Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư hướng dẫn việc quản lý kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) do Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thực hiện theo quy định tại Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK GDPT.
Thông tư áp dụng cho các đối tượng gồm: cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương (Bộ GD&ĐT), Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Đối với nguồn kinh phí thẩm định SGK GDPT
Được thông tư quy địn là Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề thuộc ngân sách trung ương) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc quản lý kinh phí thẩm định SGK GDPT
Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ.
Việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí thẩm định SGK GDPT theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, về kế toán.
Nội dung và mức chi thẩm định SGK GDPT
Việc chi tổ chức họp thẩm định SGK bao gồm chi thuê hội trường, phòng họp, trang thiết bị phục vụ cho các cuộc họp thẩm định (nếu có), bao gồm thuê thiết bị công nghệ thông tin, máy in, máy photocopy, máy chiếu, thuê đường truyền;
Cùng đó là các khoản chi phục vụ trực tiếp họp Hội đồng thẩm định (điện, nước, thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, chuyển phát tài liệu đến thành viên của Hội đồng): theo thực tế phát sinh.
Các khoản chi phí thực tế nêu trên khi thanh toán phải có đầy đủ chứng từ, hoá đơn theo quy định. Đối với các khoản chi thuê hội trường, phòng họp, thuê thiết bị phải có hợp đồng, hoá đơn theo quy định;
Trong trường hợp mượn cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị khác tổ chức họp thẩm định nhưng vẫn phải thanh toán các khoản chi phí điện, nước, vệ sinh, an ninh, phục vụ, thì chứng từ thanh toán là bản hợp đồng và thanh lý hợp đồng công việc giữa hai bên kèm theo phiếu thu của cơ quan, đơn vị cho mượn cơ sở vật chất; bên cho mượn cơ sở vật chất hạch toán khoản thu này để giảm chi kinh phí hoạt động của đơn vị.
Việc chi giải khát giữa giờ được áp dụng mức chi nước uống tổ chức các cuộc hội nghị theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Chi thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ cho thành viên Hội đồng thẩm định trong quá trình họp thẩm định.
Trường hợp cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức họp thẩm định SGK không bố trí được phương tiện, không có điều kiện bố trí chỗ nghỉ cho thành viên Hội đồng thẩm định mà phải đi thuê thì được chi theo mức chi quy định hiện hành tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
Đáng chú ý, chi phụ cấp tiền ăn cho thành viên Hội đồng thẩm định trong quá trình họp thẩm định được Thông tư hướng dẫn tuỳ theo địa điểm, thời gian tổ chức họp thẩm định SGK, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức họp thẩm định quyết định chi phụ cấp tiền ăn cho thành viên Hội đồng thẩm định phù hợp với mức chi phụ cấp lưu trú...
Về chi tiền công họp thẩm định, mức chi tiền công họp thẩm định đối với Chủ tịch Hội đồng thẩm định tối đa 200.000 đồng/người/buổi; Phó Chủ tịch, ủy viên, thư ký Hội đồng thẩm định tối đa 150.000 đồng/người/buổi.
Chi tiền công đọc thẩm định tài liệu trước phiên họp cho thành viên Hội đồng thẩm định: tối đa 50.000 đồng/tiết/người.
Chi tiền công chuyên gia cần căn cứ đề xuất của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và dự toán được giao thực hiện nhiệm vụ thẩm định SGK, Bộ GD&ĐT quyết định việc xin ý kiến chuyên môn của chuyên gia là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các bản mẫu sách giáo khoa cần tổ chức thẩm định. Mức chi tiền công xin ý kiến chuyên gia tối đa 50.000 đồng/tiết/cá nhân (cơ quan, đơn vị, tổ chức).
Theo Bộ Tài chính, các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa làm căn cứ để lập dự toán chi cho công tác thẩm định SGK GDPT.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định mức chi cụ thể từ nguồn ngân sách nhà nước cho phù hợp và đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện ở cơ quan trong phạm vi dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao.
Khi các văn bản quy định về chế độ, định mức chi dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.