Những pha nói tiếng Việt của rể Tây khiến cả nhà vợ "đứng hình"

Lúc hỏi cưới Thy, Jimmy quay sang nói với bố vợ: "Anh muốn cưới con ba. Ba có đồng ý không?".

Những pha nói tiếng Việt của rể Tây khiến cả nhà vợ "đứng hình"

Giống như nhiều người nước ngoài khác, Jimmy, chàng kỹ sư người Canada, sợ "toát mồ hôi" với các ngôi "anh, em, cháu, tôi, ba, dì, chú, bác..." ở Việt Nam. Thế nên đi đâu, nói chuyện với ai, chàng rể Việt cũng mặc định xưng "anh" ngọt xớt như cách xưng hô với vợ, Ngọc Thy.

Lúc gặp bố vợ, anh chạy lại gọi to: "Ba ơi, anh yêu ba", khiến cả nhà Thy không nhịn được cười. Ngày xin cưới Thy, Jimmy cũng dõng dạc tuyên bố: "Anh muốn cưới con ba".

"Có lần đi ăn với tôi ở Sài Gòn, anh bảo để anh thanh toán. Tôi hồi hộp không hiểu anh định nói gì thì thấy anh nhìn vào mặt nhân viên và nói: "Em yêu, tính tiền" khiến tôi cười không dứt. Không hiểu học lỏm được ở đâu", Ngọc Thy hài hước kể lại.

Hiện giờ mặc dù theo chồng sang định cư ở Canada nhưng Ngọc Thy vẫn thường xuyên dạy chồng nói tiếng Việt. Cô mong anh có thể gọi điện, chào hỏi bố mẹ cô thành thạo như một chàng rể Việt đích thực.

Anh Simon, người Anh, cũng gặp nhiều khó khăn với việc phân biệt ngôi thứ trong tiếng Việt. Anh thường xuyên nói: "Con chào em" và "Em chào bác".

Chị Ngân, vợ anh, hiện định cư ở London, cho biết chị vẫn nhớ như in lần chị dạy anh nói từ "đánh răng". Anh lấy hết sức bình sinh, nói rất chậm rãi, nhưng kết quả lại nói thành từ "đánh rắm".

"Anh cứ thế luyện một hồi mà vẫn không phân biệt được cái nào với cái nào. Và từ đó, để không quên từ, anh thực hành nói đi nói lại. Tối nào, anh cũng rủ tôi đi "đánh rắm"", chị Ngân kể lại.

Nhung pha noi tieng Viet cua re Tay khien ca nha vo

Anh Simon rất chăm chỉ học tiếng Việt.

Còn ông xã người Đức của chị Hiền, Han Coenen, tối nào cũng hỏi vợ có "ngu không" hay "sao em chưa ngu đi". Không phải anh chê vợ, mà vì anh không thể nói được từ "ngủ" dù đã nói lại cả nghìn lần.

Noel Garvey, chàng trai 28 tuổi người Anh, đã ở Việt Nam được gần 6 năm. Hiện giờ tiếng Việt của Noel đã "sành" hơn rất nhiều. Thế nhưng những ngày đầu bập bẹ học nói, Noel từng bị nhiều bạn bè của vợ Trà My, dạy nói "đểu" vài câu.

"Ngày đầu tiên gặp mẹ tôi, anh chào mẹ rất ngoan, rồi khen mẹ: "Mẹ đẹp chết đi được". Sau đó còn nói thêm câu: "Giò mẹ căng quá", khiến tôi và mẹ cười không dừng được. Hỏi ra mới biết lũ bạn tôi dạy anh nói mấy câu đó khi anh hỏi muốn khen mẹ đẹp, chân dài thì nói thế nào", Trà My nhớ lại.

Nhung pha noi tieng Viet cua re Tay khien ca nha vo

Noel từng khen mẹ vợ "giò căng", "đẹp chết đi được".

Jon, chàng rể người Anh, cũng gặp nhiều khó khăn khi học nói tiếng Việt, dù vợ anh, chị Thủy Tuyên rất kiên trì dạy chồng. Có lần chị dạy hoài mà anh không nhớ gì hết, tức quá chị mới nói: "Anh ngốc như bò".

Nói xong chị cười như nắc nẻ và giải thích cho anh nghe ý nghĩa câu nói đó. Anh ra vẻ rất tâm đắc nên cứ lặp đi lặp lại câu đó suốt. Ngày Tết về thăm gia đình nhà chị Tuyên, bố chị kêu anh nói gì đi, thử nói một câu tiếng Việt anh biết. Thế là anh tự tin quay sang bố vợ nói: "Anh ngốc như bò".

Nghe xong câu nói của con rể tương lai, bố chị Tuyên "đứng hình" chưa kịp phản ứng gì, Jon lại tiếp tục quay sang mẹ vợ đang cười như nắc nẻ nói "Em đẹp lắm".

Học tiếng Việt không phải là dễ, vì thế dù đôi khi nói nhầm, xưng "vượt cấp" nhưng các chàng rể Tây vẫn được bố mẹ vợ yêu vì cố gắng vượt bậc. Giọng lơ lớ của những anh chàng này luôn trở thành món gia vị đặc biệt trong mỗi gia đình chồng Tây vợ Việt.

Theo PNNews/VnExPress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.