Những tác hại không thể không biết của việc sinh mổ

Vỡ ối, thuyên tắc ối hoặc thậm chí là tử vong trong lúc sinh là những biến chứng nguy hiểm mà các bà mẹ có nguy cơ mắc phải nếu họ quyết định sinh mổ.

Những tác hại không thể không biết của việc sinh mổ

Tỷ lệ sinh mổ của Việt Nam đạt khoảng gần 30% trên tổng số ca sinh, gấp đôi tỷ lệ an toàn mà Tổ chức Y tế thế giới đặt ra (15%). Việt Nam là đất nước có tỷ lệ tử vong sản khoa cao trên thế giới khi mà có đến 75 ca tử vong trên tổng số 100.000 ca sinh, gấp 5 lần tỷ lệ của các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh (14/100.00).

Phương pháp sinh mổ dường như được các mẹ bầu lựa chọn ngày càng nhiều hiện nay. Tuy nhiên, lại rất ít mẹ bầu biết cụ thể những biến chứng, ảnh hưởng mà sinh mổ có thể gây ra đối với bản thân cũng như đối với trẻ khi chào đời.

Phương pháp sinh mổ ngày càng được nhiều mẹ lựa chọn

Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào

Những biến chứng nguy hiểm của phương pháp sinh mổ gồm có viêm, tụ máu, vỡ ối, thuyên tắc ối hoặc thậm chí là tử vong. Tỷ lệ tử vong của mẹ trong các ca mổ chủ động cao hơn 2,84 lần so với các ca sinh thường.

PGS.TS Vũ Thị Nhung – Chủ tịch Hội Phụ sản Tp Hồ Chí Minh, cho biết: Tỷ lệ thuyên tắc ối ước tính 1/30.000 cho đến 1/8.000 sản phụ trong thai kỳ, không dự phòng được, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Thuyên tắc ối là biến chứng trong giai đoạn cuối của quá trình chuyển dạ. Cơn co tử cung mạnh làm vỡ ối, nước ối tràn vào tĩnh mạch, vào tim, phổi, lên não, gây suy hô hấp cấp. Bệnh nhân sẽ đột ngột tím tái, trụy tim mạch, rối loạn đông máu và tử vong.

Các biến chứng nguy hiểm khác có thể xảy đến với mẹ sinh mổ gồm có: viêm hoặc tụ máu vết mổ, tụ dịch lòng tử cung (bế sản dịch)... Đối với các biến chứng này, mẹ bầu thường phải dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm mạnh để chữa trị. Những loại thuốc này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sữa mẹ, từ đó ảnh hưởng gián tiếp tới bé.

Ngoài ra, Ths. Bs Nguyễn Văn Trương – giám đốc bệnh viện Hùng Vương, Tp Hồ Chí Minh cho biết thêm, việc chọn giờ vàng, giờ hoàng đạo để sinh con có tử vi đẹp rất dễ gây rủi ro cho trẻ. Vì thai nhi dưới 40 tuần tuổi thì phổi chưa hình thành, hoặc vẫn mới bắt đầu hình thành. Sinh mổ khi trẻ chưa thực sự sẵn sàng sẽ gây các tác động nghiêm trọng tới quá trình phát triển của trẻ sau này, trẻ dễ suy hô hấp, nhiễm trùng ngay từ khi mới lọt lòng.

Những biến chứng nguy hiểm từ việc sinh mổ

Những tác động tiêu cực khác từ việc sinh mổ

Theo các chuyên gia, đối với các trường hợp mẹ bầu sinh mổ con đầu lòng, cơ thể mệt mỏi do sự can thiệp sâu của thuốc kháng sinh, da dễ bị khô và ráp cho thiếu nước, thiếu vitamin trong suốt quá trình sinh. Cơ thể yếu ớt kết hợp với khẩu vị thay đổi dễ làm thể trạng suy nhược, khó quay trở về nhịp sống thường ngày.

Bên cạnh đó, các mẹ bầu sinh mổ thường phải nằm viện lâu hơn (khoảng 5 – 7 ngày), thời gian phục hồi lâu hơn, việc chăm sóc vết mổ sau sinh phức tạp hơn, phải chịu đựng các cơn đau cường độ mạnh từ vết mổ trong nhiều ngày sau đó.

Xét về mặt thẩm mĩ, vết mổ có thể để lại sẹo và vùng bụng xung quanh vết mổ bị chạy sệ hoặc nhăn. Các mẹ bầu sinh mổ thường khó lấy lại vóc dáng hơn so với những mẹ bầu sinh thường, vì vết mổ lâu lành khiến việc tập luyện – giữ dáng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thêm vào đó, việc kiêng khem, ở cữ phức tạp cũng dễ dẫn đến tâm trạng trầm cảm, buồn phiền và thậm chí là stress khiến các mẹ nản chí, buông xuôi, không muốn tập luyện.

Sẹo và nỗi lo lấy lại vóc dáng khi sinh mổ

Lời kết

Phương pháp sinh mổ thường chỉ được chỉ định đối với các trường hợp bất khả kháng như: do khung xương chậu người mẹ hẹp hoặc lệch, dị dạng đường sinh dục, tử cung co bất thường, sinh khó do cổ tử cung có vết mổ cũ mà không có điều kiện để sinh ngã âm đạo, chuyển dạ kéo dài, dọa vỡ tử cung…hoặc thai to, mạng sống của thai đang bị đe dọa. PGS. Ts Vũ Thị Nhung đưa ra khuyến cáo đối với các sản phụ: nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ, chỉ nên sinh mổ khi được bác sĩ chỉ định, để tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy tới bất kỳ lúc nào. Những mẹ bầu sinh mổ, nên chú ý chăm sóc sức khỏe sau sinh thật tốt với chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp sử dụng các loại thực phẩm chức năng cung cấp đủ các loại vitamin A, B1, B3, C... hỗ trợ lấy lại vóc dáng để cơ thể nhanh chóng hồi phục và tự tin trở lại với cuộc sống thường ngày.

Theo afamily.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.