Một đôi bạn trẻ sau khi cưới nhau, bà mẹ vợ phàn nàn: Tiền mừng cưới, vòng vàng cho cô dâu, mẹ chồng gom hết, gửi tiết kiệm tuy cho con trai đứng tên nhưng giữ sổ, muốn lấy ra thì phải xin.
Có chuyện hai vợ chồng đều đi làm và trước khi lấy nhau đều là những đứa con ngoan, có bao nhiêu đưa cho mẹ hết. Bây giờ lấy nhau, chàng về ở nhà nàng, bà mẹ chồng lại yêu cầu mỗi tháng gửi về hơn một nửa tiền lương của con trai để… chơi hụi.
Ở đây, cả hai bà mẹ đã không “dạy con” biết quản lý tiền, cho nên khi “ra riêng” vẫn phụ thuộc vào bố mẹ. Rốt cuộc thay vì giúp con xây dựng một gia đình riêng để trưởng thành và có trách nhiệm thì bà mẹ vợ lại phải nhận thêm một miệng ăn. Vì thế, hai vợ chồng vẫn là hai đứa trẻ để 2 bà mẹ quản lý thu chi.
Việc giúp con biết quản lý tiền là điều mà các bậc cha mẹ phương Tây đặc biệt quan tâm. Những đứa trẻ ngay từ 7, 8 tuổi đã có khả năng nhận biết giá trị của đồng tiền, biết để dành tiền và nhất là biết tiêu tiền một cách hợp lý. Còn gia đình người Việt chủ yếu chỉ tập trung vào việc dạy cho con ngoan ngoãn, chăm học và thông minh.
Các bậc phụ huynh cần biết những điều cơ bản về việc quản lý tiền cho con.
Nhiều bà mẹ thường nghĩ rằng việc không cho con tiền túi là để bảo vệ con khỏi việc mua sắm quà bánh linh tinh, đồ chơi tầm bậy… Ngay cả khi con đã lớn tuổi cũng rất hạn chế việc cho con tiền, chỉ khi nào có nhu cầu xin mua học cụ, sách vở thì đáp ứng. Còn tất cả các nhu cầu khác cần gì sẽ tự tay mua cho con, bao nhiêu cũng được. Ngược lại, có nhiều mẹ lại cho con nhiều quá mức cần thiết, để muốn làm gì thì làm, chủ yếu là để chứng tỏ… gia đình có điều kiện.
Những quan điểm và cách cho con tiền như thế thường sẽ để lại hậu quả, khi lớn lên trẻ sẽ không tự chủ được trong việc dùng tiền. Còn hậu quả trước mắt là không thể uốn nắn các hành vi sai trái của con, không thiết lập được mối quan hệ giữa bố mẹ và con một cách lành mạnh và giúp con có thể tự hào vào bản thân.
Chúng ta nên tập cho trẻ biết cách quản lý tiền ngay từ khi bước vào lớp một. Không đơn giản chỉ là cho con một, hai chục để mua gì thì mua, mà phải theo một trình tự.
Đầu tiên, cha mẹ cần giúp con nhận biết tiền. Ngay từ khi trẻ vào mẫu giáo, cha mẹ phải tập cho trẻ nhận ra những con số trên các tờ giấy bạc. Chỉ cần nhận ra sự khác biệt và sau đó khi đi mua hàng, hãy chỉ cho con biết với các mệnh giá trên, có thể mua được gì. Sau đó, dạy con biết cầm tiền và mua sắm, dạy con biết kiếm tiền và để dành.
Hãy dạy trẻ biết quản lý tiền: Hãy giải thích cho con về việc lập sổ tiết kiệm, biết cách tiêu tiền vào những món vật dụng cần thiết hữu ích và giá trị của việc làm từ thiện. Có thể để cho trẻ vài kinh nghiệm “đắng lòng” khi mua phải hàng giả, hay phí tiền vào các chuyện vô bổ, để rồi không còn tiền cho những nhu cầu thiết yếu nữa.
Và cuối cùng giúp trẻ hiểu được ý nghĩa sau việc quản lý tài chính: Khi trẻ đã biết cách tiêu tiền, có nhu cầu dùng tiền, thì bố mẹ có thể dùng ngay điều đó để quản lý hành vi của trẻ.
Khi chúng ta tạo ra nhu cầu dùng tiền của trẻ, chính là giúp cho trẻ biết giá trị của bản thân, của sự làm việc và lòng tự tin vào chính mình. Hơn nữa, nó cũng là một công cụ để quản lý trẻ, khi dựa vào nhu cầu lợi ích của trẻ để uốn nắn hành vi, chứ không phải là đòn roi, là quát mắng… những biện pháp kỷ luật đầy nước mắt để ép trẻ vào một khuôn khổ mà kết quả thường là sự thất vọng ngày càng nhiều về đứa con của mình.