Những yêu cầu cụ thể với GV nhằm nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Trong văn bản về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã chỉ rõ những yêu cầu với giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tăng dần các bài tập mở, gần gũi với thực tế đời sống

Với giáo viên bộ môn, Sở GD&ĐT yêu cầu căn cứ vào chương trình, kế hoạch của nhà trường và của tổ/nhóm chuyên môn, xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, chi tiết đến từng chủ đề, chuyên đề, bài giảng sát với đối tượng học sinh được giao phụ trách trong năm học.

Mỗi chuyên đề phải có phần lý thuyết và bài tập. Phần lý thuyết nên hệ thống lại những kiến thức cơ bản, trọng tâm. Phần bài tập nên có phần bài tập mẫu và bài tập tự làm (có gợi ý đáp án). Bài tập nên phân dạng và theo mức độ từ dễ đến khó phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Tăng dần các bài tập mở, gần gũi với thực tế đời sống. Chú trọng đến việc dạy kiến thức cơ bản cho học sinh, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng.

Cần khai thác tốt kiến thức Sách giáo khoa, mỗi bài giảng ngoài hệ thống câu hỏi cần xây dựng được các câu hỏi trắc nghiệm, giảm những dạng bài tập khó mang tính hàn lâm. Trong quá trình giảng dạy và tổ chức các hoạt động học tập nên phân nhóm và giao nhiệm vụ học tập phù hợp cho học sinh theo trình độ.

Ngoài các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ, cần có thêm các bài kiểm tra ngắn để đánh giá mức độ đạt được của học sinh và từ đó có hướng điều chỉnh hợp lý.

Kết hợp với giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác tư vấn cho học sinh trong việc chọn môn thi, khối thi phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi học sinh. Với những trường hợp chọn quá nhiều môn thi, khối thi giáo viên tư vấn để học sinh tập trung vào một số môn nhất định.

Yêu cầu đối với giáo viên chủ nhiệm

Với giáo viên chủ nhiệm, Sở GD&ĐT yêu cầu định hướng, tư vấn cho học sinh lựa chọn ngành nghề, khối thi, môn thi phù hợp với khả năng của từng em.

Kết hợp với giáo viên bộ môn, phụ huynh và nhà trường để quản lý việc học tập của học sinh, đặc biệt là quản lý việc tự học của học sinh. Vận động học sinh tham gia đầy đủ các lớp ôn tổ chức tại trường.

Kết hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để động viên khuyến khích học sinh học tập; nắm bắt kịp thời tâm tư tình cảm của học sinh để có điều chỉnh hợp lý trong việc giáo dục, uốn nắn, thay đổi hạn chế của các em học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ