Đã nhiều thập kỷ nay, những thân cây uốn cong kỳ lạ nằm rạp xuống các khu rừng ở Mỹ vẫn luôn là một bí ẩn làm đau đầu các chuyên gia. Thế nhưng, giờ đây, bức màn bí mật ấy đã được hé mở khi một nhà nghiên cứu công bố đó thực chất chỉ là sản phẩm nhân tạo của người dân Mỹ bản địa chứ không phải do tự nhiên hình thành.
Cách đây hơn 1 thế kỷ, các bộ lạc bản xứ thường sống rải rác quanh hồ Michigan. Để băng qua rừng và suối an toàn, họ phải tự mở những con đường bí mật. Theo nhà nghiên cứu Dennis Downes, có thể người Mỹ bản xứ đã tạo hình uốn cong cho cây từ khi còn non để làm ám hiệu đánh dấu đường đi.
Thời gian dần qua đi, trong khi những bộ lạc dần biến mất vào trong rừng sâu thì những tán cây uốn cong vẫn hiên ngang đứng đó như cột mốc đánh dấu cho những con đường đã bị quên lãng.
Cũng có cùng quan điểm với nhà nghiên cứu Dennis Downes, nhà sinh vật học Raymond E. Janssen cho rằng, những thân cây uốn cong này không thể hình thành tự nhiên mà phải có sự thiệp của bàn tay con người. Ông đã tới 13 bang trên khắp nước Mỹ để tìm bằng chứng về những thân cây làm dấu đường đi và thu thập được rất nhiều kết quả.
Vào năm 2003, ông Downes từng được người già trong các bộ lạc xác nhận rằng thời xa xưa cha ông họ đã quen thuộc với uốn cong thân cây. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết thì phương pháp này vẫn không được khoa học xác nhận.
Một cây sồi trắng uốn cong được cho là sản phẩm của con người.
Theo ông Downes, người dân bản xứ đã bẻ cong thân cây từ khi chúng còn non.
Theo giả thiết của ông Downes, những thân cây uốn cong được sử dụng làm ám hiệu đánh dấu đường đi thời xưa.