Những sự kiện được trông đợi năm 2022

GD&TĐ - Từ Australia Open mở đầu cho hệ thống Grand Slam của quần vợt vào tháng 1, Vòng chung kết AFF Cup 2022, giải đấu đội tuyển Việt Nam có cơ hội đòi lại ngôi Vương cho đến World Cup tại Qatar vào cuối năm…

Novak Djokovic vô địch Australia mở rộng 2021.
Novak Djokovic vô địch Australia mở rộng 2021.

Nhiều sự kiện thể thao được quan tâm hàng đầu thế giới sẽ quay trở lại trong năm 2022 sau thời gian bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19.

Giải vô địch các quốc gia châu Phi

Sau một năm bị hoãn vì đại dịch Covid-19, giải vô địch các quốc gia châu Phi (CAN 2021 hay AFCON 2021) sẽ được tổ chức từ ngày 9/1 đến ngày 7/2. Ban đầu CAN 2021 dự kiến diễn ra tại Bờ Biển Ngà nhưng sau đó ban tổ chức quyết định trao lại quyền đăng cai cho Cameroon. Đây là quốc gia từng bị tước quyền tổ chức CAN 2019 do công tác chuẩn bị chậm trễ.

Về phần Bờ Biển Ngà, quốc gia này sẽ chuyển sang tổ chức CAN 2023, còn nước chủ nhà CAN 2023 ban đầu là Guinea chuyển sang đăng cai CAN 2025.

Nhiều câu lạc bộ châu Âu cảnh báo sẽ không để cầu thủ trong biên chế tham dự, do còn nhiều lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sau khi biến thể Omicron xuất hiện. Khoảng 40 cầu thủ đang khoác áo các câu lạc bộ trực thuộc Ngoại hạng Anh có thể sẽ trở lại đội tuyển quốc gia để dự giải.

Hệ thống Grand Slam

Do Chính phủ Australia đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch nên vòng loại Australia Open 2022 (mặt sân cứng) năm 2022 sẽ trở lại thành phố Melbourne, thủ phủ của bang Victoria, từ ngày 10 đến 14/1. Sau khi vòng loại kết thúc, Australia Open 2022 sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 30/1 tại Melbourne Park, địa điểm thi đấu thuộc cùng thành phố.

Tổng tiền thưởng của giải vào khoảng 50 triệu USD. Vô địch đơn (cả nam lẫn nữ) sẽ nhận 2,8 triệu USD, trong khi 1,4 triệu USD dành cho vị trí Á quân.

France Open (đất nện) dự kiến diễn ra từ 22/5 - 5/6, tại thủ đô Paris nước Pháp. Tổng tiền thưởng 38 triệu euro, các tay vợt vô địch nội dung đơn sẽ nhận 1,6 triệu euro, á quân 850 nghìn euro.

Wimbledon (mặt cỏ) diễn ra từ 27/6 - 10/7 tại Vương quốc Anh. Tổng tiền thưởng: 38 triệu bảng Anh, các tay vợt vô địch đơn nhận 2,3 triệu bảng, người về nhì nhận 1,2 triệu bảng. US Open (sân cứng) diễn ra từ 30/8 - 13/9 tại Mỹ. Tổng tiền thưởng: 57,5 triệu USD; vô địch đơn: 2,5 triệu USD; á quân nhận 1,25 triệu USD.

Vòng chung kết ASIAN Cup nữ

Giải đấu sẽ diễn ra tại Ấn Độ từ 20/1 đến ngày 6/2. Lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu, số đội tham dự được tăng lên 12 đội. Đây cũng là vòng loại cuối cùng của World Cup nữ 2023, tổ chức tại Australia và New Zealand. Khu vực châu Á được FIFA phân bổ 6 suất (bao gồm cả chủ nhà Australia). 4 đội lọt vào bán kết nghiễm nhiên có suất dự World Cup. 2 suất còn lại được xác định thông qua vòng play-off cho các đội thua ở tứ kết.

Tại Asian Cup nữ 2022, 12 đội được chia thành 3 bảng, mỗi bảng 4 đội, thi đấu một lượt tính điểm. Các đội nhất và nhì tại mỗi bảng, cùng 2 đội thứ 3 có thành tích tốt nhất sẽ vào vòng tứ kết. Theo kết quả bốc thăm, đội tuyển nữ Việt Nam nằm ở bảng C, gặp các đội tuyển Nhật Bản, Hàn Quốc, cùng với đó là Myanmar. Đây được đánh giá là bảng đấu cực khó đối với đội tuyển nữ Việt Nam. Hai đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc đều được đánh giá trên tầm.

Sân vận động quốc tế Khalifa của Qatar.

Sân vận động quốc tế Khalifa của Qatar.

Vòng loại World Cup 2022

Đội tuyển Việt Nam đã trở về Hà Nội sau khi dừng chân ở bán kết AFF Cup 2020 diễn ra tại Singapore. Thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo hội quân trở lại vào khoảng trung tuần tháng 1 để tiếp tục chuẩn bị cho 4 trận còn lại của vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Nhiều khả năng ông Park sẽ triệu tập thêm những gương mặt mới trong lần tập trung đầu tiên trong năm 2022 nhằm thử nghiệm và tạo nên làn gió mới ở đội tuyển Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam sẽ đá trên sân Australia vào ngày 27/1 trước khi trở về sân Mỹ Đình (Hà Nội) tiếp đội tuyển Trung Quốc vào ngày 1/2 (đúng mùng 1 Tết Nguyên đán). Ngày 24/3, đội tuyển Việt Nam trên sân nhà đấu Oman và ngày 29/3, ông Park và học trò làm khách trước Nhật Bản. Đội tuyển Việt Nam đã thua cả 6 trận của vòng loại thứ 3. Mục tiêu của chiến lược gia người Hàn là giành ít nhất 1 điểm trong những trận còn lại. 

Olympic mùa Đông Bắc Kinh

Bắc Kinh (Trung Quốc) dự kiến tổ chức thế vận hội mùa Đông từ 4 - 20/2/2022 kèm theo nhiều quy định nghiêm ngặt để phòng dịch Covid-19.

Theo đó, tất cả các đoàn thể thao tham dự đều phải đảm bảo vận động viên, huấn luyện viên… đều đã tiêm đủ vắc-xin đồng thời chịu cách ly trong 21 ngày. Ngoài ra, họ dự kiến bị theo dõi chặt chẽ kể từ thời điểm bước chân vào thủ đô Trung Quốc. Không giống như Olympic Tokyo, Olympic mùa Đông Bắc Kinh vẫn mở cửa cho khán giả đến theo dõi trực tiếp nhưng vé chỉ được bán hạn chế cho người dân Trung Quốc.

Đáng chú ý, ngày hội thể thao mùa đông lớn nhất hành tinh ở Bắc Kinh sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tuyết nhân tạo vì chúng diễn ra ở một trong những vùng khô hạn nhất của Trung Quốc. Điều lo ngại là các địa điểm thi đấu phải đảm bảo tuyết đáp ứng các tiêu chuẩn chính xác về độ sâu, độ cứng và độ đặc.

Đại hội Thể thao Đông Nam Á

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games) lẽ ra được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 11/2021, nhưng vì dịch Covid-19 nên phải lui lại. Theo kế hoạch SEA Games 31 vẫn sẽ diễn ra ở Hà Nội từ ngày 12/5 đến ngày 23/5. Dự kiến sẽ có 10 nghìn vận động viên đến từ 11 quốc gia tham gia 525 nội dung của 40 môn thể thao khác nhau.

Đây sẽ là một sự kiện đặc biệt, không chỉ bởi sau 19 năm, Việt Nam mới lại đăng cai một kỳ Đại hội thể thao của khu vực Đông Nam Á. Đó là người hâm mộ chờ đợi vào lời hứa của các Bộ trưởng thể thao ASEAN trong tuyên bố chung về việc ưu tiên các môn Olympic và ASIAD, hướng đến việc phát triển thể thao trong khu vực thay vì câu chuyện “phân chia huy chương” như thường thấy trước đây. SEA Games 31 cũng sẽ là câu trả lời cho việc tư duy đặt nặng thành tích có được xóa bỏ với thể thao Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.

Đáng chú ý, đội tuyển U22 và đội tuyển nữ Việt Nam sẽ hướng đến mục tiêu bảo vệ chức vô địch sau khi đăng quang ở Philippines vào năm 2019.

Trung Quốc hoàn thành những bước cuối cùng cho Thế vận hội mùa Đông 2022.

Trung Quốc hoàn thành những bước cuối cùng cho Thế vận hội mùa Đông 2022.

Vòng chung kết U23 châu Á

Giải đấu diễn ra tại Uzbekistan từ ngày 1 - 19/6. 16 đội bóng góp mặt sẽ được chia làm 4 nhóm hạt giống và sau đó bốc thăm chia làm 4 bảng đấu. Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á, những cầu thủ sinh từ ngày 1/1/1999 trở về sau sẽ được tham dự; mỗi đội được phép đăng kí tối thiểu 18 cầu thủ và tối đa 23 cầu thủ.

U23 Việt Nam từng làm nên kỳ tích ở vòng chung kết U23 châu Á 2018 tại Trung Quốc, khi giành ngôi vị Á quân. Tuy nhiên, ở giải đấu tổ chức 2 năm sau đó tại Thái Lan, thầy trò HLV Park Hang Seo dù được xếp nhóm hạt giống số 1, nhưng đã bị loại ngay từ vòng bảng, khi chỉ giành được 2 điểm ở bảng đấu có sự hiện diện của U23 UAE, U23 Triều Tiên và U23 Jordan.

U23 Việt Nam được xếp vào nhóm hạt giống số 3 cùng với U23 Iraq, U23 Qatar và U23 Nhật Bản. Nước chủ nhà và Liên đoàn Bóng đá châu Á vẫn chưa xác định thời điểm bốc thăm chia bảng và xếp lịch thi đấu Vòng chung kết. 

Đại hội thể thao châu Á

Đại hội thể thao châu Á (Asiad) lần thứ 19 diễn ra tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) sẽ được tổ chức 40 môn thi (482 nội dung), với sự tham dự của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào ngày 10/9 và lễ bế mạc diễn ra vào ngày 25/9. Làng Asiad 19 bao gồm: Làng vận động viên (với sức chứa 10.400 vận động viên và cán bộ đoàn); làng báo chí (với sức chứa 3.300 phóng viên); làng dành cho các quan chức kỹ thuật (3.800 người).

Cũng giống như Olympic, Asiad đòi hỏi thể thao Việt Nam phải có sự đầu tư dài hơi của ngành và sự nỗ lực của các vận động viên. Năm 2018, thể thao Việt Nam giành 4 Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng. Lãnh đạo ngành có đặt ra chỉ tiêu tương tự sau khi thể thao Việt Nam đã thất bại ở kỳ Olympic ở Nhật Bản mới đây? 

Vòng chung kết cúp thế giới

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 22 - World Cup 2022 sẽ được tổ chức ở Qatar từ ngày 21/11 đến ngày 18/12, thay vì tháng 6 và tháng 7 như thông lệ. Vòng chung kết có sự tham gia của 32 đội tuyển bóng đá quốc gia gồm cả đội chủ nhà Qatar. Đây là kỳ World Cup lần thứ 2 được tổ chức tại châu Á (sau kỳ World Cup 2002 được tổ chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc) và là lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Đông.

Trước khi giải đấu số 1 hành tinh diễn ra, WHO và Chính phủ Qatar đã khởi động dự án chung có thời hạn 3 năm có tên: “World Cup 2022 lành mạnh – Tạo ra di sản cho thể thao và sức khỏe”. Với sự đồng hành từ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), các bên sẽ thực hiện các hoạt động chung nhằm thúc đẩy cuộc sống lành mạnh, nâng cao sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần.

Giải vô địch Đông Nam Á

Theo thông lệ, giải bóng đá vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) sẽ được tổ chức 2 năm 1 lần. Do dịch Covid-19 tác động mạnh, AFF Cup 2020 diễn ra vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Theo đó, trận đấu cuối là trận chung kết lượt về diễn ra giữa Thái Lan với Indonesia diễn ra lúc 19 giờ 30 phút ngày 1/1/2022. Đội tuyển Việt Nam trở thành cựu vương sau thất bại với tổng tỷ số 0-2 trước Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020.

Hiện tại, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á vẫn chưa chốt thời điểm tổ chức giải đấu vào năm 2022 nhưng rất có thể sẽ diễn ra trước hoặc sau World Cup 2022 tại Qatar. Đó cũng là thời điểm mà ông Park Hang Seo sẽ thôi làm huấn luyện viên trưởng U23 Việt Nam sau khi SEA Games 31 khép lại. Chiến lược gia người Hàn Quốc sẽ tập trung 100% công việc ở đội tuyển quốc gia Việt Nam và dồn toàn lực cho mục tiêu đòi lại ngôi vương AFF Cup 2022.

“Giải đấu tại Qatar là kỳ FIFA World Cup đầu tiên được tổ chức trong thời kỳ đại dịch, sự kiện này mang đến một cơ hội duy nhất để chứng tỏ cách thể thao có thể tăng cường sức khỏe hiện nay và cung cấp một di sản lâu dài cho việc tổ chức các sự kiện thể thao lành mạnh, an toàn khi thế giới phục hồi sau đại dịch”. - Tedros Adhanom Ghrebreyesus (Tổng Giám đốc WHO).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.