Nhìn lại khó khăn từ những ngày đầu
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển. Số xã đặc biệt khó khăn là 58/122 xã và 2 huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, mức sống còn thấp, dân cư phân bố rải rác và phân tán nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn, một số phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại, chính vì vậy việc huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường còn hạn chế.
Việc sử dụng tiếng phổ thông đối với trẻ em mới bắt đầu đi học và học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế nên việc tiếp thu chương trình phổ thông nói chung và việc thực hiện chương trình còn gặp nhiều khó khăn.
Khoảng cách từ nhà đến trường của một bộ phận học sinh khá xa, gây khó khăn cho trẻ trong việc đến trường, nhất là trẻ trong độ tuổi đầu cấp tiểu học. Đây là một trở ngại lớn của công tác huy động trẻ đúng độ tuổi ra lớp và công tác duy trì sĩ số.
Tại Bắc Kạn, một số ít trường học còn có phòng tạm chưa đảm bảo theo quy định như: Thiếu ánh sáng, diện tích hẹp, bàn ghế không đúng quy cách…
Một số điểm trường còn thiếu nước sinh hoạt về mùa khô; nhiều trường phòng thư viện chưa đạt chuẩn, việc khai thác sử dụng thư viện hiệu quả còn thấp. Công tác xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp đã được các trường quan tâm nhưng chưa duy trì được thường xuyên; một số trường công trình vệ sinh chưa đáp ứng yêu cầu.
Vượt qua mọi khó khăn ban đầu khi áp dụng Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, việc dạy – học cả ngày FDS của SEQAP đã mang lại hiệu quả thiết thực. Học sinh thực sự được hưởng lợi từ chương trình và vui trong sự hân hoan đến trường mỗi ngày.
“Gặt mùa vàng” với dạy và học cả ngày FDS
Qua 6 năm thực hiện Chương trình SEQAP, Sở GD&ĐT Bắc Kạn đã gặt được một “mùa vàng” với kết quả đáng mừng nâng cao chất lượng dạy và học cả ngày.
Chất lượng giáo dục tiểu học toàn diện, các phẩm chất, kỹ năng của học sinh đã được nâng lên nhiều so với trước khi thực hiện chương trình thông qua việc hỗ trợ các trường tiểu học chuyển đổi sang mô hình dạy - học cả ngày FDS; góp phần giảm sự chênh lệch phát triển giáo dục và đào tạo ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, giữa các nhóm học sinh trong cùng lớp, cùng trường tiểu học.
Với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các trường tiểu học thụ hưởng SEQAP có cơ sở vật chất khang trang hơn, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ bữa ăn trưa, đồng thời qua hệ thống bài tập Tiếng Việt, Toán giúp củng cố kiến thức, kỹ năng cho các em do SEQAP cung cấp cùng với việc tổ chức các câu lạc bộ Tiếng Việt, Toán, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp khác… giúp chất lượng học tập và các hoạt động giáo dục của học sinh ở các trường thực hiện SEQAP có nhiều chuyển biến tích cực.
Song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các trường được Chương trình quan tâm đầu tư qua việc triển khai tập huấn các mô đun, quản lý tự học, tự bồi dưỡng, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm về việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh… Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
Hơn thế nữa, học sinh thực sự được học trong môi trường khang trang, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được tăng cường đầu tư theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa gắn với kế hoạch thực hiện trường chuẩn quốc gia, góp phần làm thay đổi diện mạo nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, học sinh yên tâm học tập, tham gia tích cực các hoạt động giáo dục trong nhà trường, từng bước nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm lo con em, tham gia thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Đồng thời, mô hình FDS được tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với trường tiểu học hiện nay. Việc thực hiện lộ trình chuyển đổi từ dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày, các cách thức thực hiện lập kế hoạch, xây dựng thời khóa biểu dạy học cả ngày theo chương trình T30, T35; các tài liệu hướng dẫn dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo tính khoa học, khá phù hợp trong các trường tiểu học.