Niềm hạnh phúc của người phụ nữ đêm nào cũng khóc

Gặp gỡ rồi yêu và lấy nhau, ông Nguyễn Đình Lập và bà Đào Thúy Tám cũng mất 20 năm có lẻ mới tìm được niềm hạnh phúc con cái.

Ông Nguyễn Đình Lập thường xuyên chia sẻ với vợ công việc nhà. Ảnh: Q.N
Ông Nguyễn Đình Lập thường xuyên chia sẻ với vợ công việc nhà. Ảnh: Q.N

 Để được như ngày hôm nay, ông bà đã phải vượt qua bao nỗi lo lắng, gian truân, rồi cả “miệng lưỡi” cay độc của người đời khiến bà đêm nào cũng khóc

Không sinh được con vì là “cá rô đực”

Về xã Thụy Văn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), hỏi nhà ông Nguyễn Đình Lập (62 tuổi) và bà Đào Thúy Tám (58 tuổi) không khó. Chúng tôi ghé thăm đúng lúc bà Tám đang tập hát chèo, ông Lập ngồi cạnh thi thoảng đệm nhạc, đệm phách theo. Vậy là chẳng hẹn mà gặp, chúng tôi được nghe họ hát ngay từ những giây phút đầu tiếp xúc khiến câu chuyện về sau càng trở nên gần gũi, thân mật hơn.

Ông Nguyễn Đình Lập vốn là quân nhân. Năm 1972, ông Lập nhập ngũ, nhận nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Hòa bình lập lại, ông về công tác tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Thái Thụy. Vợ ông - bà Đào Thúy Tám cũng có nhiều năm tham gia đội xây dựng của huyện. Chuyện tình của họ thời trẻ cũng đầy bất ngờ.

Năm 1978, họ quen nhau trong lần tham gia một trận đánh bóng bàn ở trại giống nhà nước. Gặp gỡ ban đầu không để lại ấn tượng quá nhiều về nhau, mà chỉ coi nhau như bạn bè bình thường. Do đặc thù địa lí, nên khu vực hành chính của huyện Thái Thụy chia thành bên Thái, bên Thụy. Bởi vậy, dù ở cùng huyện nhưng do khoảng cách xa nhau nên họ chỉ gặp nhau sau lần đó. Mọi thứ về nhau nhạt nhòa, tưởng chừng họ khó có thể “chạm” lại vào cuộc đời nhau thêm lần nữa. Nhưng chỉ một chữ duyên, hai năm sau, tình cờ họ gặp lại trong lần đến chơi nhà một người bạn.

Ông Lập nhớ lại: “Trở về nhà tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh cô gái nhanh nhẹn, ưa nhìn với giọng nói nhẹ nhàng. Cảm giác nhớ nhung ngày một lớn dần, cứ muốn gặp lại thêm nữa. Ban đầu cũng e dè, vì con gái ở tuổi đẹp nhất có nhiều chàng trai vây quanh lại chưa hiểu ý người ta với mình ra sao. Nhưng vì yêu, vì thích nên cố gắng và kiên trì đến cùng”.

Bà Tám nhìn chồng cười quay sang nói với chúng tôi: “Hồi đó ông ấy kiên trì dữ lắm. Cuối tuần nào cũng chịu khó đạp xe hơn 12 cây số sang nhà tôi chơi. Tháng bão, ông ấy và bạn còn sang giúp nhà tôi nẹp cửa chống bão. Sau bạn tôi kể, lúc về gió to quá suýt bị bay xuống sông. Thế mà lần sau vẫn sang. Nghe thế, tôi cảm động lắm”.

Đúng là “trời se duyên nên khiến anh gặp em”, trái tim của bà Đào Thúy Tám đã bị chinh phục trước tấm chân tình của ông Lập. Cuối năm 1982, đám cưới của ông bà được diễn ra trong sự chúc phúc của gia đình và bè bạn.

Tuy nhiên, hậu quả tàn khốc của chiến tranh là điều không ai muốn. Nỗi đau trở nên nặng nề và dai dẳng hơn khi nhiều lần hạnh phúc được làm cha mẹ vừa kịp nhen nhóm đã vụt tắt. Dù cố gắng thuốc thang, chạy chữa nhưng mọi thứ đều trở nên vô vọng khi họ chẳng thể có con. Nhớ lại những tháng ngày ấy, bà Tám rưng rưng: “Người đời có những câu bình phẩm rất ác ý “cá rô đực”, rồi “cây độc không trái, gái độc không con”, nhiều năm liền đêm nào tôi cũng khóc, chẳng thể chia sẻ với ai ngoài chồng. Tôi thương tôi một thì tôi thương chồng mười”.

Và quả thật, ông trời không phụ lòng người, sau 20 năm, hạnh phúc vỡ òa khi gia đình có thêm thành viên mới. Cô con gái Nguyễn Thị Tâm của ông bà giờ đã học lớp 8, dễ thương và ngoan ngoãn. Tình cảm của họ cứ thế được vun đắp, mộc mạc mà giản dị nhưng rất đằm thắm.

Vẹn nghĩa tình trăm năm

Cho đến bây giờ, ông Lập vẫn luôn thầm cảm ơn người vợ thảo hiền, biết quan tâm sẻ chia lại biết nhẫn nại chịu đựng để đối nhân xử thế. “Cuộc sống vợ chồng có lúc này lúc kia, nhưng nhờ bà ấy nhường nhịn, “chín bỏ làm mười” nên gia đình mới yên ổn và hạnh phúc được”, ông Lập nhìn vợ tươi cười.

Dù đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày ông vẫn hăng hái với công việc “vác tù và hàng tổng” cho xóm làng. Các hoạt động công ích xây dựng đình, chùa, công cuộc xây dựng nông thôn mới hay tổ chức hoạt động hội hè cho các cháu… ông Lập đều tham gia. Ông bảo, mình phải làm việc để vui vẻ, để trẻ hơn, năng động hơn. Cùng với chồng, bà Tám hàng ngày đưa con đi học, rồi lại về chăm lo cơm nước, chăm vườn rau, nuôi vài con gà để ông yên tâm cho công việc xã hội.

Điều đặc biệt, người dân thôn An Định nơi ông bà đang sống gọi gia đình họ là gia đình văn nghệ. Bởi từ chồng đến vợ rồi cô con gái đều say mê “đàn ca sáo nhị”. Những dịp văn nghệ của thôn, xã là nhà bà… đóng kín cửa, đi diễn phục vụ bà con không nề hà dù sáng sớm hay đêm muộn. Với họ, đó chính là niềm vui sống.

Không những thế, bà Tám còn tham gia câu lạc bộ hát chèo. Đều đặn những buổi chiều, buổi tối, bà siêng năng đi học rồi thỉnh thoảng dạy lại cho chồng. Chỗ nào chưa đúng, chưa thành thạo thì cùng nhau tập. Bà Tám bảo, ông bà yêu thương nhau hơn qua từng lời hát, nhờ những giai điệu mà họ hiểu được lòng nhau lúc giận hờn, khi bực tức để rồi càng ngọt ngào hơn trong hạnh phúc tuổi già. Khi hai tâm hồn đã trở nên hòa hợp họ lại cùng nhau vẽ nên ngôi nhà hạnh phúc cho riêng mình.

Lật giở cuốn album ảnh của gia đình, bà Tám kể lại từng thời gian chụp. Bất giác nhớ lại khoảng thời gian khó khăn, bà Tám lặng lẽ thở dài: “Có thời gian ông Lập uống rượu rất nhiều. Tôi hiểu và thương lắm. Bây giờ ông gần như không uống rượu nữa rồi. Phải nói rằng, từ khi có cháu Tâm, cuộc sống mới ổn định vững chắc hơn”.

Khi kể về con gái là ông bà trở nên hào hứng, có lẽ đó là tâm trạng chung của các bậc làm cha mẹ. Cô con gái xinh xắn, dễ thương, như sợi chỉ hồng gắn kết mẹ cha. “Con gái nhiều khi cứ như “người hòa giải” của bố mẹ, cái gì chưa được là con nói ngay, cái gì bố mẹ chưa hiểu là phân tích mọi chuyện cứ như người lớn ấy”, bà Tám nói.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, cũng chưa kịp thử tài nấu ăn của ông -mà như bà nói là khá ngon. Nhưng sự hy sinh, tình yêu thương mà người vợ một đời dành trọn cho ông đủ để thấy ông là một người chồng không thể tuyệt vời hơn. Họ đã sống và chia sẻ vui buồn, hạnh phúc với nhau như thế. Lương hưu của ông, rồi tiền của bà bán con gà con vịt, đôi ba mớ rau cũng chỉ đủ cho một cuộc sống nơi thôn xóm giản dị. Nhưng họ giàu, giàu theo một nghĩa khác…

Nói về cuộc hôn nhân của mình, ông Nguyễn Đình Lập bộc bạch: “Tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi, nói chuyện tình yêu thì nghe phi lí. Nhưng thực sự có những tình cảm, cảm giác hạnh phúc theo trọn đời, thậm chí theo sang cả kiếp khác… mà người ta gọi là thương, sau chữ yêu có chữ thương nó là như vậy. Có sống với nhau mới hiểu được giá trị của nhau”.

Theo Gia đình xã hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ