Ngày 7/11/1996, chuyến bay mang số hiệu 86 của hãng hàng không ADC Airlines đã không may gặp nạn khi tránh một máy bay khác của hãng Triax, khiến toàn bộ 144 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay số 86 thiệt mạng thương tâm.
Sự cố xảy ra khi chiếc phi cơ ADC đang bay ở độ cao 140 (24.000 feet) hướng đến sân bay Lagos. Cùng lúc đó, có một chiếc phi cơ khác của hãng Triax vừa cất cánh từ sân bay Lagos và đang ở độ cao 160 (16.000 feet).
Kiểm soát viên không lưu tại sân bay Lagos thông báo chiếc ADC có thể hạ cánh, vì nghĩ rằng trước đó mình đã yêu cầu phi công hạ độ cao máy bay xuống 100 (10.000 feet), tức là thấp hơn độ cao của chiếc Triax. Nhưng trên thực tế, chiếc ADC vẫn đang ở độ cao 240.
Khi hạ xuống độ cao 160, chiếc ADC mới bất ngờ phát hiện chiếc Triax đang bay ở cùng độ cao. Phi công cố điều khiển chiếc ADC tránh chiếc Triax nhưng quá muộn.
Chỉ trong vòng 16 giây, chiếc ADC lật ngược và lao xuống đất với tốc độ kinh hoàng. 144 người đã thiệt mạng chỉ vì nhân viên kiểm sát không lưu... nhớ nhầm.
Vào lúc 6 giờ 07 sáng 27/8/2006, chiếc Bombardier CRJ-100 mang số hiệu 5191 của hãng hàng không Comair bay nội địa từ Lexington thuộc bang Kentucky tới thành phố Atlanta bang Georgia (Mỹ) đã đâm sầm xuống đất sau khi cất cánh nhầm đường băng tại sân bay Blue Grass. Vụ việc khiến 49 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Chiếc máy bay của hãng Comair nát tươm sau khi đâm sầm xuống đất.
Theo kết quả điều tra, sân bay Blue Grass có hai đường băng được đánh số hiệu 22 (đường băng dài) và 26 (đường băng ngắn). Chiếc CRJ-100 đáng lẽ phải cất cánh từ đường băng số 22, nhưng nó lại sử dụng đường băng số 26 nên không đủ đà rời khỏi mặt đất.
Trong lúc đó, trên đài kiểm soát không lưu chỉ có một nhân viên trực, mà người này lại... đứng quay lưng ra phía ngoài, nên không phát hiện chiếc may bay nhầm đường băng.
Theo các điều tra viên, vào thời điểm nói trên, nhân viên kiểm soát không lưu đang quay đi chỗ khác để làm "một nhiệm vụ hành chính là đếm số máy bay đã lưu thông".
Ngày 11/8/1979, hai máy bay chở khách loại Tupolev Tu-134 mang số hiệu CCCP-65816 và CCCP-65735 của hãng Aeroflot đã va chạm trên độ cao gần 8 km gần khu vực Dniprodzerzhynsk tại Ukraine (Liên bang Xô Viết cũ) làm 178 người thiệt mạng.
Theo cơ quan điều tra hàng không Xô Viết, nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do “những sai sót và vi phạm của bộ phận điều khiển không lưu”.
Chiếc máy bay cùng loại với máy bay gặp nạn của hãng Aeroflot.
Cụ thể, kiểm soát viên không lưu đã phát hiện hai chiếc máy bay đang bay trên đường giao cắt cùng ở độ cao 8.400m, nên lập tức yêu cầu một chiếc máy bay tăng độ cao lên mức 9.000m.
Sau đó, nhân viên không lưu nghe thấy một âm thanh lạ và tưởng rằng chiếc máy bay 65735 đã nhận được lệnh tăng độ cao. Nhưng thực chất, đó là âm thanh phát ra từ một chiếc máy bay khác, và chuyến bay 65735 vẫn giữ nguyên độ cao cũ.
Cuối cùng, hai chiếc Tupolev Tu-134 không kịp tránh nhau và va chạm kinh hoàng khiến toàn bộ những người có mặt trên máy bay thiệt mạng. Trong đó có các thành viên của đội bóng Liên Xô có tên Pahtakor.
Ngày 30/8/1983, chiếc máy bay Tupolev Tu-134A mang số hiệu 5463 của hãng hàng không Aeroflot khi đang bay trên đường bay nội địa từ Chelyabinsk đến Almaty (Liên bang Xô Viết) đã không may đâm vào vách núi Dolan, khiến toàn bộ 90 người trên máy bay thiệt mạng.
Nguyên nhân gây ra vụ tai nạn được cho là do kiểm sát viên không lưu nhận định sai về địa hình, yêu cầu máy bay hạ độ cao xuống 2.000 feet (600m), trong khi độ cao an toàn tối thiểu cho khu vực đồi núi đó là 15.160 feet (4.620m).
Phi công trên chuyến bay nhận ra sai lầm của đài không lưu và lập tức bẻ lái. Nhưng khi chưa kịp nâng độ cao thì chiếc máy bay xấu số đã đâm sầm vào núi Dolan ở độ cao 690m.
Ngày 31/1/2001, chiếc Boeing 747-400 mang số hiệu 907 của hãng hàng không Japan Airlines đã suýt va chạm với chiếc McDonnell-Douglas DC -10-40 trên bầu trời Nhật Bản.
Cụ thể, sau khi cất cánh khoảng 20 phút, chiếc Boeing 747-400 đạt tới độ cao 39.000 feet và cùng lúc đó, có một chiếc DC-10 đang bay ở độ cao 37.000 feet.
Cả hai chiếc máy bay đều đang được hướng dẫn bởi hệ thống cảnh báo va chạm máy bay TCAS, nhưng phi công trên chiếc Boeing đã nhận được chỉ dẫn trái ngược từ kiểm sát viên không lưu tại Tokorozawa (Nhật Bản) và bắt đầu giảm độ cao. Trong khi đó, chiếc DC-10 vẫn đang bay theo chỉ dẫn của hệ thống TCAS.
Một chiếc máy bay loại Boeing 747-400 của hãng Japan Airlines.
Sai sót này gây ra bởi một nhân viên học việc tại đài kiểm soát không lưu có tên Hachitani Hideki (26 tuổi). Hideki đã cùng lúc xử lý 10 chuyến bay khác nhau vào thời điểm đó. Anh dự định yêu cầu chiếc DC-10 hạ độ cao, nhưng lại yêu cầu nhầm sang chiếc Boeing.
Nhận thấy chiếc DC-10 đang bay ở cùng độ cao với chiếc Boeing, Hideki lập tức yêu cầu phi công DC-10 lái máy bay rẽ phải. Trong khi đó, người giám sát của Hideki định yêu cầu chiếc Boeing tăng độ cao, nhưng trong lúc bối rối lại nói nhầm số hiệu chuyến bay nên phi công trên chiếc Boeing không nhận lệnh.
Cuối cùng, hai chiếc máy bay vẫn tránh nhau thành công với khoảng cách chỉ 135m. Tuy nhiên, đã có 100 người bị thương, trong đó 9 người bị thương nặng và 91 người bị thương nhẹ.
Nếu vụ tai nạn xảy ra, toàn bộ 677 người trên hai chiếc máy bay sẽ thiệt mạng và vụ việc sẽ trở thành tai nạn hàng không kinh hoàng nhất trong lịch sử.