Những trường học “dương thịnh, âm suy“

GD&TĐ - Chuyện học sinh nam áp đảo trong các trường học hiện nay đã trở thành phổ biến. Nhiều giáo viên đau đầu vì tình trạng "dương thịnh, âm suy" của lớp mình khiến việc quản lý khó khăn hơn.

Những trường học “dương thịnh, âm suy“

Lớp học bị "nam hóa"

Chị Hằng (Ba Vì, Hà Nội) tâm sự câu chuyện về cô con gái đang học lớp 3 mà theo chị không biết nên vui hay buồn. Ngay ngày đầu dẫn con đến nhập học, chị đã "choáng" vì quay lên, quay xuống toàn là học sinh nam. Hỏi cô thì được biết cả lớp chỉ có hai "mì chính cánh".

Tuần đầu tiên, đến đón con, chị xót xa khi con gái vừa mếu máo vừa chỉ chỗ đầu gối bị xước rớm máu do bạn trai ngáng chân ngay ngoài hành lang. Tức tốc đến hỏi cô giáo chủ nhiệm thì cô cũng "vò đầu bứt tai": "Khổ quá chị ơi, chưa bao giờ em chủ nhiệm một lớp lại toàn học sinh nam như thế này. Các cháu nghịch quá, quản không nổi chị ạ".

Cứ thế, trong ba tháng đầu tiên, hầu như tuần nào cũng có chuyện, nào là con bị bạn giật tóc; bị vẽ vào vở, vào áo đồng phục... Chị bắt đầu hoang mang và tính xin chuyển cho con đi lớp khác.

Tỉ suất giới tính khi sinh ở Việt Nam luôn ở mức cao, tăng nhanh và ngày càng lan rộng. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra cả ở thành thị và nông thôn, nhiều vùng địa lý. Một số tỉnh có tỉ suất giới tính khi sinh ở mức rất cao.

Tính đến thời điểm này, có 10 tỉnh có tỉ suất giới tính khi sinh cao, nhất là Quảng Ninh với 124,4; Hưng Yên 119,5; Lào Cai 118,4; Hải Dương 118,3; Bắc Ninh 117,8, Sơn La 117,6; Hà Nội 117,3; Lạng Sơn 117,1; Tuyên Quang 116,9; Hòa Bình 116,7.

Nhưng kỳ lạ là đến tháng thứ tư thì tình hình khác hẳn, cô con gái bỗng dưng rất vui vẻ, thích đi học, nhưng lại không bao giờ tâm sự với mẹ về chuyện ở trên lớp nữa. Công việc bận rộn nên thấy con thay đổi tích cực như vậy, chị cũng mừng và không còn bận tâm nhiều về chuyện học hành của con.

Cho đến một hôm, đến đón con, cô giáo chủ nhiệm kéo chị ra một góc. Thông tin của cô khiến chị thực sự choáng váng: Bây giờ lớp mình không phải 49 mà là 51 bạn trai rồi chị ơi. Hai bạn nữ bị "nam hóa", cũng nhảy lên bàn, lên ghế la hét, quậy tưng bừng; nhiều khi lại là đầu trò, nghĩ ra đủ trò tai quái trong lớp học.

"Đến nước này thì tôi không thể chần chừ được nữa, dù khó đến mấy tôi cũng xin chuyển cháu sang lớp khác" - chị Hằng chia sẻ.

Học sinh nam chiếm đa số trong các lớp học hiện nay đã là chuyện rất phổ biến. Ông Lưu Luyến - Trường phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên (Hà Nội) thừa nhận thực trạng mất cân bằng giới tính trong các trường học trên địa bàn theo hướng học sinh nam áp đảo, nhưng cũng cho rằng, tỷ lệ học sinh nam/nữ trên địa bàn chưa phải chênh lệch cao nhất trong thành phố.

Mới đây, trong Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011- 2015, ông Tạ Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết:

Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đang ở mức cao hơn mức trung bình của cả nước với (114,5 trẻ trai/100 trẻ gái), trong khi toàn quốc là 112,7/100. Một số quận, huyện có tỷ số giới tính cao như Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ba Vì, Thường Tín, tỷ lệ lên tới trên 120/100.

Hậu quả khôn lường

Cũng khẳng định hiện tượng "dương thịnh, âm suy" trong các trường học hiện nay là phổ biến, thạc sỹ, bác sỹ Mai Xuân Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục – Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) - cho biết: Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh là vô cùng nghiêm trọng.

Thứ nhất, tăng tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) dẫn tới "thừa nam giới, thiếu nữ giới" trong độ tuổi kết hôn, dẫn đến vỡ cấu trúc gia đình. Số lượng nam giới không có khả năng kết hôn tăng.

Theo dự báo, tùy theo mức độ can thiệp, đến năm 2050, chênh lệch giữa số lượng nam và nữ từ 2,4 đến 4,3 triệu người.

Thứ hai, làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm. Tỉ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao. Tình trạng bạo hành giới, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em sẽ gia tăng.

"Nếu việc giải quyết tích cực, hiệu quả, chúng ta sẽ giảm được tỉ lệ 2,4 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Điều này còn phụ thuộc vào sự chung tay của cộng đồng xã hội" - Thạc sĩ, bác sĩ Mai Xuân Phương.
 Theo thạc sỹ, bác sỹ Mai Xuân Phương, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng giới tính sau khi sinh tại Việt Nam, như:

Tư tưởng nho giáo, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển; do nhu cầu phát triển kinh tế của mỗi gia đình đòi hỏi sức lao động cơ bắp của nam giới; chuẩn mực mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 - 2 con tạo áp lực các cặp vợ chồng mong muốn có ít con lại mong có con trai; vấn đề bất bình đẳng giới chưa được giải quyết thỏa đáng nên một số phụ nữ đã chủ động tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính; lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ thực hiện lựa chọn giới tính..

"Việc ưu chuộng con trai ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, và trở thành một phần của nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Chính vì vậy, ưa chuộng con trai là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam" - thạc sỹ, bác sỹ Mai Xuân Phương nhấn mạnh.

Nhận thức được điều này, thạc sỹ, bác sỹ Mai Xuân Phương cho rằng, chúng ta cần có những giải pháp sau:

Truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, những người có uy tín trong cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội,...đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả truyền thông vận động trực tiếp về mất cân bằng giới tính khi sinh tới cộng đồng;

Thực hiện giáo dục bình đẳng giới trong và ngoài nhà trường phù hợp với từng cấp học nhằm định hình các giá trị về bình đẳng giới và giáo dục cho thế hệ trẻ;

Các chính sách khuyến khích hỗ trợ, xây dựng và thử nghiệm các chính sách mang lại lợi ích trực tiếp cho các gia đình sinh con gái, và hệ thống chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt là trẻ em gái trong các gia đình sinh con một bề là gái;

Bổ sung và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, đẩy nhanh sự chấp nhận các giá trị bình đẳng giới trong đời sống gia đình và xã hội;

Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi thông qua nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ các quy định pháp luật về nghiêm cấm lực chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ Y tế.

"Chúng ta cũng cần tăng cường hiệu lực hiệu qủa công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các quy định về lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, nghiên cứu khoa học và đào tạo, thiết lập hệ thống thông tin nhằm thu thập, xử lý và phân tích về kiểm soát tỉ suất giới tính khi sinh" - thạc sỹ, bác sỹ Mai Xuân Phương nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ