Những ràng buộc về biên chế khiến sự nghiệp trồng người luôn trong tình trạng đắp đổi

GD&TĐ -Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nêu vấn đề khi phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương)
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương)

Buộc phải duy trì 1 lớp trên 50 học sinh

 Những đặc điểm và thực trạng bộ máy nhà nước cấp chính quyền địa phương được các chuyên gia ví như đang mặc chiếc áo đồng phục. Bởi cho dù chênh lệch về dân số, diện tích tự nhiên hay quy mô kinh tế nhưng bộ máy cũng như biên chế vận hành nền hành chính đó đều được đánh đồng mà không có sự khác biệt.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Theo đại biểu, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương lần này có thật sự tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong tổ chức bộ máy biên chế ở địa phương, hay chỉ đơn giản là sự cộng, trừ, thêm, bớt cơ học trong việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng.

“Nếu như điểm 3a, khoản 1 Điều 1 chế định, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ về quy định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xem là điểm tiến bộ trong tư duy quản lý nhà nước.

Liền sau đó, điểm 4a khoản 1 điều này giao Chính phủ quy định số lượng biên chế tối thiểu của các tổ chức, như trong dự thảo đã chưa thực sự triệt để và xuyên suốt tinh thần đổi mới, nếu không muốn nói bó buộc điều mà chính dự thảo luật đang có ý định cởi trói” – đại biểu Phạm Trọng Nhân băn khoăn.

Đại biểu cho biết, từ nhiều năm nay, số học sinh đầu cấp mỗi năm học mới ở Bình Dương tăng hơn 30.000 cháu. Điều này đã đặt ra những nhiệm vụ nặng nề không chỉ về cơ sở vật chất trường lớp mà cả biên chế giáo viên.

Lẽ ra việc thành lập trường mới, tăng lớp, tăng học sinh thì có thể bổ sung biên chế phù hợp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39 của Ban Chấp hành Trung ương. Nhưng từ khi nghị quyết được ban hành, số giáo viên chưa bao giờ được tăng thêm mà còn tinh giảm theo lộ trình. Năm học 2018-2019 cả tỉnh thiếu hơn 1.000 giáo viên, để giải quyết vấn đề trên buộc phải cố tình duy trì tình trạng 1 lớp trên 50 học sinh, giảm số lớp 2 buổi/ngày.

“Biết rằng những giải pháp trên chưa bao giờ là tích cực trong nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của xã hội. Nhưng những ràng buộc về biên chế đã cho sự nghiệp trồng người thời gian qua luôn trong tình trạng đắp đổi, giật gấu vá vai. Bất cập đã rõ nhưng cách nào để giải quyết thực trạng trên mà không vi phạm điều lệ của các cấp, trường tìm đâu lời giải cho bài toán này?” - đại biểu Phạm Trọng Nhân trăn trở.

Nguyên nhân từ những bất cập về biên chế

Theo đại biểu, ở một góc nhìn nào đó, phải chăng có phần nguyên nhân từ những bất cập về biên chế con người. Địa bàn rộng, dân cư đông, phức tạp, với tỷ lệ hơn 52% là người lao động nhập cư nhưng biên chế được giao không khác gì các địa phương còn lại; Trong khi vừa phải đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng, vừa phải ổn định an ninh, trật tự, các hạ tầng thiết yếu, nhà ở, an sinh, phúc lợi xã hội. Nếu theo dân số tại chỗ thì nguồn lực giao chỉ đủ trang trải một nửa cho nhu cầu, đây quả là một sức ép không hề nhỏ cho địa phương.

Việc quy định số lượng biên chế tối thiểu là cần thiết và cấp bách để đảm bảo cho lộ trình tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy vốn đã tiêu tốn phần lớn ngân sách cho chi thường xuyên trong nhiều năm qua, nhưng không thể dựa vào lý do đó để bó buộc các địa phương có đặc thù như đã nêu.

Liệu các nội dung quy định trong dự thảo lần này đã đánh giá đúng và giải quyết trúng nhiệm vụ, yêu cầu cần thiết trong công tác quản lý nhà nước từng vùng, miền để có cơ chế phù hợp hay chưa? Việc đòi hỏi biên chế, bộ máy ở địa phương đã tự chủ về ngân sách phải khác so với mặt bằng chung không bao giờ nhằm mục đích phân định chiếu trên và chiếu dưới.

Bởi một khi đã gọi là hệ thống chính trị thì mặc nhiên phải là những mắt xích chặt chẽ và không thể tách rời bất cứ bộ phận nào. Nếu còn theo chiếu trên và chiếu dưới có lẽ đã nhìn vấn đề không ở một khối chỉnh thể, thống nhất, thiếu sự gắn kết giữa các địa phương và quan trọng là chưa đặt lợi ích chung của xã hội lên đầu.

"Thay vì cởi trói hoàn toàn để các địa phương tự chủ được ngân sách phát triển hơn nữa, nhằm tạo thêm động lực để kéo địa phương khác đi cùng thì nhiều quy định sửa đổi lần này vẫn còn bóng dáng tư duy hàng ngang. Nhiều hạn chế tồn tại đã được nhận định, phân tích và tốn công sức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Hãy mạnh dạn từ bỏ kiểu trang cấp đồng phục nguồn nhân lực nhằm kiến tạo thêm động lực phát triển một cách chủ động, mạnh mẽ cho đất nước là việc cấp thiết cần làm ngay" - đại biểu Phạm Trọng Nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ