Những phụ nữ Nhật Bản khởi nghiệp ở tuổi nghỉ hưu

GD&TĐ - Phụ nữ Nhật Bản thường phải lựa chọn giữa việc làm mẹ và sự nghiệp của mình, việc này khiến họ phải đứng ngoài lực lượng lao động làm việc toàn thời gian trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, đối với những doanh nhân, “tuổi về hưu” lại mở ra cơ hội để họ bắt đầu một công việc kinh doanh mới.

Những phụ nữ Nhật Bản khởi nghiệp ở tuổi nghỉ hưu

Bắt đầu ở tuổi xế chiều

Trong một phố núi êm đềm, bà lão Yoshiko Zakoji 85 tuổi bắt đầu ngày mới của mình với bài tập thể dục trước khi nấu cơm hoặc luộc rau để cho vào hộp cơm trưa. Đây là công việc bà đã làm hơn một thập kỷ nay.

“Tôi cần giữ cho mình mạnh khỏe để tiếp tục công việc của mình” – bà Zakoji nói. Hiện bà đang sở hữu một cửa hàng ở Iida, cách Thủ đô Tokyo 170km. Bà gọi nó là Waraku.

Bà Zakoji mở cửa hàng này năm 1992 sau khi chồng nghỉ hưu. Bà là một nội trợ 60 tuổi không có kinh nghiệm. Đây là thời điểm mà thế hệ của bà bắt đầu dựa vào hệ thống phúc lợi của nhà nước.

Trước ngày mở cửa hàng, bà nhớ lại rằng có một số người đã rất ngạc nhiên: “Bà bắt đầu làm gì vậy?”.

Trước đây, bà Zakoji đã làm ra một thứ còn lớn hơn cả một cửa hàng. Bà đã tạo ra được một cộng đồng. Waraku bán thực phẩm truyền thống, cơm hộp, đồ thủ công do người địa phương, người quen và cả người khuyết tật làm. Bà cũng lập nên lớp học phi lợi nhuận, dạy cắm hoa, làm gốm. Khi một số người địa phương bắt đầu cảm thấy khó chịu khi thấy người nước ngoài đến đây (những người này nhắc bà về những khó khăn của chị gái bà sau khi chuyển đến Canada). Bà cũng đã thành lập một chương trình trao đổi quốc tế để những tình nguyện viên giúp dạy thêm tiếng Nhật, toán và những môn học khác.

Đó là những lợi ích cho Iida và một số cư dân bị cô lập nhất ở đây. Tuy nhiên cuộc phiêu lưu của bà Zakoji cũng cho thấy một số phụ nữ lớn tuổi đã tạo ra những con đường mới thông qua các dự án kinh doanh, hợp tác giúp gắn kết những người hàng xóm lại với nhau và đang định hình diện mạo của xã hội “tóc bạc”.

Bà khuyến khích những người cao tuổi khác khởi nghiệp hoặc đóng vai trò lớn hơn trong cộng đồng của mình.

“Khi mọi người hợp lại với nhau thì điều gì đó sẽ bắt đầu xảy ra, một thứ gì đó sẽ được tạo nên” – bà nói.

Sân chơi không cân sức

Theo Viện nghiên cứu Dân số và An ninh Quốc gia Nhật Bản, tại quốc gia này số người tuổi từ 65 trở lên sẽ chiếm 38% của tổng dân số vào năm 2065, tăng gần 27% so với năm 2015. Con số thống kê này khiến cho nhiều nhà kinh tế lo lắng, đặc biệt là khi Nhật là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Tuy nhiên “những phụ nữ ở độ tuổi 60 ngày nay có nhiều sức mạnh hơn so với những người cùng độ tuổi cách đây 10 năm” – giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Rokumaru 60, ông Atsuko Arisawa, cho biết. Tổ chức của ông giúp những phụ nữ, đặc biệt là những người ngoài 60 tuổi cải thiện kỹ năng làm việc, tìm việc làm hoặc khởi nghiệp.

Ông Fumie Kurratomi – giám đốc Viện nghiên cứu giới tính Fukuoka – nói “Phụ nữ đã có con rất khó tham gia lực lượng xã hội. Nếu bạn là phụ nữ ngoài 35 tuổi và đã có con ở Nhật, tìm việc tạm thời cũng khó đối với bạn”.

Vào tuổi xế chiều, nhiều phụ nữ “đã đạt tới thời điểm mà họ có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn sau khi ở nhà nuôi con và chăm sóc chồng. Họ muốn biến mong ước của mình thành hiện thực” – bà Arisawa, cựu biên tập viên của một tờ báo cho biết – Đối với những doanh nhân này, việc kiếm tiền không phải là điều ưu tiên, nhiều phụ nữ muốn đóng góp cho cộng đồng và mang lại niềm vui cho người khác”.

Giúp kết nối những người hàng xóm

Trong một khu vực được gọi là “Ngọn đồi Hy vọng” ở thành phố Yokohama, gần Thủ đô Tokyo, sau một thời gian dài tình nguyện giúp đỡ người cao tuổi ở địa phương, bà Maki Gomi đã mở quán Café Heartful Port tại nhà mình 3 năm trước. Từ khi mở cửa, quán cà phê này đã thu hút hơn 10.000 khách hàng từ những thanh thiếu niên và các bậc phụ huynh có con nhỏ cho tới người cao tuổi. Tại đây, bà tổ chức các buổi hội thảo, các buổi hòa nhạc nhỏ để giúp cư dân tương tác với nhau.

Bà Gomi nói: “Chúng tôi cần làm cho việc xây dựng cộng đồng trở nên thú vị hơn”.

Với một cộng đồng đang già đi, số các gia đình hạt nhân tăng lên ở một ngoại ô Tokyo như Yokohama, những tương tác như vậy rất quan trọng. Những người cao tuổi và một thành viên viên của gia đình chăm sóc họ có thể bị cô lập. Sự cô lập cũng là vấn đề của nhiều gia đình trẻ: họ bận rộn đón con từ trường tới các lớp học thêm và còn lại ít thời gian dành cho việc giúp các thế hệ, hay hàng xóm gần lại với nhau.

Tại quán cà phê của mình, bà Gomi còn tổ chức chương trình phục vụ những người già bị sa sút trí tuệ và gia đình họ, chương trình cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp.

Cơ hội thứ 2

Một số phụ nữ đã xây dựng sự nghiệp của mình cũng theo đuổi công việc sau khi nghỉ hưu. Thực tế chính sách “womenomics” đã đem lại cho nhóm người này nhiều lợi ích nhất. Kể từ khi Thủ tướng Abe nhậm chức, tỷ lệ phụ nữ tuổi từ 55-64 đã tăng nhiều nhất so với các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, đa số họ chỉ làm được công việc bán thời gian, theo mùa vụ và các chuyên gia lao động nói rằng rất khó để phụ nữ có thể đảm bảo theo đuổi một công việc lâu dài. Chỉ khi tuổi cao, họ mới có cơ hội thực hiện những gì mình muốn.

Về truyền thống, các bà mẹ Nhật có trách nhiệm nhiều nhất đối với việc nuôi nấng con cái, trong khi đó văn hóa “làm công ăn lương” giữ hầu hết nam giới ở công sở đến tận tối muộn mới về nhà. Tuy nhiên, thậm chí khi con cái lớn hơn hay rời nhà đi, phụ nữ tìm việc vẫn phải đối mặt với những khó khăn. Năm ngoái, Diễn đàn kinh tế thế giới đã xếp Nhật Bản đứng thứ 111/144 quốc gia về bất bình đẳng về giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải