Niềm vui của cô sinh viên nghèo 11 năm chăm bố ốm

GD&TĐ - “Em đỗ vào Trường Đại học Y rồi, mấy năm nữa có thể chữa bệnh cho bố”…

Cô sinh viên Trần Thị Thu Uyên (giữa, hàng đầu tiên) cùng các bạn tại Trường Đại học Y Dược trong thời gian học quân sự. Ảnh: NVCC
Cô sinh viên Trần Thị Thu Uyên (giữa, hàng đầu tiên) cùng các bạn tại Trường Đại học Y Dược trong thời gian học quân sự. Ảnh: NVCC

Đó là những lời thổ lộ của cô sinh viên năm nhất Trần Thị Thu Uyên - lớp 16D (Khoa Dược học - Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên) khi ước mơ chữa bệnh cứu người của em dần trở thành hiện thực. 

Tình yêu bao la

Tháng 8/2020, tại căn nhà nhỏ xây tạm ở cuối thôn Chào, xã Vĩnh An, huyện Sơn Động (Bắc Giang), Uyên vừa ngồi nắn bóp cho bố mắc bệnh Parkinson vừa nghĩ có giấy báo trúng tuyển đại học thì sẽ làm gì.  

Bởi nỗi lo tiền học phí, rời xa gia đình không ai chăm bố, dạy em học bài, đỡ đần mẹ những ngày trái gió trở trời giăng khắp tâm trí càng khiến cô gái nhỏ nhắn trăn trở. Trong khi bạn bè cùng trang lứa dành thời gian đi du lịch, liên hoan với bạn bè khi có giấy báo trúng tuyển đại học, Uyên phải đưa ra quyết định thay đổi cuộc đời mình. 

“Mặc dù, bác sĩ đa khoa mới là ước mơ em theo đuổi. Nhưng không phải là bác sĩ, em vẫn có thể trở thành dược sĩ, điều chế thuốc để giúp bố và những người nghèo khác lành bệnh. Học ở Thái Nguyên, em có điều kiện về nhà nhiều hơn. Những lúc ba mẹ cần có thể về ngay được…”, Uyên giãi bày. 

Học ở trường, Uyên thường xuyên gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ. Một, hai lần, mẹ nhắn lại gia đình vẫn ổn. Nhưng như sét đánh ngang tai, bởi mới đây Uyên nhận tin bố phải nằm viện vì vỡ xương bánh chè. Chấn thương của bố không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến em lo lắng suốt những ngày mới lên trường. 

Chưa thể về nhà ngay được, lòng Uyên như lửa đốt. “Em định bỏ học nhưng mẹ ngăn cản. Lúc đó, mẹ chỉ khuyên cố gắng học thật tốt. Mọi việc dưới quê mẹ và các bác sẽ lo. Lúc ấy, em trào nước mắt, không biết bố uống thuốc đúng giờ không. Rồi thêm chấn thương quái ác kia nữa…”, Uyên nghẹn ngào nhớ lại. 

Uyên tâm sự: Bố phải dùng thuốc cứng miệng để nói chuyện với em.Thuốc này dùng trước khi ăn cơm 30 phút. Bác sĩ chỉ định dùng thuốc cách nhau 3, 4 tiếng. Chân tay cứng lại mới có thể ăn cơm, nói chuyện, sau 30 phút thì hết tác dụng. Đó là lúc duy nhất em có thể gọi về nhà để hỏi thăm bố. 

Trần Thị Thu Uyên (bên phải) cùng cô giáo chủ nhiệm lớp THPT năm 2020.
Trần Thị Thu Uyên (bên phải) cùng cô giáo chủ nhiệm lớp THPT năm 2020.

Vượt qua nghịch cảnh

Khó khăn của một cô sinh viên nghèo đi học xa nhà thực sự quá đỗi tưởng tượng của Uyên. Với 1,5 triệu đồng mẹ dành dụm từ tiền làm thuê gửi lên khiến em không yên tâm học tập. Những khoản phí không tên dần xuất hiện trong kế hoạch chi tiêu. 

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều trung tâm giáo dục đã đủ người, Uyên không thể tìm công việc gia sư như dự định. Cô sinh viên năm nhất từng nghĩ đi làm thuê, nhưng việc học trên lớp và bài tập chỉ cho Uyên một chút ít thời gian buổi tối để dạy kèm. Không có việc làm thêm, đồng nghĩa với việc Uyên xoay xở chia tiêu vừa số tiền mẹ gửi từ dưới quê lên.

Trước muôn vàn khó khăn, Uyên vẫn kiên định “Mình sẽ không bỏ cuộc”. Dần dần, em thích nghi với môi trường tự lập trên giảng đường đại học. 

“Những ngày chưa quen lịch học, nhiều hôm mệt quá về nhà, em ngủ một mạch đến sáng. Với nhiều môn học khó, Uyên lại gọi điện về hỏi thầy Tuyên dạy Hóa học cấp 3 của em. Thầy chỉ em nên mua cuốn sách này, sách kia để mở mang kiến thức”, Uyên kể.

Trần Thị Thu Uyên chăm bố hàng ngày khi chưa đi học đại học.
Trần Thị Thu Uyên chăm bố hàng ngày khi chưa đi học đại học.

Với Uyên, mua sách để đọc không chỉ còn là để thỏa mãn đam mê với từng con chữ, vốn kiến thức mới lạ, mà đó là bước đệm để có thể gặt hái được những thành công trong tương lai. Sắp tới, Uyên sẽ làm gia sư dạy Hóa, môn học em yêu thích nhất để vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống phụ đỡ cho cha mẹ, vừa truyền đam mê môn học đến học trò nhỏ. 

Uyên chia sẻ: Từ học kỳ II, em có kế hoạch học tập chi tiết. Mỗi tháng, ngoài mua sách tham khảo, chuyên môn, em mua thêm những cuốn sách khác để bổ sung vốn kiến thức xã hội, kĩ năng sống để chuẩn bị cho tương lai. 

Chia sẻ về học trò của mình, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Cố vấn học tập lớp Đại học Dược 16D (Trường Đại học Y Dược) bày tỏ niềm tự hào về nghị lực của Uyên. “Uyên có hoàn cảnh khó khăn mà điểm đầu vào đại học đạt 25,2 –mức cao của nhà trường. Em chịu khó, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và học tập...”, cô Hạnh nói.

Cô Hạnh cũng cho biết: Uyên cùng các bạn trong lớp vừa hoàn thành khóa học quân sự, bắt đầu học các môn cơ sở. “Mong Uyên sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực hơn trong học tập để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, thực hiện ước mơ trong tương lai...”, cô Hạnh kỳ vọng.

3 năm học phổ thông, Uyên học chăm chỉ, chịu khó nên thành tích học tập rất tốt. Nhưng hoàn cảnh gia đình em khá đặc biệt, tôi và các thầy cô phải động viên, quan tâm rất nhiều để em cân đối việc học lẫn có thời gian chăm sóc bố. Với tính cách kiên định, tự lập vốn có, tôi tin em sẽ vượt qua tất cả để hoàn thành ước mơ chữa bệnh cho bố và những người mắc bệnh hiểm nghèo. - Thầy Cao Văn Tuyên 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.