Những quả cầu màu xanh lá trông giống như bọt biển dạt vào bờ.
RaeMaree Hutton, thành viên đứng đầu Câu lạc bộ Cứu hộ Lướt sóng ở Dee Why nói với tờ IBTimes: “Tôi không muốn chạm vào mấy quả cầu đó, vì trên bờ biển có rất nhiều thứ có thể làm đau tay bạn. Nhưng tôi cũng đã thử thò ngón chân chạm vào chúng, và chúng mềm mềm, ướt ướt, như là bọt biển vậy. Trông chúng giống những quả trứng của người ngoài hành tinh hay gì đó.”
Jenny Zhang, một người dân địa phương cho biết thêm: “Khoảng 3 ngày trước, mới chỉ có một vài quả cầu hình trứng, nhưng lần này chúng to hơn và xuất hiện khắp nơi trên bãi biển.”
Trong khi những người dân ở Dee Why băn khoăn liệu đây có phải một sản phẩm ngoài hành tinh, các nhà khoa học đã khẳng định những quả cầu mềm như bọt biển này thực ra chỉ là tảo biển cuộn vào với nhau thành hình trứng để tự vệ trước kẻ thù.
Alistair Poore, Phó giáo sư khoa Khoa học Sinh vật, Trái Đất và Môi trường thuộc Đại học New South Wales (Sydney) cho biết, những quả cầu này có thể là một loại tảo xanh vẫn còn sống hiếm gặp.
“Tôi đã từng thấy những thứ giống thế này. Đôi khi tảo biển chết đi và tự cuộn lại thành những quả bóng, giống như những bông cỏ lăn của đại dương vậy, nhưng những quả bóng đó chỉ gồm toàn tảo biển đã chết. Nhưng những quả bóng tảo lần này lại trông như còn sống. Đây là một tập tính gọi là “aegagropilious,” tức là tảo biển sống tự do mà không cần bám lên đá và tạo thành những quả bóng tròn.”
Tháng trước, tại bãi biển Manly Beach ở Sydney cũng từng xuất hiện một đợt sóng những sinh vật phát quang sinh học, tạo ra một khung cảnh ấn tượng cho các nhiếp ảnh gia và những người dân ở Newport.