Những điều kỳ diệu của y học

GD&TĐ - Có những bệnh nhân xác định phải chung sống với bệnh cả đời. Cũng có người không còn hy vọng cứu chữa. Nhưng sự tiến bộ của y học cùng với kiến thức và sự tài tình, khéo léo của đôi bàn tay, các bác sĩ đã mở ra một cơ hội, một cuộc đời mới cho nhiều người. 

Những điều kỳ diệu của y học

Thành công của mỗi ca phẫu thuật trên đã đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bệnh nhân, gia đình và cả ê kíp gây mê, phẫu thuật, hậu phẫu…

Căn bệnh không ngờ

Khối u nặng 3kg chiếm toàn bộ ổ bụng của cậu bé 4 tuổi khiến việc di chuyển của bé gặp khó khăn. Kết quả thăm khám cho thấy, khối u có kích thước lớn, gắn kết động mạch chủ ở bụng và các bó mạch chủ hai bên, niệu quản thành một khối. Theo nhận định ban đầu của bác sĩ, sẽ rất khó bóc tách từng phần và bệnh nhi đối mặt với nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ bởi bé còn nhỏ, nguy cơ tổn thương mạch máu lớn…

Lấy lại dáng đi ban đầu là nỗi trăn trở của người đàn ông 35 tuổi ở Nghệ An. Trước đó, do sơ suất, anh bị tai nạn lao động khiến ống xương chân bị dập. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng di chứng để lại khiến đôi chân không còn như trước. Nhiều năm tìm hiểu, gõ cửa không ít bệnh viện nhưng mong ước lấy lại dáng đi như người bình thường khác dường như vẫn xa vời.

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Câu nói của người xưa cho thấy tầm quan trọng của đôi bàn tay trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng tai nạn lao động, sinh hoạt khiến nhiều người mất đi bàn tay, cánh tay hay ngón tay. Đây thực sự là áp lực bởi họ không biết xoay sở ra sao để cầm nắm đồ vật trong sinh hoạt hàng ngày cũng như lao động sản xuất.

Bệnh nhi mắc tim bẩm sinh thể nặng hoặc thai nhi dính liền từ trong bụng mẹ thực sự là nỗi sợ với nhiều gia đình. Điển hình như cặp song sinh dính liền Lê Thị Thu Cúc - Lê Thị Thúy An (Thanh Hóa) có chung nhiều bộ phận như gan, đường tiêu hóa, màng tim, cơ hoàng và xương ức. Nếu không phẫu thuật tách rời, việc chăm sóc bé gặp khó khăn và không ai dám chắc hai bé sẽ phát triển như thế nào. Tuy nhiên, việc tách rời hai bé cũng đối mặt với nhiều trở ngại bởi ngoài việc chung nhiều bộ phận, một bé còn bị tim bẩm sinh nên theo tiên lượng của bác sĩ trước khi mổ, khả năng sống của cả hai bé sau phẫu thuật là 50%, trường hợp chỉ cứu sống một trong hai bé thì cơ hội sống là 70%...

Sửa lại lỗi của tạo hóa

Để chữa lại sai lầm trên của tạo hóa, bệnh nhân phải trải qua ca đại phẫu thuật kéo dài từ vài tiếng đến cả chục tiếng. Xác định lên bàn mổ đồng nghĩa với việc đối mặt với nguy cơ tai biến có thể xảy ra. Nếu ca mổ thành công, bệnh nhân cũng phải chịu nhiều đau đớn trong thời gian hậu phẫu và di chứng sau này. Về phía bác sĩ, áp lực cũng không hề nhỏ bởi bao hy vọng, gia đình, bệnh nhân đều đặt vào họ.

Mới đây, trên trên trang cá nhân của mình, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ về cuộc gặp với hai bố con người New ZeaLand. Người con từng là bệnh nhân của ông 10 năm trước, nay có dịp sang Việt Nam, người bố dẫn con mình đến gặp bác sĩ để cám ơn bởi “ông đã cứu cháu và mang lại hạnh phúc cho gia đình tôi”.

Trước đó, bác sĩ Liêm cũng nhận được tin nhắn hỏi thăm của chị em Cúc - An. Tin nhắn tuy đơn giản nhưng gợi nhớ cho bác sĩ về ca phẫu thuật tách rời 2 bé từ năm 2003. Lúc đó, dù gia đình còn băn khoăn bởi sức khỏe hai bé đều yếu, không ai dám chắc sau phẫu thuật hai bé sẽ ra sao trong khi phí phẫu thuật quá lớn nhưng được sự động viên của bác sĩ Liêm, gia đình đã đưa 2 bé ra bệnh viện để bác sĩ chăm sóc, theo dõi và quyết định ngày mổ. Thành quả của ca phẫu thuật có tới 30 chuyên gia tham gia, kéo dài nhiều tiếng đồng hồ là hai thiếu nữ Cúc - An khỏe mạnh, xinh đẹp và học giỏi.

Một ca mổ thành công ngoài mong đợi gần đây là việc phẫu thuật cắt bỏ khối u chiếm hết phần bụng cho bệnh nhi 4 tuổi. Trước khối u to bất thường, đã có ý kiến nên chọc sinh thiết trước, cũng có ý kiến bàn lùi nhưng trước quyết tâm của gia đình, các bác sĩ Bệnh viện K đã bóc toàn bộ khối u, bảo vệ toàn bộ tạng trong ổ bụng cháu bé. Sau 6 giờ đấu tranh giành sự sống cho bé, ê kíp đã thở phào nhẹ nhõm bởi sức khỏe bệnh nhi dần ổn định. Cho dù bé phải trải qua một vài ca tiểu phẫu để hoàn chỉnh nhưng bác sĩ tin rằng, sức khỏe, cuộc sống của bé sẽ tốt hơn nhiều.

Với trường hợp mong muốn tìm lại dáng đi của mình, sau 10 năm, bệnh nhân 35 tuổi ở Nghệ An đã may mắn gặp được bác sĩ mát tay tại Bệnh viện Nhân dân 115. Sau kiểm tra hệ thống gân, cơ, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật tái tạo gân gót, nới thả gân cơ nhằm phục hồi chức năng vận động, đồng thời vật lý trị liệu để bước đi nhuần nhuyễn như bình thường. Bệnh nhân đã vỡ òa hạnh phúc khi bác sĩ giúp anh bỏ lại mặc cảm, tự tin sau nhiều năm đeo bám.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.