Theo thống kê, chỉ có khoảng 70% người dân đô thị có nước sạch để sử dụng. Điển hình như ở Hà Nội vào tháng cao điểm nhất là khi hệ thống cấp nước gặp sự cố, người dân sống tại các khu tập thể, chung cư thiếu nước sinh hoạt, họ phải chờ đợi cả giờ mới lấy được một xô nước, hoặc phải mua nước với giá cao để sử dụng hàng ngày.
Chính bởi tính cấp thiết đó, mới đây T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) phối hợp cùng một số đơn vị đã tổ chức cuộc thi sáng tạo ý tưởng “Mùa hè nước” 2015. Tại cuộc thi, nhiều mô hình, dự án của sinh viên đã có tác động tích cực trong việc bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên nước...
Những đề tài thiết thực
Cuộc thi sáng tạo ý tưởng “Mùa hè nước” 2015 được khởi động từ tháng 3/2015 đã nhận được sự tham gia của 475 ý tưởng đến từ 1.500 sinh viên của các trường đại học, cao đẳng cả nước.
Từ những ý tưởng đó, Ban tổ chức đã chọn được 6 ý tưởng xuất sắc, thiết thực và có tính khả thi cao nhất để áp dụng vào thực tiễn tại các địa phương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Mỗi ý tưởng là một sự sáng tạo, say mê nghiên cứu và trách nhiệm vì cộng đồng của sinh viên các trường đại học, cao đẳng cả nước.
Chứng kiến tận mắt cảnh đồng bào dân tộc phải sử dụng trực tiếp nước từ một con suối bị ô nhiễm nặng ở xã Chư Á (thành phố Pleiku, Gia Lai), nhóm sinh viên Phan Duy Cường, Phạm Quốc Cường, Tôn Nữ Mai Quyên của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã nảy ra ý tưởng xây dựng hệ thống xử lý nguồn nước này thành nguồn nước sạch cho bà con nơi đây.
Với đề tài “Xây dựng hệ thống xử lý nước uống từ nguồn nước giọt” - nhóm sinh viên Phan Duy Cường, Phạm Quốc Cường, Tôn Nữ Mai Quyên được đánh giá cao và đã được triển khai xây dựng cho bà con dân tộc thiểu số của 3 làng Plei Do, Plie Chur, Plei Tơ Quah thuộc xã Chư Á.
Sau hơn một tháng triển khai xây dựng “Hệ thống xử lý nước giọt” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sản phẩm từ hệ thống lọc này là nguồn nước sạch đảm bảo hợp vệ sinh, đã loại trừ các vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh.
Cứ 24 giờ, bể lọc này cung cấp gần 12 nghìn lít nước sạch cho gần 200 hộ dân ở khu vực này. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm chung tay cùng với xã hội góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng của tuổi trẻ cả nước.
Ngoài ý tưởng sáng tạo đã được triển khai và được đánh giá cao của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, 5 ý tưởng sáng tạo đoạt giải còn lại như:
“Hiệp sĩ nước sạch” của nhóm sinh viên Nguyễn Thanh Hậu - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Nguyễn Thị Thu Hiền – Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Lê Phước Lân - Đại học FPT Đà Nẵng là tổ chức dạy học về chủ đề nước đến các trường tiểu học, phát các ấn phẩm truyền thông, tổ chức triển lãm tranh, hoạt động trải nghiệm thực tế;
“Xây dựng bến nghỉ với hệ thống chưng cất nước biển và dự trữ nước mưa” của nhóm sinh viên Lê Thị Mai Trinh (Đại học Ngoại thương Hà Nội) và Đoàn Duy Kiên (Đại học Bách khoa Hà Nội);
“Mang SODIS đến vùng cao” - Khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời của sinh viên Nguyễn Hữu Long (Đại học Khoa học Huế);
“Cù lao Xanh - xây dựng và phát triển cộng đồng tích cực bảo vệ môi trường tại xã đảo Cù Lao Chàm” của CLB sinh viên Đà Nẵng River Watch... cũng sẽ được đưa vào áp dụng thực tế trong thời gian tới nhằm tích cực bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên nước.
Biến ý tưởng thành hiện thực
Cuộc thi sáng tạo ý tưởng “Mùa hè nước” 2015 đến nay mới ở giai đoạn tìm ra những chủ nhân của các dự án xuất sắc, còn việc ứng dụng vào thực tế phải chờ thêm thời gian, nhưng chắc chắn sẽ không quá lâu.
Bằng chứng là cả 3 dự án đoạt giải cao nhất cuộc thi “Mùa hè nước” năm 2014, đều do các bạn trẻ thực hiện, đến nay đều đã có cơ hội ứng dụng những ý tưởng này vào thực tế, tạo nên tác động lan tỏa trong cộng đồng.
Cụ thể, đầu tháng 1/2015, dự án “Hoa trên đảo” chính thức được đưa vào sử dụng tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng) đã nhận được đánh giá cao từ nhà trường, chính quyền địa phương.
Tương tự là dự án “Xây dựng hệ thống thu hồi, xử lý và dự trữ nước mưa”, với sự hỗ trợ kinh phí của Ban tổ chức và sự ủng hộ của người dân, đã mang nguồn nước sạch đến với bà con vùng sâu, vùng xa ở Tây Bắc.
Hay dự án “Học kỳ môi trường” với chủ đề “Tiết kiệm nước để bảo vệ hành tinh của chúng ta” hướng đến những mục tiêu thiết thực: Xây dựng cho trẻ em ý thức bảo vệ, tiết kiệm nước ngay từ nhỏ, linh hoạt hóa mô hình giáo dục môi trường theo phương pháp: Yêu thích - hiểu - hành động - lan tỏa.
Đồng thời, dự án còn tạo môi trường để các em học sinh rèn luyện những kỹ năng mềm như: Thuyết trình, giao tiếp ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề…
Theo đánh giá của bà Ngô Ái Quyên - Giám đốc ngành hàng nước xả vải, Công ty Unilever Việt Nam (nhà tài trợ chính của cuộc thi sáng tạo ý tưởng này):
“Ba dự án được triển khai sau “Mùa hè nước” 2014 đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tuyên truyền giáo dục ý thức tiết kiệm nước sạch tới khoảng 21.000 người.
Năm 2015 này, chương trình nâng cao cả về quy mô và chất lượng với 6 dự án xuất sắc nhất sẽ có cơ hội triển khai thực hiện trong thực tế, áp dụng ngay tại những địa phương đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng.
Chúng tôi mong muốn nuôi dưỡng và thúc đẩy một thế hệ sinh viên không chỉ có ý thức về môi trường mà còn luôn sẵn sàng dùng những hành động nhỏ của mình tạo ra sự thay đổi lớn cho xã hội”.
“Trong đợt tình nguyện Mùa hè xanh năm 2014, nhóm chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh những đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây uống trực tiếp từ một số nguồn nước mà chắc chắn nhiều người trong chúng ta thậm chí không dám dùng để tắm. Nhìn cảnh đó, chúng tôi thấy thương và xót xa quá nên đã nảy ra ý tưởng phải xây dựng một hệ thống xử lý, nhằm giảm lượng vi sinh vật trong nước để bà con sử dụng nguồn nước sạch” – Em Phan Duy Cường, trưởng dự án đề tài “Xây dựng hệ thống xử lý nước uống từ nguồn nước giọt” chia sẻ.