Điểm đặc biệt nguy hiểm là “tội phạm chồng” tỏ ra rất ngây thơ sau mỗi lần gây án với những lời biện minh lãng xẹt “anh tưởng là…” hoặc “anh chả biết tại sao…”, “anh đã làm thế này mà nó lại thế kia…”.
Đã thế lại không hứa hẹn sẽ không tái phạm và đặc biệt là chả mấy khi “đền bù thiệt hại” ngay lập tức (trừ khi phá hỏng những đồ dùng thiết yếu trong nhà mà không có nó một ngày thì không chịu nổi như lò vi sóng, tủ lạnh hay bếp gas).
Hồi mới cưới, cái sự đoảng của chồng được mình diễn giải bằng những tính từ lãng mạn chẳng phù hợp với thực tế tẹo nào khiến chồng thậm chí còn trở nên đáng yêu. Khi chồng không biết (và không thèm biết) việc nội trợ, mình hùa vào cùng mẹ chồng cho rằng chồng quả thật rất “bản lĩnh đàn ông”, không thèm để mắt đến mấy việc bé tí vớ vẩn mà bận làm việc lớn.
Chồng chả quan tâm đến ai trong gia đình, ngoại trừ mấy thú vui của bản thân, mình hớn hở phụ họa chị gái chồng rằng “đúng là trẻ con to xác”. Tóm lại chồng càng lười, càng bẩn, càng vô tâm vợ càng tâm niệm rằng chồng thật ngây thơ, thật thà, “có lớn mà chả có khôn” nên càng phải quan tâm chăm sóc.
Nhưng trong vài năm, nhà mình đã kịp có thêm hai thành viên nhí, chồng từ chỗ là nhân vật chính trong mọi quan tâm của vợ, nay bị gạt ra rìa, đôi khi còn trở thành người thừa vô dụng.
Một ngày xấu trời, mình chợt nhận ra chồng chẳng phải là đứa trẻ to xác nữa, mà đã là bố của hai đứa bé. Ấy thế mà chồng chẳng có gì thay đổi, vẫn ngây thơ… vô số tội như xưa.
Tất cả kiến thức nội trợ của chồng chỉ gói gọn trong việc cắm nồi cơm điện (mà nước thì đổ hú họa khiến cơm lúc như cháo, lúc lại giống cơm rang), có “khuyến mãi” thêm kỹ năng luộc rau, luộc trứng. Vì thế nên hôm nào bận việc về muộn, vợ đinh ninh thực đơn nhà mình nhất định sẽ có hai món rau luộc, trứng luộc (gần đây có khá hơn, chồng đã biết chạy ra ngoài ngõ mua giò và dưa để… đổi món).
Đó là khi chồng được “toàn quyền” việc bếp núc, “thảm họa” chỉ cận kề khi vợ lại trót đảm đang đi chợ từ sáng sớm, rồi từ cơ quan gọi điện về điều khiển từ xa, y như rằng lần nào cũng biến thành những phi vụ nội trợ trứ danh của chồng.
Sáng ngày ra đã vội, nhưng vợ vẫn muốn cầu kỳ một chút, mua thịt chân giò về còn cẩn thận lấy chỉ bó lại cho miếng thịt tròn xoe. Chiều muộn, vợ về nhà thấy chồng có vẻ không vui, than phiền: “Em chả chịu rửa sạch trước khi cho vào tủ lạnh, làm anh mất bao nhiêu công mới làm sạch được miếng thịt này”.
Kết quả là chồng đang tẩn mẩn thái những miếng thịt nát vụn đã được… kỳ công tháo hết chỉ ra trước khi luộc (và cho vào nồi hầm kỹ).
Trong cơn hăng say dọn dẹp nhà cửa, chồng lấy cọ xoong bằng sắt cọ sạch bong sáng bóng hai cái chảo chống dính vợ vừa mua. Lắp van an toàn vào bếp ga thì ấn lấy ấn để làm gẫy cả van.
Cho thịt vào lò nướng thì không chịu rã đông, cho thẳng miếng thịt như cục nước đá vào lò khiến cho cái rơ le “chết” ngay tắp lự, cái lò vừa mua về đã bị xếp xó. Cho thức ăn vào lò vi sóng thì lười không chuyển sang mấy cái khay hay hộp chuyên dụng, khiến cho các loại hộp nhựa chảy ra méo mó, bát đĩa khi vỡ vụn, lúc nổ tung, thức ăn tràn ra tùm lum trong lò.
Là quần áo thì làm cháy cả quần áo lẫn bàn là, hút bụi thì làm vỡ máy, bụi phủ kín nhà, xay cháo cho con thì làm cháy máy xay sinh tố… Cứ thế, khi chồng “ xuất chiêu ” nội trợ, nhiều món đồ vợ phải đắn đo lắm mới dám rước về ngay lập tức thành đồ đồng nát.
Nguy hiểm không kém là lĩnh vực “phạm tội” của chồng rất đa dạng, từ chuyện bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm sóc con cái cho đến chuyện “đối nhân xử thế” với mọi người xung quanh.
Đã tám năm kể từ khi lấy vợ, chồng không ngừng gia tăng tội lỗi, mỗi ngày một nghiêm trọng hơn mà không hề cảm thấy ăn năn hối lỗi. Vì ngoan cố như vậy nên những “vụ án chồng đoảng” ngày càng mang tính chất nghiêm trọng và hậu quả khó lường hơn.
Kết quả: vợ có xu hướng mua những món đồ rẻ tiền về nhà sử dụng, trước khi dự định sẽ đưa ông chồng đoảng này vào quỹ đạo với một chương trình “học tập cải tạo” quy mô bài bản.
Cứ kể tội chồng thế, nhưng mà vẫn cứ yêu!