Những sai lầm trong cấp cứu người đột quỵ

GD&TĐ - Bác sĩ chỉ ra nhiều sai lầm trong cấp cứu người bị đột quỵ, dẫn đến những hậu quả nặng nề.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân đột quỵ. (Ảnh: BVCC)
Bác sĩ điều trị bệnh nhân đột quỵ. (Ảnh: BVCC)

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (66 tuổi, Phú Thọ) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, nói ngọng, yếu nửa người bên trái.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não.

Hình ảnh chụp tại viện cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cấp do tắc mạch não giữa M1, M2, buộc phải can thiệp cấp cứu lấy huyết khối, với mục tiêu tái thông mạch máu não.

Người nhà cho biết, sau khi phát hiện bệnh nhân có triệu chứng lạ đã xử trí bằng cách bôi nước gừng, dùng kim để chích máu các đầu ngón tay và tai để nặn bỏ “máu độc”, thay vì đưa tới bệnh viện.

Sau 5 tiếng, thấy tình trạng không cải thiện, bệnh nhân mới được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Sau can thiệp, bệnh nhân được lấy huyết khối cơ học tái thông hoàn toàn đoạn M1, sức khỏe ổn định và được chuyển Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện theo dõi và tiếp tục điều trị.

Đến 8/7, bệnh nhân đã cải thiện cơ tay và chân trái.

Bác sĩ Trần Văn Kiên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ - cho biết, nam bệnh nhân bị nhồi máu não nhưng được đưa đến bệnh viện khá muộn - sau 5 giờ xuất hiện triệu chứng. May mắn là bệnh nhân được can thiệp thành công.

“Hiện nay, mặc dù số người tử vong đã giảm xuống nhưng tỷ lệ tàn tật do đột quỵ vẫn rất cao. Trong đó, nguyên nhân có thể làm chậm trễ thời gian điều trị là do bệnh nhân không được phát hiện kịp thời.

Hoặc nếu phát hiện, nhiều người cho rằng bệnh nhân bị trúng gió và sử dụng các phương pháp bôi dầu, cạo gió... dẫn đến chậm trễ thời gian điều trị”, bác sĩ Kiên chia sẻ.

Không ít trường hợp phải chịu hệ quả nặng nề do tới viện muộn khi đột quỵ. Ghi nhận từ Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai cho thấy không ít ca bệnh đến viện quá muộn, qua thời gian vàng của não. Hệ lụy nặng thì tử vong, nhẹ thì tàn phế suốt đời.

PGS TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai - nhấn mạnh, điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong “giờ vàng”.

“Thời gian vàng trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6 - 8 giờ lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não.

Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao.

Ngược lại, nếu điều trị càng muộn trong “cửa sổ thời gian” này cơ hội phục hồi sẽ thấp đi”, PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết.

Do vậy, chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não, cần đưa người bệnh vào viện ngay để điều trị càng sớm càng hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.