Những thời điểm không nên cho trẻ sử dụng điện thoại

GD&TĐ - Cha mẹ nên thiết lập quy tắc trong gia đình về việc sử dụng điện thoại. Từ đó, trẻ sẽ biết đâu là thời điểm phù hợp có thể sử dụng.

Trẻ cần tuân theo quy tắc sử dụng điện thoại trong gia đình.
Trẻ cần tuân theo quy tắc sử dụng điện thoại trong gia đình.

Việc thiết lập các quy tắc sử dụng điện thoại di động cho thanh, thiếu niên có thể khá khó khăn đối với phụ huynh. Suy cho cùng, hầu hết cha mẹ ngày nay đều không sở hữu một chiếc điện thoại thông minh khi họ còn ở tuổi thiếu niên. Vì vậy, việc biết cái gì phù hợp và không có thể là một thách thức.

Công nghệ cũng thay đổi nhanh đến mức khó có thể theo kịp các thiết bị, trang mạng xã hội và ứng dụng mới nhất. Tuy nhiên, nếu không có hướng dẫn rõ ràng, nhiều thanh, thiếu niên thường gặp khó khăn trong việc xử lý trách nhiệm sở hữu điện thoại thông minh.

Vì vậy, điều quan trọng là thiết lập các quy tắc giúp trẻ đưa ra những lựa chọn lành mạnh.

Theo đó, không nên cho trẻ sử dụng điện thoại vào những thời điểm sau đây.

Trước giờ học

Hầu hết thanh, thiếu niên không rảnh rỗi trước giờ học. Trong khi đó, việc nhắn tin hoặc lướt mạng xã hội có thể lãng phí rất nhiều thời gian quý giá. Vì vậy, cha mẹ hãy bắt đầu ngày mới bằng cách nói: “Không sử dụng điện thoại vào buổi sáng”.

Nếu trẻ chuẩn bị sớm, cha mẹ có thể cân nhắc việc cho phép chúng sử dụng điện thoại thông minh trong vài phút như một đặc ân trước khi ra khỏi cửa.

Tuân theo nội quy của trường

Mỗi trường đưa ra chính sách về sử dụng điện thoại di động riêng. Do đó, cha mẹ cần chú ý tới quy tắc ở trường của con. Nếu trẻ gặp rắc rối ở trường vì vi phạm nội quy sử dụng điện thoại di động, hãy ủng hộ chính sách kỷ luật của trường.

Trẻ cần học cách tôn trọng quy định sử dụng điện thoại di động tại môi trường học đường hoặc các nhà tuyển dụng tại nơi làm việc khi trưởng thành. Đó là một bài học quan trọng trong cuộc sống.

Ở bàn ăn tối

Cha mẹ nên thiết lập quy tắc không cho phép bất cứ ai sử dụng điện thoại trong bữa ăn. Điều đó có nghĩa là phụ huynh cũng cần trở thành một hình mẫu tốt. Các cha mẹ không nên trả lời tin nhắn hoặc email trong khi đang ăn. Đồng thời, hãy dạy con cách sử dụng điện thoại di động phù hợp.

Trẻ cần sẵn sàng chịu hậu quả khi vi phạm quy tắc sử dụng điện thoại.

Trẻ cần sẵn sàng chịu hậu quả khi vi phạm quy tắc sử dụng điện thoại.

Thời gian dành cho gia đình

Phụ huynh cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tương tác trực tiếp với nhau. Hãy nói rõ rằng, trong các hoạt động gia đình, việc sử dụng điện thoại di động bị cấm. Cho dù trẻ ngồi trong buổi tụ họp của đại gia đình, hay đang chơi trò đuổi bắt, thì cũng cần từ bỏ những thói quen xấu sử dụng điện thoại di động, chẳng hạn như phớt lờ mọi người để nhắn tin.

Thời gian làm bài tập

Trả lời tin nhắn hoặc theo dõi mạng xã hội có thể dẫn đến sự xao lãng lớn đối với thanh, thiếu niên khi đang cố gắng học tập. Do đó, cha mẹ cần đặt giới hạn sử dụng điện thoại di động trong thời gian trẻ làm bài tập về nhà, đặc biệt là nếu trẻ đang gặp khó khăn về vấn đề điểm số.

Qua đêm

Thực sự không có lý do chính đáng nào khiến một thiếu niên lại cần đến điện thoại vào lúc nửa đêm. Thanh, thiếu niên để điện thoại trong phòng vào ban đêm có khả năng trả lời tin nhắn hoặc cập nhật trên mạng xã hội vào giữa đêm. Điều đó sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của họ.

Nếu để điện thoại thông minh trong phòng khi đi ngủ, trẻ có thể cảm thấy áp lực phải trả lời tin nhắn vào mọi thời điểm. Phụ huynh có thể giảm bớt áp lực đó bằng cách yêu cầu con mình tắt điện thoại trước khi đi ngủ. Hãy thiết lập một quy tắc nêu rõ thời gian buổi tối phải tắt điện thoại. Sau đó, sạc điện thoại ở khu vực chung trong nhà, chẳng hạn như tại bếp.

Bởi thực tế, nhiều thanh, thiếu niên chưa sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm mang điện thoại di động vào phòng ngủ của mình. Trẻ có thể không cưỡng lại được hành vi nguy hiểm như nhận tin nhắn hoặc tải xuống nội dung không phù hợp.

Việc hạn chế con sử dụng điện thoại trong phòng ngủ có vẻ cực đoan. Tuy nhiên, đối với một số gia đình, đó có thể là cách tốt nhất để dạy trẻ cách sử dụng điện thoại di động phù hợp.

Việc sử dụng điện thoại quá mức có thể tác động xấu tới thanh, thiếu niên.

Việc sử dụng điện thoại quá mức có thể tác động xấu tới thanh, thiếu niên.

Cách tạo quy tắc ứng xử

Khi cha mẹ đã thiết lập các quy tắc rõ ràng về cách trẻ sử dụng điện thoại di động, hãy tạo một quy tắc ứng xử. Trong đó, bao gồm các quy tắc và hậu quả mà trẻ sẽ gặp phải khi vi phạm.

Sau đó, cha mẹ hãy để con xem xét và ký vào bản quy tắc. Như vậy, trẻ sẽ hiểu rõ về kỳ vọng của cha mẹ. Đồng thời, sẵn sàng chịu hậu quả nếu vi phạm quy tắc.

Ngoài ra, việc để trẻ sử dụng điện thoại cũng có thể gây ra một số vấn đề mà phụ huynh cần cân nhắc. Do đó, trong những trường hợp dưới đây, cha mẹ cần hạn chế thời gian trẻ sử dụng điện thoại:

Phá vỡ quy tắc sử dụng điện thoại: Điều quan trọng là tạo ra các quy tắc rõ ràng để nêu rõ những kỳ vọng của cha mẹ. Danh sách các quy tắc phải giải quyết vấn đề xung quanh việc sử dụng điện thoại. Các quy tắc cũng nên giải quyết khía cạnh tài chính của việc sở hữu điện thoại thông minh.

Nếu con sử dụng quá mức dữ liệu cho phép vì chúng đang xem phim trực tuyến hoặc cần một chiếc điện thoại mới, hãy yêu cầu trẻ phải chịu trách nhiệm về tài chính. Tước đi đặc quyền sử dụng điện thoại cho đến khi trẻ thanh toán hóa đơn hoặc cho đến khi họ có thể mua điện thoại mới.

Mặt trái của mạng xã hội: Việc sử dụng mạng xã hội quá mức ở thanh, thiếu niên có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần, như hình ảnh tiêu cực về bản thân và sự gia tăng hành vi tự làm hại bản thân.

Ngoài ra, một số thanh, thiếu niên ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội để nâng cao giá trị bản thân. Khi nhận được những bình luận và lượt thích tích cực về hoạt động truyền thông xã hội của mình, họ cảm thấy hài lòng về bản thân. Tuy nhiên, nếu không thu hút được đủ sự chú ý tích cực thì lòng tự trọng của trẻ sẽ giảm sút.

Những thanh, thiếu niên khác tạo ra những nhân cách trực tuyến không giống với cuộc sống thực. Họ tạo hồ sơ trên mạng xã hội dưới tên giả hoặc trò chuyện với người lạ vì thích giả vờ là một người khác.

Thật nguy hiểm khi thanh, thiếu niên khiến lòng tự trọng của mình phụ thuộc vào các hoạt động trực tuyến. Họ không chỉ phơi bày mình trước những mối nguy hiểm khó lường, mà còn đang đo lường giá trị bản thân một cách không lành mạnh. Điều quan trọng là cha mẹ giúp trẻ cảm thấy hài lòng về con người của chúng, chứ không chỉ là cảm giác về sự hiện diện trên mạng.

Tác động tiêu cực đến giấc ngủ: Sử dụng màn hình trước khi đi ngủ đã được xác nhận là có tác động tiêu cực đến giấc ngủ.

Thiếu ngủ ở trẻ em có thể liên quan đến tốc độ xử lý và trí nhớ kém hơn. Điều đó có nghĩa là việc học tập trở nên khó khăn hơn đối với những đứa trẻ không ngủ đủ giấc.

Truy cập thông tin không giới hạn: Các phụ huynh có thể lo lắng về việc con mình tình cờ xem được nội dung không phù hợp, hoặc tự đọc về những điều mà cha mẹ không muốn chúng học. Tất nhiên, điện thoại không phải là cách duy nhất để trẻ tìm thấy những thứ chúng không nên tìm. Song, việc tiếp cận với công nghệ này chắc chắn sẽ khiến điều đó xảy ra dễ dàng hơn.

Phân tâm: Tất cả chúng ta đều biết, điện thoại di động làm người lái xe mất tập trung. Tuy nhiên, điện thoại di động cũng có thể gây mất tập trung cho người đi bộ băng qua đường, dẫn đến nhiều tai nạn và thương tích hơn. Chúng cũng có thể gây mất tập trung ở trường.

Trong khi một số trường cho phép sử dụng điện thoại di động vào bữa trưa và giữa các giờ học, thì những trường khác lại cấm. Trẻ có thể không được sở hữu hoặc sử dụng điện thoại trong thời gian ở trường.

Vấn đề về hành vi: Điện thoại di động cũng khiến trẻ có nguy cơ gặp rắc rối khi gửi, đăng hoặc nhận những bức ảnh không phù hợp. Hoặc, một đứa trẻ có thể thực hiện các cuộc gọi chơi khăm hoặc bị đổ lỗi nếu bạn cùng lớp lấy điện thoại của chúng và sử dụng để thực hiện những cuộc gọi không phù hợp.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.