Niềm vui ngày trở về

GD&TĐ - Sau gần 1 tháng lênh đênh trên biển, những ngư dân của xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) làm nghề cho các tàu cá ở xã Tam Quang, (Núi Thành) đã trở về trong niềm hân hoan và sự chào đón của người thân, bạn bè và lãnh đạo địa phương.

Anh Tạ Văn Thắm cùng vợ con chuẩn bị cho bữa cơm thân mật cùng gia đình và người thân
Anh Tạ Văn Thắm cùng vợ con chuẩn bị cho bữa cơm thân mật cùng gia đình và người thân

Ông Trần Sỹ - Sinh năm 1964 và ông Tạ Văn Thắm - Sinh năm 1970, cùng trú thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh) là những người nhiều năm đầu quân cho những chủ tàu ở Đà Nẵng, Bình Định và hơn 3 năm trở lại đây, hai ông về tàu QNa-90028 do ông Phạm Ngọc Thái, thôn 2, (xã Tam Quang) làm chủ. 

Trong những năm qua tàu QNa-90028 thường đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đã nhiều lần bắt gặp các tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng việc ai nấy làm chứ không hung hăng và không đe dọa đến tính mạng của ngư dân như từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. 

Ngư dân Tạ Văn Thắm cho biết: Hằng ngày chúng tôi luôn phải trong tư thế đề phòng sự vây ráp, truy đuổi của các tàu cá Trung Quốc. Họ thường đi thành từng nhóm rất đông, tổ chức vây ráp, áp sát và tìm mọi cách đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam. 

Chúng dùng mọi thứ như chai lọ và những vật cứng khác ném vào tàu làm cho hư hỏng nhiều vật dụng với mục đích cản phá không cho ngư dân khai thác, sản lượng giảm sút nhiều so với trước đây. 

Mặc dù họ rất hung hăng, tính mạng chúng tôi luôn bị đe dọa nhưng chúng tôi nhất quyết không sợ vì ngoài sự đoàn kết của anh em ngư dân còn có các lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát Biển và đồng bào cả nước đang hướng về chúng tôi. 

Tuy sản lượng đánh bắt bị giảm sút nhưng chúng tôi quyết tâm bám biển để khẳng định với Trung Quốc rằng đây là lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dứt khoác không cho nước nào xâm phạm, dù nước đó là nước lớn. 

Các anh Trần Sỹ và Tạ Văn Thắm (bên phải từ ngoài vào) đang trò chuyện với lãnh đạo địa phương
Các anh Trần Sỹ và Tạ Văn Thắm (bên phải từ ngoài vào) đang trò chuyện với lãnh đạo địa phương 

Cùng ở thôn Trung Thanh, (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ), ông  Võ Hồng Quân, năm nay vừa tròn 60 tuổi nhưng đã có trên 40 năm lênh đênh trên biển, nhiều năm làm nghề đánh bắt xa bờ trên những con tàu ở các địa phương khác nhau.

7 năm trở lại đây ông trở về làm nghề cho tàu QNa-91918 do ông Nguyễn Văn Thân - Sinh năm 1972, trú thôn 3, (xã Tam Quang) làm chủ. Trên tàu có 10 ngư dân. 

Từ ngày 10/5 tàu xuất phát đánh bắt ở ngư trường thuộc vĩ tuyến 14 cách giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc hạ đặt trái phép trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khoảng 9 - 10 hải lý. 

Mặc dù thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng chúng tôi luôn bị tàu của Trung Quốc mà hầu hết là tàu vỏ sắt vây ráp, hăm dọa và luôn tìm mọi cách để va đâm tàu cá của chúng tôi, hành động đó của họlà phi nhân tính, là tội ác. 

Ông Trần Văn Công - Sinh năm 1962, trú thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh) có 15 năm làm nghề đánh bắt xa bờ, nhiều năm đã đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa nhưng lần này không được may mắn tham gia đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.

Ông rất tức giận trước sự ngang ngược của Trung Quốc, nếu như có chuyến tàu nào đánh bắt ở ngư trường có giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc hạ đặt trái phép.

Ông sẽ xung phong đăng ký nhằm đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để cùng ngư dân, các lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát Biển bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chị Lê Thị Đoàn - Sinh năm 1971, vợ của ngư dân Tạ Văn Thắm cho biết: Khi xem truyền hình thấy tàu vỏ sắt của Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá vỏ gỗ của thành phố Đà Nẵng, bỏ mặc 10 ngư dân chơi vơi giữa Biển Đông, con gái của tôi mới học lớp 3 trường Tiểu học Ngô Gia Tự (xã Tam Thanh) ôm chầm lấy tôi và khóc thét lên: “Liệu ba con ở ngoài đó có mệnh hệ chi không hả mẹ?”. 

Tôi bảo với cháu “Mẹ tin rằng không có việc gì xảy ra đối với ba con. Vì Trung Quốc có hung hăng, ác ý, cố hãm hại tàu cá của Việt Nam nhưng trước sự đoàn kết của ngư dân cùng với sự giúp đỡ của lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát Biển thì Trung Quốc sẽ không làm được gì, con yên tâm”. 

Nói thì nói vậy nhưng thật ra trong lòng  tôi lúc nào cũng nóng như lửa đốt, vì theo tôi được biết thì hầu hết tàu của Trung Quốc là tàu vỏ sắt còn tàu đánh cá của ngư dân mình thì tàu vỏ gỗ, vả lại Trung Quốc quá hung hăng, luôn tìm mọi cách để va đâm tàu cá ngư dân Việt Nam.

Vì vậy ban ngày chúng ta có thể chủ động tránh đỡ được, còn ban đêm thì hoàn toàn bị động và phải đứng trước biết bao rủi ro. Nếu ảnh mà có mệnh hệ gì thì mẹ con tôi sẽ khổ lắm.

Liên hệ qua điện thoại với chủ tàu đánh cá QNa-91918, ông Nguyễn Văn Thân cho biết: Do tàu của ông làm nghề lưới vây ngày nên vào thời điểm này ngư trường Hoàng Sa không thích hợp với phương tiện đánh bắt nên chuyến tới ông sẽ nghỉ không ra khơi. 

Riêng tàu QNa-90028 của chủ tàu Phạm Ngọc Thái và hàng chục tàu khác vào ngày 19/6 sắp tới sẽ mang hàng chục ngư dân, trong đó có ông Trần Sỹ và Tạ Văn Thắm cùng trú thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh) hướng đảo Hoàng Sa thẳng tiến để đánh bắt, cùng anh em ngư dân và các lực lượng chấp pháp của Việt Nam bảo vệ lãnh hải chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Không chỉ có ông Trần Sỹ, Tạ Văn Thắm, Võ Hồng Quân mà xã Tam Thanh còn có hàng chục ngư dân đang đầu quân cho các chủ tàu ở Đà Nẵng, Bình Định, Phú Quốc cùng hàng trăm ngư dân đang ngày đêm vươn khơi bám biển trên gần 50 chiếc tàu đánh bắt xa bờ mà chủ nhân của nó là những người con quê hương. 

Đây là lực lượng hùng hậu của địa phương cùng ngư dân cả nước vươn khơi, bám biển khai thác nguồn lợi hải sản không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn mang sứ mệnh thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ