, lớp 7.

Kế hoạch bài dạy được soạn theo đúng quy định của bộ môn; chỉ in giáo án word, không in bài giảng powerpoint; ghi rõ tên trường, tên giáo viên, môn thi, tên bài dạy; không đóng bìa, đóng quyển, không in màu, in bóng; in thành 6 bản trên giấy khổ A4. Giáo viên dự thi gửi cho tổ giám khảo trước khi bắt đầu tiết dạy.

Giáo viên sẽ trình bày một biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy của cá nhân góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục của cá nhân tại nơi đang làm việc.

Biện pháp được lãnh đạo nhà trường xác nhận áp dụng hiệu quả, lần đầu được dùng để đăng ký tham dự Hội thi và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó. Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi.

Việc đánh giá các nội dung thi phần thực hành tiết dạy: Mỗi tiết dạy được ít nhất 3 giám khảo cho điểm và đánh giá. Giám khảo cùng đơn vị với giáo viên dự thi sẽ không được cho điểm, đánh giá tiết dạy của giáo viên đó.

Sau khi giáo viên hoàn thành phần thực hành tiết dạy, giám khảo nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm về những ưu, nhược điểm của tiết dạy với giáo viên dự thi. Tiết dạy được đánh giá theo thang 20 điểm và được xếp loại Giỏi, Khá, Trung bình, chưa Đạt yêu cầu.

Đối với phần trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy: Phần trình bày của mỗi giáo viên được ít nhất 3 giám khảo đánh giá. Sau khi giáo viên trình bày, giám khảo trao đổi, đánh giá và thống nhất mức “Đạt” hoặc “Chưa đạt”. Giám khảo cùng đơn vị với giáo viên dự thi sẽ không được cho điểm, đánh giá tiết dạy của giáo viên đó.

Phần trình bày biện pháp được đánh giá là “Đạt” khi đảm bảo nêu rõ được biện pháp có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học và giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn nhà trường, địa phương trong công tác giảng dạy của giáo viên tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc; được nhà trường và đồng nghiệp ghi nhận và có minh chứng về sự tiến bộ của học sinh khi áp dụng biện pháp.

Giáo viên đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố” phải đảm bảo phần thực hành tiết dạy được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá loại giỏi và không có giám khảo nào đánh giá loại trung bình trở xuống; phần trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá mức đạt.

Kết quả Hội thi là minh chứng để tham gia đánh giá chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên theo quy định hiện hành. Là căn cứ để chọn giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023.

Cuộc thi đặt ra yêu cầu: Dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi; Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất; Đảm bảo đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ