Những trường hợp tự phẫu thuật hi hữu

GD&TĐ - Khi lâm vào những tình huống ngặt nghèo, người ta buộc lòng phải tự phẫu thuật để giải cứu cho chính mình. Dù kết quả tốt hơn hoặc xấu hơn, những ca tự giải phẫu diễn ra gần đây hoặc xa xưa đều là những khoảnh khắc thập phần nguy hiểm.

Jerri Nielsen
Jerri Nielsen

1. Deborah Sampson: Tự mổ lấy đạn

Ở tuổi 22, Deborah Sampson, làm nghề giáo viên và thợ dệt vải, đã đăng ký nhập ngũ và chiến đấu trong Cuộc chiến Cách mạng Mỹ dưới cái tên nam giới “Timothy”.

Khi đăng ký, cô bị phát hiện và bị cộng đồng tôn giáo xa lánh khiến cô phải xin lỗi. Vài tháng sau cô lại đăng ký lần nữa và được ở trong quân ngũ một năm rưỡi.

Trong một trận chiến, Sampson bị trúng hai viên đạn hỏa mai ghim vào đùi, vết thương gây chảy máu, nhưng cô từ chối đi bệnh viện. Cô đã dùng con dao nhỏ cắt vào chân và lấy ra được một viên đạn. Viên đạn còn lại nằm quá sâu, một bên chân của cô không bao giờ có thể phục hồi được. Cô bị bệnh hết một năm, lý lịch của cô bị bại lộ.

May mắn, Sampson nhận được giấy chứng nhận miễn trừ danh dự và sau đó cô sinh ba đứa con. Cô đã đọc ba bài thuyết trình về câu chuyện của mình nhưng chưa bao giờ được giàu có.

Về sau, chính ông John Hancock, thống đốc bang Massachusetts, đã ký duyệt đơn thỉnh cầu của Sampson cho bà hưởng lương hưu của quân đội. Sampson là một trong số rất ít những phụ nữ vào thời đó có những vết sẹo trong chiến đấu.

2. Douglas Goodale: Ngư dân dũng cảm

Vào cuối những năm 1990, khi Goodale 32 tuổi và đã trải qua tám năm hành nghề nguy hiểm- nghề ngư dân thương mại, anh đã bị mất một cánh tay trong một tai nạn suýt chết.

Lần nọ, một mình trên chiếc tàu đánh bắt tôm càng dài 6,7m, ống tay áo của anh bị kẹt vào trục tời kéo dây thừng. Bàn tay và cánh tay của anh bị kẹp chặt vào trục.

Goodale không còn lựa chọn nào khác, anh dùng con dao cắt lìa cánh tay của mình từ chỗ khủy tay. Sau đó anh lái tàu cặp bến và được đưa tới bệnh viện. Cánh tay của anh không thể cứu được nữa, nhưng sau khi bị tai nạn, anh lại sớm trở lại với công việc.

3. Jerri Nielsen: Tự sinh thiết khối u

Năm 1998, Jerri Nielsen là một bác sĩ người Mỹ thuộc Phòng Cấp cứu, phục vụ tại Trạm Nam Cực Amundsen-Scott ở Nam Cực, nơi mùa đông kéo dài sáu tháng chìm trong bóng tối.

Vào thời điểm tệ nhất, Nielsen phát hiện một khối u trong ngực của mình. Hội chẩn qua video với các bác sĩ khác, bà đã tự thực hiện hai lần sinh thiết, cắt bỏ một phần khối u để xét nghiệm. Nhân dịp Quỹ Tài trợ Khoa học Quốc gia thả hàng không vận tiếp tế và thuốc men, Nielsen đã gửi trở lại bản xét nghiệm, xác nhận rằng các tế bào của bà là ung thư.

Nielsen đã tự hóa trị cho đến khi bà được cứu hộ. Trong vài tháng sau đó bà đã trải qua mấy lần phẫu thuật. Bà đã trở thành một diễn giả cho đến lúc qua đời vì bệnh ung thư năm 2009, khi căn bệnh đã di căn sang não, gan và xương.

4. Inés Ramírez Pérez: Tự mổ lấy con

Có lẽ đây là trường hợp duy nhất một người phụ nữ đã thực hiện ca mổ Cesar (mổ lấy thai) cho chính mình. Inés Ramírez Pérez là một phụ nữ người Mexico ở Oaxaca. Cô hoàn toàn chưa từng qua một khóa huấn luyện y khoa nào. Cô có sáu đứa con. Ở Oaxaca, trong số năm phụ nữ sinh con thì có một không đi nhà bảo sanh hay bệnh viện.

Cô nói: “Tôi đã không thể chịu đựng nổi đau đớn thêm nữa. Nếu em bé của tôi bị chết, thì tôi cũng quyết định chết theo. Nhưng nếu cháu có cơ hội còn sống, tôi cũng sẽ cùng sống với con tôi”. Chỉ có một mình và không có thuốc giảm đau, cô uống một ít rượu mạnh, sau đó cầm con dao làm bếp dài 15cm cố gắng cắt vào bụng mình ba lần.

Kỳ diệu thay, cô không bị chết, bị xuất huyết, bị sốc hay cắt lận vào ruột mình. Cuối cùng cô cũng lấy được bé trai sơ sinh ra khỏi dạ con, cắt cuống nhau và ngất xỉu.

Khi tỉnh dậy, một y sĩ trong làng đã dùng kim chỉ khâu lại đường cắt của cô. Tới 16 giờ sau cô mới được đưa đến bệnh viện. Cô bị tổn thương ruột, nhưng không có tổn thương nào kéo dài.

5. Amanda Feilding: Tự khoan xương sọ

Amanda Feilding là một nghệ sĩ người Anh và là nhà chủ trương cải cách chính sách sử dụng ma túy.

Feilding quan tâm đến vấn đề nhận thức của con người, các tác dụng của cây gai dầu, MDMA (thành phần chính của thuốc lắc).

Bà đã hai lần ứng cử vào Quốc hội Anh với tuyên ngôn “Khoan xương cho sức khỏe quốc gia” và mỗi lần chỉ nhận được một số ít phiếu bầu.

Trepanation (khoan xương sọ) là một phương pháp cổ nhằm khoan một lỗ vào xương sọ để xoa dịu bệnh thần kinh cho bệnh nhân.

Để hỗ trợ cho nghiên cứu Trepanation, bà Fielding đã thực hiện một phim tài liệu mang tên “Nhịp đập trong não bộ”, trong phim bà thực hiện cuộc giải phẫu bằng cách dùng một cái khoan của nha sĩ khoan vào xương sọ của chính bà.

Năm đó bà mới 27 tuổi. Feilding cho biết phương pháp này đã xoa dịu chứng hồi hộp, có thể đó là một tác động placebo (an thần). Khi Feilding chiếu phim này ở New York, một số khán giả đã bị sốc.

6. Evan O’neill Kane: Ba lần tự phẫu thuật

Bác sĩ Kane nổi tiếng nhất với thành tích là người đầu tiên tự cắt bỏ ruột thừa của mình ở tuổi 60 trong tình trạng gây tê cục bộ. Không giống như mọi người, Kane đã tự thực hiện thủ thuật cắt bỏ ruột thừa cho vui và để “quan sát”.

Năm 1919, hai năm trước vụ mổ ruột thừa, ông đã tự cắt một ngón tay bị nhiễm trùng. Năm 1932, trong vòng hai giờ, ông đã giải phẫu thành công chứng thoát vị bẹn (inguinal hernia) của ông.

Kane cũng phát minh ra đèn giải phẫu, và là một trong những người đầu tiên sử dụng âm nhạc khi giải phẫu. Ông ủng hộ việc xăm cho trẻ sơ sinh để dễ nhận dạng, và đã giúp con trai của ông được trắng án trong một vụ án sát nhân nổi tiếng.

7. Joannes Lethaeus (Jan De Loot): Vụ tự phẫu thuật cách đây hơn 360 năm

Bức tranh được thực hiện năm 1655 của họa sĩ Carel de Savoyen, vẽ anh thợ rèn Jan de Loot một tay cầm dao, một tay cầm viên sỏi thận. Đó là Jan de Loot, còn có tên là Joannes Lethaeus, người đã tự thực hiện ca phẫu thuật lấy ra viên sỏi trong người mình.

Lúc làm việc đó, quyết định không để ai khác biết chuyện, anh gửi vợ ra ngoài chợ cá. Chỉ có một người anh bên cạnh trợ giúp, Loot mò đúng vị trí viên sỏi bằng tay trái và can đảm dùng dao cắt vào vùng đáy chậu (nằm giữa hậu môn và bộ phận sinh dục). Anh đứng lên ngồi xuống vài lần đủ để vết thương dài ra, cho phép viên sỏi di chuyển.

Muốn lấy viên sỏi ra càng khó hơn, anh phải chọc hai ngón tay vào vết thương để đẩy nó bật ra ngoài. Kết quả bàng quang của anh bị rách. Anh được đưa đến y sĩ để khâu cho hai bên vết thương khép vào nhau. Viên sỏi nặng kỷ lục, tới 113g và lớn bằng quả trứng gà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.