Những sai lầm “khó gỡ” của Google Maps

GD&TĐ - Một số quốc gia có đường biên giới tranh chấp có thể là vấn đề đối với các dịch vụ lập bản đồ, trong đó có Google Maps. Hầu hết các quốc gia sẽ phản đối kịch liệt nếu Google “trao” một phần lãnh thổ của họ cho... “hàng xóm”; đồng thời cũng không đồng ý nếu khu vực này được liệt kê là “khu vực tranh chấp”. Đó là chưa kể những lần Google thực sự mắc lỗi khi gắn nhãn các khu vực trước đây là một phần của các quốc gia đối thủ, gây ra những sự cố khó xử.

Những sai lầm “khó gỡ” của Google Maps

Nhầm lẫn tai hại

Năm 2010, quân đội Nicaragua đã đổ quân chiếm đóng đảo Calero của Costa Rica, sau khi nhầm tưởng đây là một phần của lãnh thổ Nicaragua. Chỉ huy quân đội Nicaragua Eden Pastora đã sử dụng Google Maps để lên kế hoạch cho một nhiệm vụ. Google Maps đã liệt kê sai 2,7 km (1,7 dặm) biên giới Costa Rica, là một phần của Nicaragua.

Costa Rica đã giật mình trước cuộc “xâm chiếm” và không khó để hiểu tại sao Nicaragua đã tuyên bố quyền sở hữu khu vực này kể từ năm 1897 khi tuyên bố rằng, Hiệp ước Canas-Jerez năm 1858 đã trao cho họ quyền kiểm soát hòn đảo. Tranh chấp đó đã được giải quyết trong Giải thưởng Trọng tài đầu tiên năm 1897 khi vùng lãnh thổ này được trao cho Costa Rica và được kiểm soát bởi Costa Rica kể từ đó.

Costa Rica kiện Nicaragua trong Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ và đe dọa sẽ đưa vụ việc lên Liên Hợp Quốc năm 2010. Costa Rica cũng yêu cầu Google sửa bản đồ của họ. Samuel Santos, Bộ trưởng Ngoại giao Nicaragua, lại cho rằng Công ty Google không nên thay đổi bản đồ đó vì hòn đảo thuộc về Nicaragua.

Lập lờ nước đôi

Đối với một phần lãnh thổ đang tranh chấp, đôi khi Google Maps có cách ứng xử “dĩ hòa vi quý” (!). Chẳng hạn, đối với người Nga, Google Maps thể hiện Crưm là một phần của Nga, còn đối với người Ukraine, bản đồ của công ty lại cho thấy Crưm là một phần của Ukraine.

Thực tế, cuộc đối đầu gần đây giữa Nga và Ukraine về Crưm đã gây lo ngại cho Google. Nếu gắn nhãn vùng lãnh thổ này là một phần của một trong những quốc gia đối thủ chắc chắn sẽ gây ra vấn đề với quốc gia kia. Chính vì thế, Google đã tìm cách khéo léo và chỉ cho người dùng thấy Crưm thuộc về quốc gia nào tùy thuộc vào nơi họ đang sử dụng công cụ này.

Người dùng Google Maps ở Ukraine sẽ tra cứu được Crưm là một phần của Ukraine, trong khi người dùng ở Nga lại sẽ thấy Crưm là một quốc gia khác với Ukraine. Người dùng từ các quốc gia khác đã cho thấy rằng khu vực này đã bị tranh chấp.

Quyết định này là một phần trong chiến thuật mới nhất của Google, nhằm tránh sự vướng mắc trong xung đột biên giới. Google cũng làm điều tương tự ở Ấn Độ và Trung Quốc đối với khu vực Aksai Chin đang tranh chấp. Người dùng từ một trong hai quốc gia đều có thể tra cứu được rằng khu vực này là một phần của quốc gia họ. Người phát ngôn của Google sau đó đã làm rõ rằng công ty này sử dụng các quy định của địa phương để xác định biên giới giữa các quốc gia.

Trong trường hợp Crưm, các dịch vụ lập bản đồ khác không mang lại kết quả khác nhau cho người xem. Cả Bing và OpenStreetMap cho thấy Crưm là một phần của Ukraine, trong khi Yandex (một công cụ tìm kiếm của Nga) cho thấy Crưm là một phần của Nga.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.