Những tiếc nuối ở hai bộ phim về Trịnh Công Sơn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi Galaxy thông báo về việc sẽ có 2 bộ phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn cùng khởi chiếu đã có nhiều tranh cãi nổ ra.

Phim nhận được nhiều khen chê trái chiều của khán giả.
Phim nhận được nhiều khen chê trái chiều của khán giả.

Quả thực, cuối cùng, bản phim 95 phút “Trịnh Công Sơn” đã rút khỏi tất cả hệ thống rạp do doanh thu kém hơn bản phim 136 phút “Em và Trịnh”.

Phương thức ít có tiền lệ

Phim “Trịnh Công Sơn” (95 phút) mang đến câu chuyện về thời thanh xuân của cố nhạc sĩ. Phim chứa đựng tinh thần thời hoa niên đầy nhiệt huyết, những rung động đầu đời và mối tình sâu sắc nhất. Bên cạnh đó là những trăn trở thời cuộc của người thanh niên yêu hòa bình.

Bộ phim được giới thiệu là một lát cắt khác để người xem hiểu thêm về con đường ông trở thành tượng đài của tân nhạc Việt Nam. Trong khi đó, “Em và Trịnh” (136 phút) là phiên bản mở rộng và tập trung vào Trịnh Công Sơn giai đoạn trung niên, trầm lắng đầy tâm tư về tình yêu và âm nhạc trải dài suốt cuộc đời.

Theo nhà biên kịch Phạm Nguyễn, đây là phương thức làm phim khá lạ lùng và trên thế giới cũng rất ít có tiền lệ. “Theo tôi, khi làm một bộ phim, các nhà sản xuất chỉ tập trung cho nội dung bộ phim đó, hiếm khi làm song song cả hai bộ phim.

Bởi như thế sẽ không thể dàn trải bối cảnh, dàn trải kịch bản. Và ngay cả diễn viên cũng không thể tập trung trong việc đầu tư cho diễn xuất ở cả hai bộ phim”, nhà biên kịch nói.

Tuy nhiên, sau 5 ngày chiếu sớm, nhiều khán giả cho rằng phải xem lại cách phát hành của nhà sản xuất. Bởi dù cách kể chuyện có khác đi chăng nữa thì nội dung hai phim vẫn trùng lặp quá nhiều.

Lý giải về việc rút phim “Trịnh Công Sơn” khỏi rạp, đại diện truyền thông của Galaxy cho biết: “Quy luật thị trường, phim nào chiếu tốt sẽ trụ rạp và phim nào ít được lựa chọn hơn sẽ nhường suất cho phim còn lại.

Nhận thấy bản phim “Trịnh Công Sơn” có lựa chọn từ khán giả ít hơn, nhà sản xuất quyết định chỉ chiếu rạp bản phim “Em và Trịnh”.

Trước đó, ông Lương Công Hiếu - đại diện Galaxy - cho hay, quyết định chia làm hai phiên bản, ê-kíp mong muốn đưa đến cái nhìn trọn vẹn hơn về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Điều này mang đến rất nhiều trải nghiệm mới mẻ, cảm xúc đặc biệt cho người xem.

Tuy nhiên, khán giả ra rạp chắc chắn có sự chọn lọc và khó tránh được việc so sánh hai phiên bản. Đặc biệt đối với một bộ phim đề cập đến nhân vật có sự nghiệp lẫy lừng, mang tầm vóc, vị thế đặc biệt trong làng nhạc Việt như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhặt sạn

Avin Lu vẫn còn khá non nớt trong diễn xuất khi đóng Trịnh Công Sơn thời trẻ.

Avin Lu vẫn còn khá non nớt trong diễn xuất khi đóng Trịnh Công Sơn thời trẻ.

Khán giả dành vô số lời khen cho bối cảnh, quần áo, phục trang của phim khi được đầu tư bài bản, chỉn chu; chuyện đời của cố nhạc sĩ được khắc họa tương đối đầy đủ.

Thế nhưng, đa phần đều bày tỏ quan điểm thất vọng đối với phần lồng tiếng (giọng Huế) của các diễn viên. Bên cạnh đó, dàn diễn viên chính như Avin Lu lại có nét diễn còn non nớt và chưa lột tả trọn vẹn được tính cách của Trịnh Công Sơn.

Trên các trang fanpage về phim, một số khán giả cho rằng: Phim “Trịnh Công Sơn” chỉ nên là bản đính kèm cho những ai muốn nghe lại các bài hát sau khi xem “Em và Trịnh”, mà không phải xem lại đầy đủ bộ phim. Và cũng đừng nhấn mạnh cách phát hành này là chấn động.

Khán giả khác chia sẻ: Nửa đầu bản phim “Trịnh Công Sơn” có kết cấu giống phim “Thanh xuân”, khi nam chính phải lòng nữ chính, được hội bạn thân hậu thuẫn. Tuy nhiên, vì ôm đồm nhiều tuyến nội dung nên câu chuyện về hai người bạn thân của Trịnh Công Sơn được xây dựng lưng chừng rồi rơi vào quên lãng.

Vai Trịnh Công Sơn thời trẻ cũng là một thử thách với Avin Lu, gây ra một số tranh cãi về mặt diễn xuất. Nam chính Avin Lu cũng đã rất cố gắng khi nói tiếng Huế, nhưng còn quá xa để ra được chất giọng của người cố đô. Nhiều khán giả cho biết, họ rất khó chịu khi nghe giọng Huế “chưa tới” của anh.

Thậm chí trong một số phân đoạn, nam diễn viên nói giọng Bắc khiến người xem hụt hẫng. Giọng nói là yếu tố quan trọng để truyền tải cảm xúc cho khán giả. Vì vậy, dù biết việc nói theo chất giọng vùng miền khác không dễ, người xem vẫn cảm thấy ức chế và thất vọng khi xem.

Bản phim 95 phút cũng bị cho là có cái kết dang dở, dễ gây khó hiểu cho những khán giả chưa biết về sự nghiệp của ông. Phân cảnh Dao Ánh lưỡng lự đứng trước con tàu từ Huế vào Sài Gòn để lại nhiều cảm xúc, nhưng chưa xứng trở thành cao trào khép lại phim.

Còn đối với “Em và Trịnh”, nhiều khán giả quan tâm và đánh giá cao. “Em và Trịnh” là một bộ phim khá hấp dẫn đối với khán giả dễ tính và chưa biết nhiều về cuộc đời và sự nghiệp Trịnh Công Sơn.

Tuy nhiên, đây lại là một bộ phim chưa thật sự chỉn chu đối với những người đã biết về nhạc sĩ họ Trịnh. Điểm đáng khen duy nhất của bộ phim có lẽ là về bối cảnh và quần áo, phục trang được đầu tư bài bản.

Điểm yếu đầu tiên phải kể đến giọng nói. Trịnh Công Sơn, những người bạn ở Huế, gia đình của ông dù là người Huế 100% nhưng đài từ của gia đình ông đều khó nghe, khiến người xem bị thất vọng.

Tiếp đến là phần tình cảm giữa các nhân vật, phim không tạo được mạch cảm xúc để người xem cảm nhận được họ đang yêu nhau. Mối tình của Trịnh Công Sơn đối với Dao Ánh là mối tình day dứt, đầy quyến luyến nhưng phim không thể hiện được điều này.

Từ đó khiến các bức thư tình, lời văn lãng mạn của Trịnh Công Sơn trở nên gượng gạo và sến súa nhiều hơn là lãng mạn. Nhìn chung, phần xây dựng tình cảm giữa các nhân vật nữ và Trịnh Công Sơn không đủ sâu sắc để tạo cảm giác day dứt khi họ chia xa...

Về diễn viên, nhân vật Trịnh Công Sơn lúc trẻ tạm tròn vai, thể hiện được nét khờ khạo thời sinh viên nhưng chưa lột tả được hết tính nghệ sĩ của ông. Hai nhân vật Dao Ánh do Hoàng Hà đóng và Khánh Ly do ca sĩ Lan Hương thể hiện là điểm sáng hiếm hoi của bộ phim.

Hoàng Hà khiến khán giả cảm giác được Dao Ánh là người mà Trịnh Công Sơn yêu. Tuy nhiên, vai Dao Ánh lúc trưởng thành do Phạm Quỳnh Anh đóng thì lại khá lạc quẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ