Có hay không việc lạm dụng phạt hành chính "phạt cho tồn tại" ?
Dự án Khu biệt thự nhà nghỉ cuối tuần và du lịch sinh thái Thanh Xuân (xã Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) được xác định có sai phạm lớn, nhưng sau đó cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính 65 triệu đồng cho các vi phạm.
Điều tra của GD&TĐ cho thấy dự án do Cty cổ phần Thanh Xuân làm chủ đầu tư. Tháng 4/2003 UBND tỉnh Vĩnh Phúc có QĐ chấp thuận dầu tư cho dự án, sau bổ sung là 150,268 ha.
Từ năm 2003 tỉnh Vĩnh Phúc có QĐ 2279/QĐ-UB thu hồi 150,268 ha đất để làm công tác bối thường GPMB cho dự án. Trong đó có hơn 56 nghìn m2 đất nông nghiệp, hơn 1,4 triệu m2 đất lâm nghiệp, hơn 5 nghìn m2 đất ở nông thôn.
Sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung dự án này có tổng diện tích hơn 166,87 ha. Trong đó đất ở dạng biệt thự để bán theo quy hoạch được duyệt là 416.603,47 m2.
Dự án này chậm tiến độ, đang thi công dở dang, chưa hoàn thành các hạng mục: Khách sạn, biệt thự, trung tâm thể thao, điều hành…. Đã hết thời gian tiến độ đầu tư của dự án. Nhưng chủ đầu tư chưa được cấp có thẩm quyền cho gia hạn, giãn tiến độ đầu tư theo quy định.
Cơ quan hữu trách tỉnh Vĩnh Phúc xác định chủ đầu tư dự án này không thực hiện điều chỉnh giãn tiến độ đầu tư và dự án đầu tư theo quy định.
Thanh tra Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc đã xử phạt Cty cổ phần Thanh Xuân số tiền 25 triệu đồng cho hành vi vi phạm. “Mặc dù đã có hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh dự án, tuy nhiên đến nay các nhà đầu tư chưa nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh”- báo cáo ngày 30/6/2021 của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc nêu.
Thanh tra Sở xây dựng Vĩnh Phúc cũng đã xử phạt 40 triệu đồng đối với Cty cổ phần Thanh Xuân do xây dựng một biệt thự không có giấy phép xây dựng.
Một doanh nghiệp khác là Cty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải được xác định có những vi phạm lớn như: Chuyển mục đích sử dụng 5.046,5 m2 đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, chuyển đổi 955,19 m2 đất trồng cây hàng năm sang mục đích đất phi nông nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Sử dụng vượt chỉ giới giao đất 4,9303 ha (khu A); Sử dụng vượt chỉ giới được giao tại khu B 494,3 m2; có 7,87 ha không có giấy phép (bổ sung) hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đại Lải.
Tuy vậy, “doanh nghiệp ông lớn" này đến nay mới chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 86 triệu đồng, khắc phục nộp quỹ trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích trồng rừng sang mục đích khác là hơn 387,3 triệu đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, dư luận tại Vĩnh Phúc cho rằng việc cơ quan hữu trách tỉnh này xử phạt hành vi vi phạm của các doanh nghiệp như đã nêu trên là quá nhẹ nhàng không tương xứng với những gì mà các doanh nghiệp này thu được từ việc cố tình vi phạm mang tính "hệ thống" của doanh nghiệp này.
Hiện nay, các biệt thự ở những dự án này đang được giao bán với giá giao đồng từ hơn 15 đến 30 tỉ đồng (tùy vị trí, diện tích….).
Xem xét trách nhiệm liên quan của các sở ngành
Để tình trạng các doanh nghiệp, nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng chính sách, quy định pháp luật khi tiến hành đầu tư các dự án tại hồ Đại Lải, Vĩnh Phúc, có trách nhiệm của các đơn vị, sở ngành trong bộ máy công quyền của tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại văn bản số 7113, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở TN&MT, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND TP. Phúc Yên, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh và Giám đốc Cty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên phải tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Tìm hiểu của GD&TĐ cho thấy UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định rõ trách nhiệm của Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc là chưa kịp thời kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật.
Sở TN&MT Vĩnh Phúc được xác định không kịp thời kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm trong việc sử dụng đất của các chủ đầu tư dự án xung quanh hồ Đại Lải.
Sở này được giao phối hợp với Sở NN&PTNT kiểm tra, thống nhất xác định hành vi vi phạm đối với việc sử dụng đất nằm ngoài phạm vi đất được giao thực hiện dự án, diện tích 11,579 ha. Trong đó Cty TNHH Đại Lải- Việt Nam 5,03 ha; Cty TNHH Đạt Tiến là 1,56 ha; Cty cổ phần Hồng Hạc Đại lải là 4,989 ha.
Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc được xác định chưa kịp thời phát hiện việc san gạt tạo mặt bằng của các chủ đầu tư dự án khu vực sát với hồ Đại Lải nằm trong phạm vi vùng phụ cận của hồ chứa khi thi công chưa được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Thủy lợi.
Tuy nhiên, đến nay việc xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể này đã được các bên liên quan tiến hành như thế nào vẫn chưa được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công khai, minh bạch. Thiết nghĩ nếu tất cả các sai phạm mang tính "hệ thống" của các doanh nghệp nêu trên không được xử lý dứt điểm, công khai minh bạch, thượng tôn pháp luật mang tính răn đe ...bắt buộc khắc phục lại nguyên trạng ban đầu mà chỉ áp dụng các chế tài hành chính "phạt cho tồn tại" thì không những khu vực hồ Đại Lại mà tất cả các dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục, cố tình vi phạm rồi "xin xử phạt hành chính" để trục lợi.