Những phương thức tuyển sinh nhiều ưu việt

GD&TĐ - Cho đến thời điểm này, nhiều tỉnh đã đổi mới thành công kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT có tác động tích cực đến việc dạy – học. Cùng với đó, trong kỳ tuyển sinh đầu vào bậc THCS năm nay, theo quy chế tuyển sinh THCS vừa được Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung phương thức tuyển sinh, các tỉnh đã căn cứ vào điều kiện thực tế, hướng dẫn các trường THCS tổ chức tuyển sinh kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh nếu số lượng học sinh đăng kí học quá chỉ tiêu... Những phương án đổi mới kiểm tra, đánh giá này đang được nhiều ý kiến trong dư luận đánh giá cao.    

Những phương thức tuyển sinh nhiều ưu việt

Tác động lớn của việc đổi mới kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT

Có thể kể đến các địa phương đã đổi mới kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT thành công như: Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình, hoặc mới công bố phương thức áp dựng cho năm nay (2018 -2019) như Nghệ An, Vĩnh Phúc … và áp dụng cho năm sau (2019 – 2020) như TP Hà Nội.

Trong đó Nam Định là tỉnh đầu tiên trên cả nước đổi mới, tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT (từ năm học 2015 – 2016), theo hình thức thay môn thi thứ 3 bằng bài thi tổng hợp, đánh giá năng lực học sinh ở 3 lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Ngoại ngữ.

Theo đó, thí sinh sẽ thi 3 bài thi: Toán, Ngữ văn và Bài thi tổng hợp thay vì thi ba môn thi truyền thống như trước. Ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết: Nội dung thi nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9. Đối với bài thi tổng hợp câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu, đảm bảo kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức kĩ năng, có những câu hỏi gắn với thực tiễn địa phương.

Năm nay là năm thứ ba tỉnh Nam Định đổi mới kỳ tuyển sinh vào lớp 10 với bài thi tổng hợp; tỉnh cũng đã có tổng kết, đánh giá qua hai năm đổi mới kỳ thi theo phương thức này.

Theo ông Cao Xuân Hùng: công tác đổi mới trong kỳ tuyển sinh đã có tác động tích cực đến việc dạy và học. Ông Hùng khẳng định: thi theo phương thức này, ở THCS, các môn học được giảng dạy đồng đều, theo đúng mục tiêu giáo dục của Bộ GD&ĐT, đảm bảo chương trình, kiến thức toàn diện. Không xảy ra tình trạng đến cuối năm học, giáo viên THCS cắt xén chương trình những môn học không thi vào 10 để tập trung cho các môn thi.

Học sinh cũng không nháo nhào đi tìm các cơ sở dạy ôn thi, lò luyện thi nữa; Học sinh cũng loại được mối lo là năm nay không biết kỳ thi vào lớp 10 sẽ thi môn nào, không thi môn nào để học “tủ”. Như vậy, mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà bậc THCS rất tốt.

Theo ông Hùng, giáo viên THPT cũng đã đánh giá rất cao việc thi vào lớp 10 sử dụng bài thi tổng hợp. Nhờ việc học sinh học đều các môn học ở bậc THCS, do vậy lên bậc THPT, các em nắm được kiến thức cơ bản, không môn học nào bị mất gốc, hổng kiến thức cơ bản. Tinh thần học tập của các em cũng khác, sốc vác đồng đều hơn rất nhiều…

Bổ sung phương thức tuyển sinh có nhiều ưu việt

Năm học này, tiếp nối những thành công đó, Sở GD&ĐT Nam Định tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh vào lớp 6 THCS, theo quy chế tuyển sinh THCS vừa được Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung tại thông tư số 05.

Ông Cao Xuân Hùng cho biết: năm nay, hầu hết các trường THCS trên địa bàn tỉnh đều tuyển sinh vào lớp 6 đầu cấp THCS theo phương án xét tuyển như mọi năm; Đây là những trường thực hiện nhiệm vụ PCGD và có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 phù hợp với chỉ tiêu giao.

Riêng đối với Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định), do có số học sinh đăng kí nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng: chủ trương của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 05 sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của quy chế tuyển sinh THCS, THPT cho phép các trường THCS có số học sinh đăng kí học nhiều hơn chỉ tiêu được tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh là rất đúng đắn.

Số trường THCS tuyển sinh theo phương thức này của tỉnh Phú Thọ không nhiều, tập trung chủ yếu là ở TP Việt Trì và một số trường có chất lượng giáo dục cao ở các huyện. Sở đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT: bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh phải nhẹ nhàng, tránh làm phát sinh hiện tượng để đáp ứng kỳ thi, học sinh phải tham gia luyện thi ở lò luyện.

Sở sẽ có những chỉ đạo chuyên môn rất cụ thể theo tinh thần này trên cơ sở phương án xét tuyển các Phòng GD&ĐT trình lên.

Tính ưu việt của phương thức tuyển sinh này năm nay cũng được ông Nguyễn Huy Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT TP Việt Trì đánh giá cao. Ông khẳng định: Với những trường đông học sinh đăng kí, nhiều hơn chỉ tiêu được giao mà vẫn phải đảm bảo mục tiêu PCGD thì phương án xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh là rất hợp lý.

Năm nay, TP Việt Trì có số lượng các trường THCS tuyển sinh theo phương thức này không nhiều. Nhưng Phòng GD&ĐT sẽ hướng dẫn các trường lập phương án theo đúng Quy chế tuyển sinh THCS của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của Sở.

Ông Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên, cho biết: Năm nay, với những trường THCS có số học sinh đăng kí vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, có thể thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Học sinh tham gia 2 bài kiểm tra, đánh giá năng lực Toán và Tiếng Việt, thời gian mỗi bài là 60 phút. Điểm xét tuyển là tổng điểm của 2 bài thi này và điểm bài môn Tiếng Việt, môn Toán cuối năm lớp 5.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ