Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, ông Phan Thanh Bình - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục – TNTN&NĐ của Quốc hội; đại diện Ban thi đua khen thưởng T.Ư, lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành T.Ư, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Về phía ngành Giáo dục có Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT 63 tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư và 252 giáo viên, học sinh tiêu biểu trong cả nước.
Những tấm gương tiêu biểu cho khát vọng đổi mới
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh tiêu biểu, xuất sắc; đồng thời khẳng định các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh chính là những tấm gương tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng đổi mới, sáng tạo của hơn 1 triệu nhà giáo và hơn 20 triệu học sinh cả nước.
Bộ trưởng nêu rõ: Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thực hiện các Nghị quyết của T.Ư Đảng, Chính phủ; Bộ GD&ĐT phát động phong trào thi đua với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự thân, tự nguyện, là động lực, khát vọng vươn lên của mỗi tập thể, cá nhân; là việc làm thường xuyên, lâu dài; bắt đầu từ việc nhỏ, diễn ra hàng ngày để việc làm ngày hôm nay đạt năng suất, hiệu quả hơn ngày hôm qua; là hành động thiết thực nhất của mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục và các em HSSV góp phần tạo chuyển biến căn bản chất lượng, hiệu quả giáo dục nước nhà;
Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học phải được thể hiện bằng các sản phẩm, minh chứng cụ thể, thiết thực, hiệu quả cao nhất, được đồng nghiệp, bạn bè, xã hội tôn vinh, học tập, làm theo.
Bộ trưởng mong rằng các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, HSSV cả nước hãy bắt đầu ngay từ việc xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn; Đổi mới căn bản phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá; NCKH và chuyển giao công nghệ, hội nhập quốc tế;
Ứng dụng có hiệu quả thành tựu về công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý giáo dục; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp; cùng nhau xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, kết hợp hài hòa truyền thống văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại…
Bộ trưởng yêu cầu cơ quan quản lý giáo dục các cấp là nơi kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, HSSV có môi trường thuận lợi nhất phát huy tối đa khả năng, phẩm chất và năng lực cá nhân, tự nguyện tham gia thi đua đổi mới, sáng tạo; là nơi đánh giá, thẩm định các minh chứng, sản phẩm đổi mới sáng tạo để biểu dương, khen thưởng kịp thời, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiến tiến có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phạm vi toàn ngành và cả nước.
Dẫn lời Bác về công tác thi đua: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kêu gọi các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục, các em HSSV làm theo lời dạy của Bác, tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, để “non sông Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”, và “bước tới đài vinh quang” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Quyết tâm đổi mới của ngành Giáo dục
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những thành quả mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua.
Đồng thời, Phó Chủ tịch nước khẳng định ngay sau khi thầy trò bước vào năm học mới, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo và học sinh năm học vừa qua và phát động đổi mới sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020 đã thể hiện quyết tâm đổi mới của Bộ.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định GD&ĐT cùng KHCN là quốc sách hàng đầu cần được quan tâm, đầu tư. Ngày 4/11/2013, BCH T.Ư Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Phó Chủ tịch nước đồng tình và hoan nghênh sáng kiến tổ chức lễ phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học của giai đoạn 2016-2020 trong toàn ngành Giáo dục để thực hiện Nghị quyết số 29.
Để phong trào thực sự có hiệu quả, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm để ngành Giáo dục chú trọng trong quá trình thực hiện:
Phát huy những kết quả đạt được, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và triển khai có hiệu quả việc đổi mới trong toàn hệ thống theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI.
Trong đó, đặc biệt chú trọng gắn đổi mới với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước để chuẩn hóa chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học; Kết quả cần coi trọng thực chất, không chạy theo thành tích và tiếp tục hoàn thiện các chương trình Bộ đã tiến hành đổi mới phù hợp hơn, gắn với yêu cầu thực tế.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để nâng cao tinh thần tự học và khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh trong học tập và thực hành, kể cả khả năng ngoại ngữ. Đặc biệt chú trọng giáo dục đào tạo đạo đức, nhân cách cho học sinh.
Phải thực sự chú trọng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Thực hiện chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước; Có chính sách trọng dụng và khuyến khích những cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực, tâm huyết, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
Đây là mấu chốt để khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo đổi mới trong dạy và học, tạo nên được môi trường sư phạm văn hóa, nhân văn và tiến bộ.
Bên cạnh đó, với tư cách là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng T.Ư, Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cần quan tâm đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong Ngành theo hướng thực chất và thực sự tiêu biểu để đội ngũ giáo viên và các em học sinh không chỉ là người thầy giỏi, học sinh xuất sắc mà còn là những tấm gương người tốt việc tốt trong xã hội.
252 tấm gương điển hình tiên tiến của Giáo dục cả nước
Trong bài phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Năm học 2015-2016, toàn ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực đổi mới và đạt được những kết quả tích cực.
Quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo từng bước được nâng lên; công tác quản lý giáo dục có chuyển biến tích cực.
Việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong giảng dạy và học tập được đẩy mạnh. Giáo dục vùng sâu, vùng xa tiếp tục được quan tâm.
Nhiều học sinh, sinh viên chăm ngoan, học giỏi, đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Các phong trào thi đua của ngành đã đi vào chiều sâu với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến.
Đặc biệt, 126 giáo viên và 126 học sinh đại diện cho hơn 1,1 triệu giáo viên và trên 15 triệu học sinh phổ thông trong cả nước về dự lễ vinh danh được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen là những tấm gương sáng về sự tận tâm, tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục; là những những tấm gương vượt khó vươn lên học giỏi, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các giải văn hóa, thể thao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kêu gọi các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành Giáo dục, các em HSSV trong cả nước bằng những việc làm thiết thực nhất, chung tay, chia sẻ, ủng hộ cả về tinh thần và vật chất hướng về đồng bào miền Trung đang chịu nhiều tổn thất bởi đợt lũ lụt vừa qua, trước hết là hướng về các thầy cô giáo và các em học sinh vùng lũ lụt.