Ngành luật có muôn vàn những nghề khác nhau, chẳng hạn như: Giảng viên tại các cơ sở đào tạo luật, nghiên cứu sinh về pháp luật, luật sư, công an, kiểm sát viên, thẩm phán, thừa phát lại, công chứng viên…
Tuy nhiên, dù ở bất cứ nghề nào trong ngành luật, người học và hành nghề luật cũng sẽ gặp nhau ở một số điểm chung trong nét tính cách. Những nét tính cách này là cần có để giúp một người học luật, làm luật đạt được thành công trong sự nghiệp học luật và hành nghề luật của mình. Sau đây là một số nét tính cách, phẩm chất cho thấy bạn là người phù hợp với ngành luật.
Bạn có một niềm đam mê, yêu thích pháp luật và kiến thức liên quan đến pháp luật
Tương tự như bất cứ ngành nghề nào khác, hầu hết những người học tập và làm việc đúng với niềm yêu thích, đam mê của mình thường có tỉ lệ thành công rất cao. Bởi khi đó, bạn sẽ không cho phép mình bỏ cuộc, luôn sẵn sàng tiếp nhận công việc trong trạng thái vui tươi, hào hứng. Bên cạnh đó, niềm đam mê cũng chính là động lực thúc đẩy bạn vượt qua mọi rào cản khó khăn, dám đương đầu với thử thách và luôn cảm thấy hứng thú trong quá trình học Luật. Vậy nên, niềm đam mê là yếu tố quan trọng đối với ngành Luật giúp ta khám phá được những tiềm năng, thế mạnh còn ẩn giấu của bản thân.
Làm thế nào để biết bản thân là một người thích luật?
Sau đây là một số gợi ý cho thấy bạn là một người yêu thích học và làm nghề luật:
Bạn thường xuyên theo dõi thông tin pháp luật hoặc đời sống trên báo chí.
Bạn thích những bộ phim, tiểu thuyết hoặc truyện có sự tham gia của các nhân vật luật sư, thẩm phán, viện kiểm sát hoặc thám tử “Sherlock Homes”, “Conan”, “Nữ luật sư kỳ lạ”, “12 Angry man”…
Bạn thường xuyên đọc các vụ án được công bố trên trang thông tin điện tử của Toà án.
Bạn thích luôn nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn đa chiều, luôn có chính kiến riêng của bản thân.
Bạn là người yêu thích sự logic, luôn luôn rèn luyện tư duy trí não
Có nhiều quan điểm cho rằng, muốn học Luật giỏi cần phải có khả năng ghi nhớ tốt. Điều này là đúng nhưng chỉ ghi nhớ tốt thôi thì chưa đủ. Một trong những tố chất quan trọng để thành công trong ngành Luật nằm ở chính sự tư duy. Khi đứng trước một vấn đề, người học Luật không chỉ tiếp nhận sự việc một cách thụ động mà bên cạnh đó còn đưa sự việc ra để phân tích, đánh giá sau đó ngay lập tức có thể vận dụng kiến thức để chọn lọc, xâu chuỗi, tìm ra căn cứ nhằm phán đoán đúng sai và đưa ra kết luận để giải quyết. Khi học tập và làm việc trong ngành Luật, chắc chắn bạn không thể thiếu tố chất này.
Bạn là người luôn cần cù và ham học hỏi
Khi học luật và làm nghề luật, người học và người làm chắc chắn phải tiếp xúc với rất nhiều thông tin tài liệu bao gồm kiến thức trên giáo trình, kiến thức trong luật và các văn bản dưới luật, hồ sơ, chứng từ tài liệu trong quá trình làm việc… Để giải quyết được vấn đề pháp lý, bạn buộc phải nắm được tất cả các kiến thức trong các tài liệu liên quan. Vậy nên, sự cần cù và ham học hỏi sẽ thôi thúc bạn chủ động tìm hiểu thêm kiến thức, liên tục trau dồi kinh nghiệm, không ngừng tư duy tìm ra vấn đề dưới góc độ pháp luật. Từ đó, giúp các bạn tiến gần hơn với những kiến thức phong phú từ thế hệ đi trước và tiến bộ hơn trong quá trình học tập.
Bạn có khả năng thuyết phục và biết lắng nghe
Đây là tố chất cần thiết và quan trọng để trở nên thành công trong nghề Luật. Bởi người học Luật luôn biết cách vận dụng lí lẽ và khả năng ăn nói để thuyết phục người khác. Bên cạnh đó, nếu biết cách lắng nghe, ta không chỉ thấu hiểu được hoàn cảnh của khách hàng (đối với người hành nghề luật), thu nhận được những thông tin chính xác mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người xung quanh.
Những tố chất đặc biệt được kể trên sẽ phần nào giúp bạn dễ dàng nhận ra bản thân mình hay bạn bè xung quanh có thích hợp với ngành Luật hay không. Nếu thấy mình chưa có đủ những tố chất trên thì bạn cũng đừng quá lo lắng nhé! Vì chỉ cần bạn có “niềm đam mê” cùng với sự quyết tâm cố gắng, khi đã đậu vào ngành Luật, thầy cô và môi trường đào tạo sẽ giúp cho sinh viên tự rèn luyện những tố chất còn thiếu sót. Mỗi cá nhân sẽ có nhiều cơ hội để trau dồi và tích lũy mỗi ngày, dần dần hoàn thiện bản thân và đạt được thành công trong lĩnh vực ngành nghề này.