Những vấn đề đặt ra về tự chủ đại học đối với Đại học Vùng

GD&TĐ - Ngày 27/9, tại Đại học Thái Nguyên đã diễn ra tọa đàm khoa học với chủ đề tự chủ đại học thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với Đại học Vùng.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Tọa đàm.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có ông Phan Văn Long, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Đắc Hưng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề; bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên.

Về phía Đại học Thái Nguyên có GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Trần Viết Khanh, PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên cùng đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Đại học Thái Nguyên.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên khẳng định: "Tính chất tự chủ của một trường đại học dần được thể hiện rõ, trở lại nguyên bản tinh thần sáng tạo. Trong thực tiễn đã xuất hiện nhiều vấn đề nảy sinh khi thực hiện tự chủ đại học, các vấn đề này cần phải được tổng kết, phản ánh và trở thành định hướng tiếp theo của các đơn vị quản lý nhà nước".

Trên tinh thần trao đổi dân chủ, xây dựng và thẳng thắn, GS.TS Phạm Hồng Quang mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đơn vị tích cực cung cấp thông tin, phản ánh khách quan tình hình tại đơn vị, từ đó tìm ra những vấn đề có tính chất quy luật, đóng góp cho ngành giáo dục nói chung cũng như giáo dục đại học nói riêng đặc biệt là mô hình đại học hai cấp.

Ông Nguyễn Đắc Hưng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu trao đổi.

Ông Nguyễn Đắc Hưng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu trao đổi.

Với chủ đề “Vai trò của quản lý nhà nước trong tự chủ đại học”, GS.TS Phạm Hồng Quang đã đưa ra bài học về tự chủ đại học tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore; thách thức tự chủ đại học tại Việt Nam hiện nay…

Từ đó đưa ra 4 đề xuất và 5 kiến nghị để tự chủ đại học được triển khai một cách đồng bộ, thực chất và đúng hướng: Nhận diện đúng giá trị của giáo dục đại học trong chiến lược phát triển bền vững; Quy hoạch, đầu tư, thiết chế (cho chủ thể đại học)…và đặt hàng, yêu cầu, đánh giá; Định lượng giá trị nguồn lực “chất lượng cao” với sự tăng trưởng, phát triển bền vững do giáo dục đại học đem lại…; Chuyên nghiệp cao độ trong quản trị đại học (đối xử theo đặc tính hoạt động); Hệ thống quy định, pháp luật để khơi dậy tính chất thúc đẩy sáng tạo hơn là cấm).

Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận xoay quanh vấn đề "cách thức tự chủ đại học ở Việt Nam, cơ hội và thách thức tự chủ đại học trong giai đoạn hiện nay; mối quan hệ giữa Đảng ủy, Ban Giám hiệu và Hội đồng trường trong các trường đại học ở Việt Nam; vấn đề tự chủ đại học trong mô hình đại học hai cấp; vấn đề đào tạo, tuyển sinh, mở ngành trong công tác tự chủ…"

Tọa đàm khoa học Tự chủ đại học thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với Đại học Vùng.

Tọa đàm khoa học Tự chủ đại học thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với Đại học Vùng.

PGS.TS Hà Trần Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cho biết: Công tác tự chủ đại học của Nhà trường đang từng bước được thực hiện, cơ cấu tổ chức đã cơ bản được hoàn chỉnh theo quy định của luật. Nhà trường đã từng bước tự chủ được về học thuật, chuyên môn, về biên chế tổ chức bộ máy và về tài chính.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại khó khăn, đòi hỏi tập thể lãnh đạo nhà trường, viên chức và người lao động phải đồng lòng, chung sức vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, một số văn bản chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành nên việc thực thi các nhiệm vụ về tự chủ đại học trong các cơ sở giáo dục đại học còn gặp khó khăn; Nguồn lực tài chính của các trường chủ yếu phụ thuộc học phí của người học nộp, phần kinh phí này cơ bản chỉ đáp ứng được kinh phí chi thường xuyên.

PGS.TS Ngô Như Khoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, có cơ chế phù hợp để các trường được tự chủ một phần số lượng người lao động làm việc tại các đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ và chuẩn bị đội ngũ giảng viên cho tương lai, có văn bản hướng dẫn để các trường đại học huy động được các nguồn lực từ xã hội cho đầu tư phát triển trường, phát triển được các loại hình dịch vụ phục vụ người học, các hoạt động sản xuất trong trường để hỗ trợ cho công tác đào tạo, nhất là thực hành, thực tập.

Kết luận tại Tọa đàm, ông Phan Văn Long – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề Ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến trao đổi, đóng góp của các đại biểu dự tọa đàm. Những ý kiến nêu ra từ thực trạng triển khai tự chủ đại học tại Đại học Thái Nguyên cũng như các đơn vị sẽ được tổ thư ký tổng hợp và báo cáo với lãnh đạo Ban cũng như các cơ quan chức năng chuyên môn, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn đối với các cơ sở trong vấn đề tự chủ đại học, đặc biệt là mô hình đại học hai cấp ở Việt Nam hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.